TS Lê Xuân Nghĩa nêu lý do lãi suất tiết kiệm sẽ neo cao tại các ngân hàng nhỏ
TS Lê Xuân Nghĩa nói lý do lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng nhỏ sẽ tăng trở lại
H.Anh
Thứ hai, ngày 13/09/2021 12:55 PM (GMT+7)
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, xuất hiện lý do mới tạo sức ép buộc các ngân hàng nhỏ sẽ tăng lãi suất tiết kiệm trở lại và duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức cao trong thời gian tới.
Khảo sát biểu lãi suất tiết kiệm đầu tháng 9 của các ngân hàng cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục được điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm, với mức giảm phổ biến từ 0,2-0,5 điểm %/năm so với biểu lãi suất đầu tháng 8.
Tại Eximbank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng lần lượt giảm 0,4 điểm %, 0,35 điểm % và 0,3 điểm % so với tháng 8. Sau điều chỉnh, các kỳ hạn này được niêm yết lãi suất lần lượt là 3,1%/năm, 3,15%/năm và 3,2%/năm.
Các khoản tiền gửi có kỳ hạn 4 tháng, 6 tháng, 7 tháng và 9 tháng, biểu lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm 0,1 điểm % tại mỗi kỳ hạn.
Tiền gửi tại kỳ hạn phổ biến là 12 tháng trong tháng 9 được điều chỉnh giảm tới 0,2 điểm % xuống còn áp dụng với lãi suất là 5,9%/năm.
TPBank giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thêm 0,1 điểm % xuống còn 5,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5%, từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm; kỳ hạn 18 và 36 tháng giảm 0,3%, xuống còn 6%/năm. Đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, TPBank cũng điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn, mức giảm nhiều nhất tới 0,75%/năm so với hồi đầu tháng 8.
Cùng xu hướng, ACB cũng tiến hành hạ lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, với mức giảm 0,1 điểm % so với đầu tháng trước. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng tại ACB dao động từ 3,3-5,9%/năm.
Biểu lãi suất tiết kiệm mới của HDBank cũng điều chỉnh giảm 0,1 điểm % cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng.
Các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng được HDBank đồng loạt giảm 0,2 điểm % cho mỗi kỳ hạn xuống còn áp dụng ở mức là 5%/năm.
Từ kỳ hạn 15 tháng - 36 tháng, HDBank quy định mức giảm trên mỗi kỳ hạn lên tới 0,3 điểm %.
Tuy có sự điều chỉnh giảm lãi suất tại hầu hết kỳ hạn nhưng mức cao nhất ghi nhận được tại ngân hàng HDBank hiện vẫn là 6,85%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng với điều kiện số tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên.
Tháng 9 này, biểu lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng VietBank cũng giảm mạnh so với tháng trước. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng giảm 0,3%; các kỳ hạn từ 6-12 tháng giảm 0,1%; các kỳ hạn từ 15-36 tháng giảm đồng loạt 0,2% so với đầu tháng trước.
Tương tự, Saigonbank điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 6-11 tháng thấp hơn 0,4 điểm % so với tháng trước, hiện cùng ở mức 4,7%/năm; kỳ hạn 13 tháng có mức lãi suất cao nhất là 6,2%/năm (giảm 0,3 điểm %); kỳ hạn 18-36 tháng cùng giảm 0,2 điểm %, ở mức 5,8%/năm.
Sẽ xuất hiện làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng nhỏ?
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng trong 8 tháng đầu năm tăng rất thấp (khoảng 3%), tiền gửi của doanh nghiệp tăng khoảng gần 5%, trung bình tiền gửi chỉ tăng 4%.
Trong khi đó, lạm phát 8 tháng tuy thấp nhưng vẫn đang trên đà tăng và tăng thấp chủ yếu do lực cầu yếu, vòng quay tiền chậm lại vì thế áp lực lạm phát vẫn còn. Cùng với đó xu thế các nước bắt đầu tăng lãi suất trở lại thì rất khó để giảm lãi suất tiết kiệm diễn ra trên diện rộng và sâu.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, xuất hiện lý do mới tạo sức ép tăng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng trong thời gian tới đó chính là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022.
Ông Nghĩa phân tích, Thông tư 14 có thể nói là một hỗ trợ khá tích cực cho các doanh nghiệp, nhưng lại tạo ra một sức ép cho các ngân hàng. Bởi ngân hàng huy động tiền gửi của dân chúng, vì vậy việc thu hồi nợ gần như là bắt buộc để trả lại cho người gửi tiền.
Trong điều kiện hiện tại, việc giãn, hoãn nợ đối với các ngân hàng lớn không quá khó khăn bởi các ngân hàng này thường có những khoản tiền gửi của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và có lãi suất thấp, vốn dự phòng tương đối lớn hoặc có thể phát hành trái phiếu dài hạn.
Tuy nhiên, với các ngân hàng nhỏ, tiền gửi hầu hết là tiền gửi ngắn hạn và đã phải dùng phần lớn tiền gửi ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Hai là tiền gửi ngắn hạn nhưng không thu về được do các ngân hàng này cho vay nhóm khách hàng nhỏ, siêu nhỏ như hộ gia đình, cửa hàng nhà hàng – đây là nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch,… Cộng với việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022.
"Những điều này đều "đánh thẳng" vào thanh khoản của ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng nhỏ buộc phải tăng lãi suất tiết kiệm trở lại và duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức rất cao để thu hút tiền gửi bù đắp vào các khoản nợ chưa thể thu hồi do được giãn hoãn theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng các ngân hàng này cũng không có cách nào khác bởi nếu không cho giãn hoãn thì ngân hàng cũng không thể thu hồi được nợ cho nên ngân hàng buộc phải chấp nhận", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.