Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 06/2021, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt gần 9,8 triệu tỷ đồng, tăng 6,44% so với đầu năm.
Trong đó, cho vay lĩnh vực công nghiệp và thương mại ghi nhận đà tăng trưởng mạnh nhất lần lượt là 8,9% và 8,16%. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối, thương mại đang là lĩnh vực có dư nợ cao nhất với 2,28 triệu tỷ đồng, tiếp theo là công nghiệp với hơn 1,8 triệu tỷ đồng.
Trong kỳ, cho vay các hoạt động dịch vụ khác tăng 6,74%, với dư nợ gần 3,72 triệu tỷ đồng và cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với gần 790 nghìn tỷ đồng, tăng 1,81% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, cho vay đối với lĩnh vực xây dựng là nhóm ngành duy nhất có sự sụt giảm nhẹ trong tháng 6 với dư nợ cuối tháng 6 đạt 860 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức 862 nghìn tỷ đồng của cuối tháng 5. Tính đến hết tháng 6, cho vay xây dựng tăng 0,75% so với cùng kỳ.
Trên thực tế, quan sát báo cáo tài chính của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay cho thấy các ngân hàng cho vay chủ yếu vào cá nhân, hộ gia đình, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng sẽ có một thế mạnh cho vay riêng.
Đơn cử như tại VPBank (VPB), cho vay cá nhân, hộ gia đình nhiều nhất với 113.066 tỷ đồng dư nợ, chiếm tỷ trọng 36%. Tiếp đến là MB (MBB) với 108.066 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33% dư nợ.
Trong khi Techcombank, tỷ trọng cho vay bất động sản cao nhất, chiếm hơn 32,37% dư nợ tính đến 30/06/2021, đạt gần 9.321 tỷ đồng, dù giảm nhẹ so với tỷ trọng 32,92% hồi đầu năm. Kế đến là bán buôn, bán lẻ chiếm 10,18% và công nghiệp chế biến chiếm 7,52%.
Nhìn nhận về 4 tháng cuối năm, TS Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cho vay cá nhân sẽ là "miếng bánh ngon" đối với các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nghĩa phân tích, ngân hàng có 4 nguồn thu chính gồm cho vay doanh nghiệp; buôn bán trên thị trường liên ngân hàng; cho vay cá nhân và phát hành chứng khoán (mua bán trái phiếu).
Qua quan sát khoảng chục bảng cân đối tài sản, các ngân hàng nhỏ phần lớn lợi nhuận đến từ mảng cho vay cá nhân và hộ gia đình.
"Từ nay tới cuối năm, tháng 11 may ra nền kinh tế mới tương đối phục hồi. Nếu các ngân hàng mở rộng cho vay cá nhân và hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, đặc biệt là các tiểu thương sẽ là cách làm ăn tốt nhất với các ngân hàng. Bởi khi đó, nhu cầu vay vốn của các đối tượng này sẽ tăng cao "đón sóng" tiêu dùng gia tăng tháng cuối năm. Trong khi đó, bình quân, cho vay cá nhân và hộ gia đình thường là những món vay nhỏ lãi suất bình quân hiện nay đâu đó khoảng 28%/năm", TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho biết, vấn đề quan tâm của các ngân hàng trong năm nay bên cạnh mục tiêu lợi nhuận là làm sao quản trị và kiểm soát được rủi ro, tránh nợ xấu bùng phát.
Tuy nhiên, đề cập về lĩnh vực cho vay có thể mang lại lợi nhuận cao nhất cho các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, theo TS. Hiếu đó là cho vay tiêu dùng và cho vay kinh doanh bất động sản.
Đối với cho vay tiêu dùng, chênh lệch đầu ra và đầu vào có thể lên tới hàng chục %, thông thường lãi suất cho vay duy trì trên 15%/năm, trong khi mặt bằng lãi suất huy động hiện chỉ vào khoảng 4 – 5%/năm.
Với cho vay bất động sản, theo TS Hiếu cho vay bất động sản luôn luôn là loại tín dụng mà các ngân hàng mong muốn, vì có tài sản bảo đảm, đặc biệt trong lúc dịch bệnh đang diễn ra, tất cả vấn đề sản xuất kinh doanh bị đình trệ và khó khăn trong nền kinh tế.
Nếu ngân hàng muốn cho vay thì sẽ ưu tiên khoản vay nào có tài sản đảm bảo vững vàng nhất cho vay, cho vay bất động sản còn vững vàng hơn cả chứng khoán. Do đó, trong lúc kinh tế càng khó khăn, thì ngân hàng lại càng cho vay bất động sản nhiều. Đó cũng là lý do vì sao cho vay bất động sản thời gian qua vẫn tăng.
"Nhu cầu nhà ở lúc nào cũng lớn, kinh doanh bất động sản nhà ở và cho vay bất động sản nhà ở, đặc biệt là các sản phẩm dành cho giới trung lưu. Hơn nữa, hiện nay các ngân hàng dù có rất nhiều những ưu đãi lãi suất dành cho lĩnh vực này gần như không có vì đây là lĩnh vực không được khuyến khích vì vậy chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra khi cho vay đối với bất động sản vẫn được duy trì ở mức cao so với các lĩnh vực khác. Vì vậy, ngân hàng nào cho vay nhắm vào bất động sản phân khúc này lợi nhuận mang lại sẽ "ngon" nhất", ông Hiếu khuyến nghị thêm.
Đại diện một ngân hàng thương mại bổ sung, trong hoạt động của ngân hàng, cho cá nhân vay NIM (biên lãi ròng) duy trì ở mức cao. Trong cá nhân thì tín chấp, thẻ tín dụng là cao nhất. Vì vậy, các ngân hàng rất thích mời khách mở thẻ tín dụng và tiêu bằng thẻ.
NIM lợi nhuận đối với nhóm khách hàng bất động sản cao hơn so với nhóm khách hàng sản xuất. Tuy nhiên, bất động sản chưa bao giờ là lĩnh vực được ưu tiên, thậm chí, các ngân hàng cho vay nhiều vào nhóm khách hàng này phải giải trình với Ngân hàng Nhà nước. Do đó, dù có là lĩnh vực "ngon" ăn các ngân hàng cũng không dám mạnh tay cho vay.