Khảo sát với 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện tháng 8 vừa qua cho thấy, có tới 86,4% doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 và tự đánh giá rằng chỉ có thể cầm cự được từ 1-3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền.
Như Dân Việt đã đề cập trước đó, trong bối cảnh nguồn tiền "đứt gãy" vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Hồi tháng 8, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam, đề xuất giảm lãi suất vay ngân hàng về 0% để duy trì hoạt động đến hết năm 2021.
Công ty CP Xây dựng Vijako Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng cho phép dừng tính lãi suất ngân hàng các khoản vay phục vụ xây lắp trong thời gian giãn cách và ảnh hưởng trực tiếp sau giãn cách.
Vietjet Air và Bamboo Airways cũng đề nghị được vay 4.000 - 5.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn 0%, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Thống kê của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, trong 8 tháng đầu năm, đã có tới trên 85.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ thực tế kể trên, trong văn bản gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi đầu tháng 7, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay của doanh nghiệp về 2%, trong đó ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.
Mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.
Liên quan đến gợi ý của Chủ tịch Quốc hội nêu trên, chia sẻ tại Đối thoại trực tuyến "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích" do tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức, TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, giải pháp đưa ra phải mang tính chất vĩ mô, từ hai phía, đó là ngân hàng trung ương, cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách, để bớt gánh nặng để cho cả hai bên.
Hiện nay, Chính phủ, Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không đủ, mặc dù có nhiều tổ chức hạ đến ba lần lãi suất từ năm ngoái đến nay. Vì vậy, gói "cấp cứu" bằng bù lãi suất phải tạo ra một dấu ấn riêng.
Theo đó, dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung chẳng hạn, 1%/năm. Cộng với gói "cấp cứu" bằng bù lãi suất này, có thể tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%.
Bênh cạnh đó, cần tạo ra khung khổ pháp lý thực sự cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu giảm, lợi nhuận có thể âm, lỗ, không có tài sản đảm bảo, đề tiếp cận được gói hỗ trợ. Bởi nếu tiếp cận theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì số lượng doanh nghiệp tiếp cận rất ít, ngay cả Vietravel hay Vietnam Airlines chắc chắn đều đứng ngoài cuộc.
Cũng theo vị chuyên gia này, cần tính toán kéo dài gói hỗ trợ này trong vòng bao lâu, để sau khi kết thúc thì "giải tán" quy chế này. Ngân sách và các ngân hàng thương mại cũng phải thanh toán "sòng phẳng", thay vì trừ vào thuế doanh nghiệp" - theo ông Nghĩa.
Riêng về quy mô gói hỗ trợ, theo TS Lê Xuân Nghĩa, quy mô phải đủ rộng và đủ lớn, "đừng như muối bỏ biển". Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này.
"Nếu năm nay, chúng ta cấp bù lãi suất lên tới 4%, tương đương quy mô khoảng 3.000 tỷ đồng, cũng chỉ có khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng tín dụng ưu đãi được "bơm" ra nền kinh tế. Tôi cho rằng quy mô này quá nhỏ để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét", ông Nghĩa đặt vấn đề.
Trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường cũng thừa nhận, các quốc gia khác, trong bối cảnh của dịch bệnh họ sẵn sàng đẩy mạnh chi tiêu của Chính phủ, mở hầu bao bơm tiền vào hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Vừa qua, Thái Lan đã nâng trần nợ công lên 60 - 70% để đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế hồi phục và phát triển.
Việt Nam đang đứng trên góc độ bảo toàn ngân sách nhiều hơn là bảo toàn động lực, đầu tư cho tăng trưởng, thể hiện ở việc chi tiêu của Chính phủ Việt Nam dành cho an sinh xã hội hiện còn ở mức khiêm tốn, trong khi ngân sách vẫn thặng dư, trần nợ công của Việt Nam sau đánh giá chỉ ở mức 44% GDP - thấp nhất trong khu vực.
"Đối với Việt Nam các cân đối vĩ mô rất cần thiết, trong đó có cân đối ngân sách nhưng trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ hiện nay, cần nhìn trên góc độ tăng trưởng thay vì bảo toàn ngân sách. Về nguồn vốn, Chính phủ Việt Nam có thể phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước, giúp huy động ngân sách nhanh hơn hoặc huy động thêm các nguồn vay mới, thông qua các tổ chức quốc tế", ông Cường nói.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, việc thực hiện giải pháp "cấp cứu" bằng bù lãi suất cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, ngay từ đầu phải giới hạn các "chốt".
"Chốt" thứ nhất, giữ mức tăng trưởng tín dụng hợp lý nhưng mức bao nhiêu là chấp nhận được, không đẩy lên quá cao, ngân hàng trung ương phải tính toán.
"Chốt" thứ hai, không đẩy lạm phát lên quá cao, vậy mức nào có thể chấp nhận được? Chẳng hạn, hàng năm, Quốc hội "kìm cương" lạm phát dưới 4%. Vậy nếu thực hiện gói này, có thể chấp nhận mức 5% hay không? phải rất cẩn trọng – theo ông Nghĩa.
"Chốt" thứ ba, là tỷ giá hối đoái. Nếu thực hiện gói "cấp cứu" bằng bù lãi suất, lãi suất giảm, tỷ giá hối đoái sẽ tăng.
"Chốt" thứ tư, phải chấp nhận nợ xấu ở mức độ nào khi thực hiện gói này, làm thế nào để ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng là điều cần tính đến - theo TS Nghĩa.