Clip: Nghề nuôi ong mật ở Hà Tĩnh gặp ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Một thời là nghề "một vốn bốn lời"
Tận dụng lợi thế về địa hình, điều kiện thời tiết cùng sự ưu đãi về diện tích rừng, những năm qua nghề nuôi ong mật tự nhiên ở các huyện miền núi tỉnh Hà Tĩnh phát triển khá mạnh.
Nghề nuôi ong mật tự nhiên đã giải quyết công ăn việc làm, phát triển kinh tế vùng nông , góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình tại các huyện miền núi như: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Cẩm Xuyên…(tỉnh Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong mật tự nhiên.
Ong mật là loài dễ nuôi thích hợp với khu vực đồi núi, nên được xem là con phát triển kinh tế khá tại địa phương.
Mật ong được xem là thức uống bổ dưỡng, có giá trị kinh tế cao. Thực phẩm có công dụng giúp làm đẹp da, tăng sức đề kháng rất tốt, có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Nhờ những hiệu quả tuyệt vời mà mật ong đem lại, đã có rất nhiều người bỏ ra số tiền lớn để sở hữu, sử dụng thức uống bổ dưỡng này. Nó đã giúp người nuôi ong lấy mật bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Là người tiên phong trong phong trào nuôi ong mật tự nhiên, ông Nguyễn Công Sơn (SN 1965, trú tại thôn Mỹ Đông, xã Cẩm Mỹ), cho hay: "Nuôi ong mật tự nhiên là nghề "một vốn bốn lời", chi phí đầu tư ban đầu thấp, vốn đầu tư cũng không lớn. Mỗi năm đàn ong cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 8 (AL), hiện gia đình tôi có tổng cộng 30 đàn ong, cho năng suất khoảng từ 5-7 lít mật/đàn/năm.
Mật ong gia đình tôi chất lượng nên được các tỉnh phía Nam lựa chọn như: Nha Trang, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh…, với giá bán từ 800.000 - 1.000.000đồng/lít, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 120 triệu đồng".
"Để mật đạt chất lượng tốt nhất, tôi không dùng máy quay ly tâm lấy mật, mà lấy bằng phương pháp thủ công dùng muỗng cạo, lọc mật bằng vải phên, phương pháp thủ công này sẽ cho lượng mật ít hơn, nhưng lại đảm bảo mật nguyên chất không bị lẫn với nước lạnh" – Ông Sơn bật mí.
Dịch Covid-19 "ám" giá mật ong
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá mật ong giảm mạnh, giao thương không thuận lợi, khiến mật ong tồn đọng số lượng lớn, các hộ dân nuôi ong mật tự nhiên tổn thất nặng nề.
Ông Nguyễn Công Sơn (trú tại thôn Mỹ Đông, xã Cẩm Mỹ) buồn bã nói: "Do ảnh hưởng dịch Covid-19, mật ong rớt giá thê thảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, người nuôi ong lao đao.
Hiện nay, chúng tôi chỉ bán với giá 350.000 - 400.000đồng/lít, so với các năm trước mật ong xuất ra ngoài tỉnh có giá 800.000 – 1000.000đồng/lít. Do không bán được, gia đình tôi đang còn tồn hàng chục lít mật".
Còn anh Nguyễn Trường Giang (SN 1985, trú tại huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ: "Các năm trước, với 17 đàn ong của gia đình, tôi thu về gần 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá mật ong chỉ còn 350.000 – 400.00đồng/lít.
Đầu ra của mật ong gặp khó khăn, bạn bè, người thân đã mua ủng hộ. Năm nay lợi nhuận chưa tới nửa so với mọi năm. Mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, người dân ổn định cuộc sống, yên tâm với nghề nuôi ong mật tự nhiên".
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Hội Nông dân Cẩm Mỹ, cho biết: "Cuối năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình nuôi ong mật tự nhiên cho các hộ dân tại xã Cẩm Mỹ. Dự án cung cấp 500 tổ ong giống, thiết bị nuôi, hướng dẫn kỹ thuật .... cho 50 hộ dân ở địa phương.
Trong đợt lũ lụt tháng 10 năm ngoái, toàn xã bị cuốn trôi khoảng 300 đàn ong. Đến nay, xã Cẩm Mỹ còn khoảng 32 hộ, với tổng đàn là hơn 250 đàn ong. Để đảm bảo cho người dân phát triển mô hình nuôi ong, chính quyền địa phương hỗ trợ 400.000 đồng/đàn".
"Nhờ phát triển mô hình nuôi ong lấy mật nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá mật thấp, đầu ra không ổn định gây thiệt hại kinh tế lớn đối với bà con nuôi ong. Hội Nông dân xã đang tích cực xây dựng thương hiệu mật ong địa phương giúp mật ong của bà con đến tay người tiêu dùng rộng rãi hơn" - bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Hội Nông dân Cẩm Mỹ.