Có một thời, khách phương xa ghé thăm Sài Gòn, ngoài những điểm tham quan du lịch, vui chơi giải trí phổ biến như Sở Thú, Đầm Sen, Dinh Độc Lập, họ còn ưa thích đi coi phim chiếu rạp.
Cách nay chưa lâu, ở nhiều tỉnh, không có nổi một rạp phim, chỉ tới Sài Gòn mới được đi coi phim đúng nghĩa, chứ về địa phương khác chỉ có thể xem qua băng đĩa... mà thôi.
Nơi phồn hoa đô hội, dĩ nhiên sẽ được hưởng những gì tân kỳ nhất, Sài Gòn đã luôn như vậy. Thành thử, Sài Gòn cũng là một trong những nơi chiếu phim ở rạp đầu tiên trong cả nước. Phim chiếu rạp có thời gọi là xem chiếu bóng, xem "xi – nê"...
Nhưng mấy đứa trẻ nít thời xưa làm gì có đủ tiền mà đi coi phim chiếu rạp? Chỉ được ba má cho vài xu vài cắc, chúng tìm đến những xe chiếu phim lưu động, đóng tiền cho ông chủ xe. Xong đưa mắt vào mà nhìn nhìn ảnh chuyển động.
Âm thanh và lời thoại đều do ông chủ xe phụ trách, vừa giả tiếng nước chảy, tiếng trống trận, tiếng bắn súng... lẫn đọc luôn thuyết minh cho các "khán giả" được nghe. Đối với nhiều người, chính những chiếc xe chiếu phim đó là nơi đầu tiên họ biết đến "điện ảnh". Cái thú xem phim đấy, gọi là xem "phim thùng".
Sau thời đi xem "phim thùng", lớn lên một chút, đến độ tuổi "nhất quỷ nhì ma", đấy lại là thời điểm đi "coi cọp", tức coi trốn vé. Vài đứa bằng một số mối quan hệ như thân quen, họ hàng... với người soát vé nên được cho vào coi thả cửa. Coi một mình chưa đã, còn rủ thêm hàng xóm lẫn mấy đứa bạn học chung vào coi cùng. "Một người soát vé, cả xóm được nhờ" là vậy.
Nhưng cũng có lúc chủ rạp làm căng, muốn vào rất khó, mà pa nô, áp phích quảng cáo nhìn đã quá trời, không coi sao được.
Vậy là chúng nảy ra một chiêu, thấy cô chú nào lớn tuổi xíu, lại xin năn nỉ được dắt vô cùng, coi như con cháu đi kèm, soát vé niệm tình cho qua thì tốt, không cho qua thì sẵn thân hình nhỏ người luồn đại vô trong rạp. Vào đến đấy tối hù, khỏi kiếm. Có ông chủ rạp tức quá, bèn canh lúc tan rạp mới nhéo lỗ tai bắt lại, hù dọa một chập mới thả cho về.
Thời trước 75, các rạp chiếu phim ở Sài Gòn thường chiếu với tần suất 2 phim/tuần, một phim chính và một phim phụ. Phim chính là những phim võ thuật Hồng Kông, Đài Loan với các tài tử như Lý Tiểu Long, Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long... đóng.
Còn phim phụ thường là những phim của Âu Mỹ với các thể loại như cao bồi, ma quái, trinh thám, hài... Thường không có phim tình cảm, ngôn tình vì khán giả không chuộng. Phim Hồng Kông thường được gọi nôm na "phim Tàu", còn phim Âu Mỹ được gọi bằng "phim Tây".
Mà trước khi chiếu phim gì mới, đều có một chiếc xe trang bị đầy đủ pa nô, áp phích với đầy hình ảnh các minh tinh tài tử rảo khắp phố phường, phát loa chào mời mọi người đến xem. Lũ con nít chẳng hiểu sao rất khoái mấy chiếc xe đó, vừa gặp là ba chân bốn cẳng chạy theo cười hềnh hệch.
Về gu phim mỗi người mỗi khác. Đứa nào mê phim Tàu đánh đấm thường hoa chân múa tay, đi đâu cũng ngó ngó nghiêng nghiêng xem có "vô tình lượm được cuốn bí kíp" để trở thành bậc đại hiệp trượng nghĩa hay không.
Lúc nào cũng nghĩ rằng bản thân mình cũng có "nội công", ngưng tụ một cái là "chân khí luân chuyển khắp các kinh mạch", mồm lại luôn lẩm nhẩm làm như đang học bí kíp võ công "nhất dương chỉ, nhị thiên đường, tam tông miếu, tứ đổ tường, ngũ vị hương, lục cơm nguội, thất tình lục dục, bát quái trận tình, cửu âm chân kinh, thập diện mai phục...".
Ông mê phim Tây cũng thế, ước gì bản thân trở thành những gã cao bồi tự do tự tại trên lưng ngựa tại miền viễn Tây nước Mỹ, hai tay hai khẩu sáu phát chuyên trừ gian diệt bạo, bảo vệ cô nhi quả phụ.
Thời gian dần trôi qua, các rạp phim cũng xuống cấp, phong trào coi phim bắt đầu lắng xuống. Rạp phim không còn là một tụ điểm văn hóa cho bà con đến xem phim nữa, mà trở thành điểm hẹn hò của các cặp tình nhân. Vô đây họ có coi phim đâu, toàn "đóng phim" không thôi, những người khác tự nhiên trở thành "khán giả bất đắc dĩ".
Có một thời nghĩ đến rạp phim, người ta đã tưởng tượng đến một nơi tối tăm ngột ngạt, ghế gãy tường hư, khói thuốc mù trời, bồ bịch tình tọt... Thậm chí, những người chuyên dọn rạp còn cho rằng chuyện bắt gặp bơm kim tiêm ma túy hay bao cao su đã qua sử dụng cũng rất bình thường.
Khoảng hơn 10 năm trước, rạp phim thế hệ mới ra đời, âm thanh ánh sáng chuẩn, phong trào coi phim mới trở lại. Bà con khắp nơi lại tiếp tục với thú vui điện ảnh. Tầm 10 năm trước lại có cái mốt mới là coi phim 3D, vô phải đeo kính chuyên dụng để hình ảnh chân thực hơn.
Những người ở tỉnh bạn cũng ùn ùn kéo đến để thưởng thức xem phim 3D như thế nào. Đúng rằng hình ảnh quả hơn hẳn. Nhưng được một thời gian, phim 3D cũng lắng xuống. Bởi nhiều người bắt đầu chê, ngại phải đeo cái kính đấy vì sợ lây bệnh, bảo cứ coi phim như cũ đủ hay rồi.
Ngày nay, xã hội phát triển, các rạp phim đều sáng sủa, sạch sẽ, tịnh không có chuyện vớ vẩn hàm hồ, xứng đáng là không gian thưởng thức nghệ thuật. Vả lại, đi xem phim còn được thưởng thức một món ăn mà chỉ ăn ở trong rạp mới thấy ngon: bắp rang bơ.