Hết giãn cách, về thăm ngôi chùa không cổng cổ nhất Sài Gòn xưa

Hoàng Ba Đình Thứ bảy, ngày 02/10/2021 16:06 PM (GMT+7)
Ở vùng Sài Gòn xưa, chùa Giác Lâm được học giả Vương Hồng Sển tính là lâu đời nhất.
Bình luận 0

Trong "Sài Gòn năm xưa", học giả Vương Hồng Sển cho rằng ở Sài Gòn có 3 ngôi chùa cổ theo thứ tự như sau: chùa Giác Lâm (Lạc Long Quân, Tân Bình), chùa Minh Hương Gia Thạnh (Trần Hưng Đạo, Quận 5), Thất Phủ Quan Võ miếu (Triệu Quang Phục, Quận 5).

Hết giãn cách, về thăm ngôi chùa không cổng cổ nhất Sài Gòn xưa - Ảnh 1.

Bức tường lấp cửa giữa tại cổng tam quan cũ của chùa Giác Lâm. Ảnh: 123didulich

Nhưng cách gọi chùa như thế, hiện nhiều học giả không tán thành. Bởi chùa chỉ có thể thờ Phật. Còn với những "chùa" như cụ Vương Hồng Sển liệt kê, Minh Hương Gia Thạnh giống trụ sở hội đồng hương, còn Quan Võ miếu – như tên gọi, rõ ràng là cái miếu thờ Quan công.

Vậy theo đó, ở vùng Sài Gòn xưa, chùa Giác Lâm được Vương Hồng Sển tính là lâu đời nhất. Mà trở lại tên gọi, tuy là chùa Giác Lâm, nhưng ban đầu lại mang tên "Giác Lâm tổ đình". Chùa lại được gọi bằng đình. Thôi, không bàn chuyện tên gọi, cách gọi nữa, vì có nói đến hôm sau, vẫn chưa đến hồi kết.

Đầu tiên theo phần tên gọi, nhiều người cho rằng "Giác Lâm", với chữ "giác" trong giác ngộ và "lâm" có nghĩa rừng, nghĩa chung đề cao sự giác ngộ theo tinh thần của Phật Giáo. Nhưng có lẽ nói vậy sẽ nhầm. Bởi người Nam Bộ nói chung, khi vào vùng đất mới, có lệ "thấy mặt đặt tên", "có sao nói vậy", ngôi chùa này cũng chung cách đặt tên như thế. 

Bởi khi xây dựng, ngôi chùa nằm trong rừng có nhiều cây giác, nên mới gọi "Giác Lâm", sẵn đó mới có thêm nghĩa phái sinh là giác ngộ. Vừa thể hiện đặc điểm thiên nhiên nơi ngôi chùa xây dựng, lại thể hiện được tinh thần Phật giáo. Thật lưỡng toàn kỳ mỹ.

Hết giãn cách, về thăm ngôi chùa không cổng cổ nhất Sài Gòn xưa - Ảnh 2.

Chùa Huê Nghiêm, ngôi chùa cổ nhất ở TP.HCM, chùa Giác Lâm chỉ cổ thứ hai thôi. Ảnh: Vnexpress

Nhân tiện đây, cũng xin có đôi điều luôn về cây giác. Đây là một loại dây leo, quả rất chua, chua hơn cả quả chanh hoặc quả me. Quả này thường dùng để nấu canh chua. Nhiều người quen với loại quả này, mỗi khi nghe nhắc đến là tự động ứa nước bọt vì ấn tượng không thể phai với vị chua ấy. Về sau, quả giác còn được làm rượu, lá giác còn được làm một vị thuốc nam.

Trở lại chùa Giác Lâm. Sau khi xây dựng chùa xong, vật liệu xây dựng còn dư rất nhiều, nên người ta gom lại xây thêm một ngôi chùa gần đó tên là "Giác Viên". "Viên" có nghĩa "vườn", "Giác Viên" là vườn giác. Ý bảo, sinh sau đẻ muộn, thì tên của Giác Viên không oai bằng tên chùa Giác Lâm bởi rõ ràng "viên" sao to bằng "lâm" được.

Như mọi kiến trúc tôn giáo truyền thống, chùa Giác Lâm ban đầu cũng có cổng tam quan. Theo đó, cổng tam quan với 2 cửa 2 bên thường mở cho bá tánh chúng sinh qua lại, tăng lữ sinh hoạt cũng đi cửa này là chính. Còn như cửa to nhất ở giữa, chỉ mở mỗi khi có lễ lạt đình đám dành cho chức sắc quan lại. 

Hết giãn cách, về thăm ngôi chùa không cổng cổ nhất Sài Gòn xưa - Ảnh 3.

Khuôn viên chùa Giác Lâm. Ảnh: Phatgiao

Đến hồi Tây vào, mấy ông quan Tây cũng đòi đi bằng cửa đấy, không cho không được, cho đi lại ngứa mắt. Thế nên các vị tôn trưởng trong chùa đã cho lấp luôn cái cổng ở giữa. Thành thử, suốt một thời gian dài chùa này nổi tiếng là "ngôi chùa không có cổng tam quan".

Mãi đến khi Tây đi khỏi, chùa mới cho xây dựng lại một cái cổng tam quan khác vào năm 1955 ở vị trí khác. Thành thử nếu đi vào cổng chính, bá tánh sẽ thấy hơi lạ lạ, rằng tại sao cổng chính lại dẫn vào bên hông, chứ không phải vào sân chùa rồi chính điện như bao kiến trúc chùa chiền khác.

Và một điều cũng hết sức may mắn, cái cổng tam quan cũ với cửa giữa bị lấp hiện vẫn còn y nguyên. Đấy là thể hiện tinh thần phản kháng thực dân và bày tỏ lòng yêu nước một cách kín đáo. Thỉnh thoảng khi đến tham quan nơi này, vẫn thấy những đoàn khách học sinh, sinh viên được thầy cô thuyết minh cho nghe về sự tích cái cổng không giống ai đó, đấy gọi là giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ mai sau.

Mặc dù chùa có nhiều cổ vật quý giá, nhưng nhiều vị tôn trưởng lẫn các nhà khoa học, nhà văn hóa lại đánh giá chính cái cổng không giống ai đấy mới là hiện vật có giá trị lâu nhất. 

Cho nên cái danh xưng "chùa không có cổng tam quan" chỉ gọi cho vui, chứ thực sự vẫn có, thậm chí có cả cổng cũ lẫn cổng mới.

Nhưng hiện tại, nếu cứ bảo rằng chùa Giác Lâm là chùa cổ nhất còn tồn tại ở TP.HCM có lẽ không còn chính xác nữa rồi. Nếu như bảo là ngôi chùa cổ nhất của vùng Sài Gòn thì còn có thể đúng, chứ bảo cổ nhất TP.HCM thì không. 

Bởi TP.HCM có địa giới hành chính rộng lớn hơn vùng Sài Gòn ngày xưa rất nhiều. Nên các ngôi chùa trong vùng phụ cận cũng phải tính.

Do vậy hiện chùa Huê Nghiêm (Đặng Văn Bi, thành phố Thủ Đức) mới giữ danh hiệu ngôi chùa cổ nhất TP.HCM. Theo các tài liệu để lại, đã xác định năm thành lập chùa Huê Nghiêm là vào năm 1721. Trong khi chùa Giác Lâm được xây năm 1744, tức muộn hơn 23 năm.

Thôi thì trước hay sau không quan trọng, cổ nhất hoặc cổ nhì cũng không cần phải quá chú tâm. Bởi mọi thứ đều là tướng sắc bên ngoài. Mà Phật đã dạy "sắc tức thị không, không tức thị sắc".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem