Sốt đất hạ nhiệt: Dòng tiền cho vay bất động sản chậm lại, chứng khoán “hút” 47.000 tỷ đồng

Huyền Anh Thứ ba, ngày 22/06/2021 08:52 AM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, cho vay bất động sản, BOT,...
Bình luận 0

Dòng tiền cho vay bất động sản chậm lại, chứng khoán "hút" 47.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 - 6%.

Sốt đất hạ nhiệt: Dòng tiền cho vay bất động sản chậm lại, chứng khoán “hút” 47.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế. Ảnh: SBV

Đáng lưu ý, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực, (gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) các lĩnh vực này có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế.

Dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng DNNVV tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.

Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN, có 3/4 lĩnh vực tăng trưởng so với cuối năm 2020, riêng tín dụng lĩnh vực BOT, BT giao thông tiếp tục giảm.

Cụ thể, dư nợ lĩnh vực chứng khoán dự kiến đến cuối tháng 6 tăng khoảng 3% nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ (0,48%) trong tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ước tăng 6%; dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông ước giảm 1,65%.

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: nhìn xu thế tăng trưởng của thị trường bất động sản và tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thì thấy tín dụng vào lĩnh vực này đã có xu hướng giảm.

Đến hết tháng 4, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đạt 4,83%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng vào bất động sản sẽ không tăng mạnh vẫn nằm trong lĩnh vực được NHNN kiểm soát rất chặt chẽ.

Sốt đất hạ nhiệt: Dòng tiền cho vay bất động sản chậm lại, chứng khoán “hút” 47.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Giá đất nền tại một số địa phương đã giảm nhiều, thị trường đã dần được kiểm soát và ổn định hơn, mức tăng trưởng tín dụng là trong tầm kiểm soát. (Ảnh: TK)

Lý giải về hiện tượng giá bất động sản tăng trên diện rộng thời gian qua, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế thông tin, trong hai tháng là tháng 3 và tháng 4 bất động sản tăng nóng, đặc biệt là phân khúc đất nền. 

Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, NHNN cũng đã tổ chức hội nghị, phân tích và cảnh báo rủi ro tín dụng vào bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

"Đến hiện tại, theo thông tin NHNN nhận được thì giá đất nền tại một số địa phương đã giảm nhiều, thị trường đã dần được kiểm soát và ổn định hơn, mức tăng trưởng tín dụng là trong tầm kiểm soát.

Việc một số địa phương đã kiểm soát tốt, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc công khai quy hoạch các dự án cũng góp phần xử lý cơ bản hiện tượng tăng nóng và góp phần giảm sốt đất", ông Tuấn Anh thông tin thêm.

Tuy vậy, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế cho rằng thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn rủi ro và không được phép lơ là.

Còn với tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán, kết thúc tháng 6 tăng trưởng tín dụng và lĩnh vực chứng khoán không thay đổi nhiều và chỉ tăng 4.000-5.000 tỷ đồng so với kết thúc tháng 4 lên 46.700 tỷ đồng.

Vụ trưởng cũng cho biết chứng khoán là lĩnh vực mà nhiều cơ quan quản lý, người dân quan tâm, thời gian qua, thị trường này cũng biến động liên tục nên cần tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động đầu tư.

Dự kiến tới đây, NHNN sẽ có giải pháp giám sắt chặt chẽ hoạt động cho vay, đặc biệt hạn chế việc lách luật để cho vay lĩnh vực này, sử dụng vốn sai mục đích, tăng cường giám sát các tổ chức tín dụng, người vay, mục đích vay…

Với trái phiếu doanh nghiệp, số liệu từ NHNN cho thấy, dư nợ hiện nay là 257.700 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ; Đến hết tháng 6 sẽ chỉ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. 

Ông Tuấn Anh đánh giá đây không phải là tỷ lệ quá lớn tuy nhiên hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp khá nhạy cảm và NHNN coi đây là một trong những nhiệm vụ giám sát kiểm tra chặt chẽ.

Kiểm soát dòng tiền cho vay bất động sản, chứng khoán

Trước quan ngại cho rằng dòng tiền đang chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay chứng khoán, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng trong nền kinh tế, 3 thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán luôn thông nhau và việc dòng tiền dịch chuyển trong 3 thị trường này là điều bình thường.

Mục tiêu của cơ quan quản lý là tạo điều kiện cho cả 3 thị trường phát triển, nhưng phải điều hướng dòng tiền để đảm bảo an toàn cho thị trường, không tạo bong bóng.

"Bộ Tài chính quản lý thị trường chứng khoán, trái phiếu, NHNN quản lý thị trường tiền tệ, tín dụng. Vấn đề đặt ra là làm sao để các thị trường thông nhau, nhưng vẫn đảm bảo thị trường bất động sản, chứng khoán không tạo bong bóng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Sốt đất hạ nhiệt: Dòng tiền cho vay bất động sản chậm lại, chứng khoán “hút” 47.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú. (Ảnh: LT)

Về phía NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết cơ quan quản lý tiền tệ đã có chỉ đạo với những ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản lớn, tỷ lệ tăng nóng thời gian qua.

Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng bất động sản của hệ thống chưa cao, thậm chí giảm so với những năm trước, nhất là những phân khúc kinh doanh bất động sản, dự án cao cấp, dự án có tính chất đầu cơ. Với thị trường bất động sản phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân, nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, NHNN vẫn khuyến khích cho vay.

Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) khi dòng tiền chảy sang lĩnh vực rủi ro sẽ có "hai mặt", không phải chỉ có tác động xấu đến nền kinh tế.

Về mặt tích cực, tiền đổ vào chứng khoán từ rất nhiều kênh như tiền gửi tiết kiệm, từ bán bất động sản, vay margin công ty chứng khoán…. chứ không chỉ từ tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, khi tiền chảy vào chứng khoán sẽ giúp các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ thị trường này, qua đó giảm gánh nặng cho các ngân hàng trong việc cung ứng vốn.

Với lĩnh vực bất động sản, hiện nguồn cung đang ít hơn cầu, nên khi dòng tiền đổ vào lĩnh vực này sẽ giúp nguồn cung phát triển. Từ đó tạo hiệu ứng tốt lan tỏa đến các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem