Không có nước nào cứ khủng hoảng là đè ngân hàng ra đòi giảm lãi suất cho vay
Đề nghị giảm 3-5% lãi suất cho vay: Không có nước nào trên thế giới, cứ khủng hoảng là đè ngân hàng ra đòi giảm
H.Anh
Thứ sáu, ngày 13/08/2021 07:30 AM (GMT+7)
TS Lê Xuân Nghĩa cho hay không có nước nào trên thế giới, vào lúc khủng hoảng “cứ đòi giảm lãi suất cho vay như Việt Nam”. Vì nếu giảm 3-5% lãi suất cho vay thì phải có sự hỗ trợ ngân sách. Việt Nam từng thất bại về gói kích cầu bằng hạ lãi suất cho vay ngân hàng giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2009.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, đánh giá đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đợt thứ tư, đã tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa - chiếm 98,2% số doanh nghiệp trên cả nước, chịu ảnh hưởng rất nặng nề.
Khảo sát nhanh của các sở, ngành đối với gần 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội trong tháng 6/2021 cho thấy, có tới 57,10% doanh nghiệp trả lời hoạt động cầm chừng; 38,97% doanh nghiệp đang hoạt động bình thường; 2,61% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể; 1,41% doanh nghiệp hoạt động tốt trong thời điểm dịch bệnh.
Từ thực tiễn kể trên, Hiệp hội đã gửi 10 kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Một trong những kiến nghị đáng lưu ý, đó là đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và phát triển, trong điều kiện thực hiện "mục tiêu kép: Vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất.
Đồng thời, Ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các doanh nghiệp giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển (tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines).
Trao đổi với Dân Việt, nhiều chuyên cho rằng, kiến nghị giảm 3-5%/năm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất và phát triển, là đề xuất "viển vông", thiếu thực tế.
Giảng viên tại trường Học viện Ngân hàng cho hay, việc giảm lãi suất cho vay tới 5% là vấn đề vô cùng khó trong bối cảnh hiện nay, nếu không dám nói là không khả thi.
"Làm một phép tính đơn giản, lãi suất tiết kiệm cộng với NIM (tức là biên lãi ròng) của ngân hàng, hiện bình quân khoảng từ 3 - 3,5% sẽ ra lãi suất cho vay.
Hiện tại, các ngân hàng thương mại trên thế giới, NIM thường giao động từ 2,2 – 2,5%, cũng có một số ngân hàng gần 3%.
Nếu chiếu theo quốc tế, NIM của các ngân hàng thương mại trong nước chỉ có thể giảm thêm 1%, tức lãi suất cho vay cũng chỉ giảm mức tương ứng", vị này phân tích.
Thực tế, trong tháng 7 và tháng 8 này các ngân hàng cũng đang triển khai giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp, theo thống kê mức giảm bình quân khoảng 1%, cá biệt có ngân hàng giảm tới 3% cho một số đối tượng khách hàng. Như vậy, dư địa giảm lãi suất gần như bằng 0.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu quan điểm, trong khi "miếng bánh" giảm lãi vay của các ngân hàng có hạn nhưng doanh nghiệp nào cũng muốn "cắt miếng to", như thế không được.
Vị chuyên gia này phân tích, bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, huy động tiền gửi của dân về cho vay và giữa 2 lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện nay chỉ chênh lệch khoảng trên 3%. Trong khi đó, doanh nghiệp đòi giảm từ 3-5%, vậy ngân hàng sống bằng gì?
"Giả sử lãi suất huy động và cho vay chênh lệch khoảng 5 đến 10% thì các doanh nghiệp có thể kiến nghị giảm 3-5% lãi vay còn được. Theo tôi, đề xuất này là cực kỳ vô lý, phi kinh tế và mang tính cục bộ", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Cho rằng đề xuất nêu trên thiếu khả thi và không nên thực hiện, TS Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế viện dẫn 3 lý do:
Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ nên sử dụng chính sách tài khoá, thay vì chính sách tiền tệ, trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sách tài khóa có "lực" thì triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, không có "lực" thì đi vay thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, vay từ Ngân hàng Nhà nước vốn vẫn có dự trữ ngoại tệ, hay vay của nước ngoài. Hiện nay, các chính phủ trên thế giới tài trợ doanh nghiệp của nước họ rất lớn và tất cả đều thông qua ngân sách nhà nước.
TS Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế
Thứ nhất, theo ông Nghĩa đó là áp lực lạm phát từ bên trong lẫn bên ngoài đều đang rất lớn. Theo dự báo, CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% từ nay tới cuối năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi bình quân trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 5%. Như vậy, sau khi trừ lạm phát, lãi suất thực cho người gửi tiền chỉ là 1%.
"Để giảm lãi suất cho vay từ 3 – 5% thì cũng phải giảm lãi suất tiền gửi ít nhất 3 -5%. Tuy nhiên, lãi suất thực cho người gửi tiền chỉ 1%, vậy lấy đâu để giảm 3 – 5%, bởi chúng ta không thể đưa lãi suất thực về âm", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghĩa, khi lãi suất thực âm người dân sẽ không gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, ngân hàng sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản", doanh nghiệp cũng "hết cửa" vay vốn.
Hai là, thế giới không nước nào làm như thế - theo ông Nghĩa.
"Không có nước nào trên thế giới, vào lúc khủng hoảng cứ đòi giảm lãi suất như Việt Nam. Làm như thế là đang "bắt ép" các ngân hàng thương mại giảm lãi suất trong khi các ngân hàng huy động tiền gửi của dân để cho vay chứ không phải tiền ngân sách. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm trả cho khách hàng lãi suất như đã thỏa thuận, và lãi suất đó so với lạm phát phải dương", ông Nghĩa nói.
Cuối cùng, giảm từ 3 – 5% lãi vay cho doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của ngân sách. Tuy nhiên, Việt Nam từng thất bại về gói kích cầu bằng hạ lãi suất cho vay ngân hàng giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2009.
"Đối với hệ thống ngân hàng, đến năm 2011 là đống nợ xấu khủng khiếp, chính các ngân hàng cũng không tưởng tượng được. Đây là một bài học để Chính phủ cần thận trọng khi sử dụng chính sách tiền tệ, tín dụng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp", TS. Nghĩa nói.
Đại diện một ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, hỗ trợ cho doanh nghiệp không cần lãi suất quá thấp, chỉ cần 50% so với mức hiện tại, đồng thời tăng khả năng vay vốn, kỳ hạn cho vay dài hơn là hoạt động của các doanh nghiệp sẽ dần khởi sắc. Riêng với lĩnh vực trọng yếu, Nhà nước phải có gói hỗ trợ riêng trong trường hợp thực sự khó khăn và cần thiết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.