-Sao không? Cầu nào chẳng hình chữ "I" cha nội. Đơn giản một cây cầu bắc qua sông, chắc chắn nhìn giống chữ "I" rồi.
- Cái mày nói là "i ngắn", tao nói "y dài" kìa.
-"Y dài" chỉ một nơi có thôi. Sài Gòn.
Quả đúng như thế thật. Đi bất kỳ nơi đâu trên toàn thế giới, những cây cầu cũng gần như một dạng hình chung là cầu chữ "I" cả. Từ cầu Cổng Vàng (Hoa Kỳ), cầu Luân Đôn (Anh), cầu sông Kwai (Thái Lan), cầu Long Biên (Hà Nội)... đều chỉ chữ "I", vậy thôi. Riêng Sài Gòn mới có cầu chữ "Y".
Có người sẽ vặn lại: Ở Đà Lạt, ngay Hồ Xuân Hương, cũng có cầu chữ Y vậy. Nhưng xin thưa, cầu đấy là làm kiểu cho khách du lịch ra "tự sướng" các kiểu con đà điểu. Bởi là cầu dành cho du lịch, họ xây hình thù gì chẳng được ? Tính ra xây chữ "Y" hãy còn đơn điệu lắm, phải xây mấy chữ khó khó như chữ "Q", chữ "R", chữ "G"... mới ngầu.
Còn cầu chữ "Y" ở Sài Gòn là cầu dân sinh, phục vụ cho đời sống đi lại của bà con, đấy mới đáng kể. Mà tính ra ở Sài Gòn còn có cả cầu chữ "U" nữa cơ, nối Nguyễn Văn Kiểu (quận 6) và Bến Bình Đông (quận 8), tuổi thọ cũng ngót cả trăm năm chứ ít gì. Nói đến cầu chữ "U" chưa chắc ai biết, nhưng nói cầu chữ "Y" thì ai cũng biết cả.
Thậm chí, cầu chữ "Y" này còn được đi vào thơ nữa:
Cầu nào cũng chữ I
Nhưng chỉ là I ngắn
Cầu quê em lạ lắm
Giống hệt chữ Y dài
Ô! Người đi trên chữ
Chữ nâng người lên cao!
Đắt ở cái chỗ, nhà thơ đã nhận ra ở điểm "chữ nâng người lên cao" vậy.
Và quả không có cầu chữ Y đấy, cả cái vùng bên kia cầu, chắc còn lâu mới được phát triển như ngày nay.
Nhìn vào bản đồ TP.HCM, khu vực quận 8 ở cầu chữ Y không hề xa, thậm chí có thể nói rằng khu vực này nằm sát nách Sài Gòn. Nhưng ngày xưa mà nghe "nhà tao bên cầu chữ Y" cảm giác xa xôi, diệu vợi lắm.
Có cầu còn như thế, nhỡ không có cầu, không được quy hoạch, thì khu vực này còn "xa" thế nào nữa? Chắc giống y như khu Thủ Thiêm hồi trước khi có hầm Thủ Thiêm: một bên xa xôi nằm sát ngay khu Sài Gòn xa hoa. Và suốt một thời gian dài, khu vực cầu chữ Y luôn được xem như khu vực khuất lấp phía sau Sài Gòn hào nhoáng.
Trước hết, cầu chữ Y có ba nhánh, một nhánh ở Nguyễn Biểu (quận 5), hai nhánh ở quận 8. Khu quận 8 lúc xưa, quả thật hết sức phức tạp: dân nhập cư, giang hồ chợ búa, buôn gánh bán bưng tập trung tại đây. Đời sống trên bờ hết sức bấp bênh, nằm bên cạnh con kênh Tàu Hủ thúi um.
Đây rõ ràng là vùng đất màu mỡ cho đủ loại tệ nạn nảy sinh: ma túy, mại dâm, cờ bạc... Thời trước, xe cảnh sát vừa chạy lên cầu chữ Y là bên dưới các sòng bài, nhà chứa vội giải tán hết rồi. Có bữa cảnh sát ập vào, có người còn nhảy xuống kênh bơi qua bên kia lánh nạn. Hồi binh lửa, đây lại là nơi tranh chấp của nhiều thế lực khác nhau. Bởi cầu chữ Y chính là lối vào Sài Gòn từ hướng Nam. Và, từ Sài Gòn muốn đi về hướng Bình Xuyên cũng phải đi ngang đây.
Hướng quận 8 như vậy, nhưng hướng quận 5, quận 1 gần đó cũng đâu có sáng sủa hơn gì. Nằm chình ình gần đó là Nhà máy nhiệt điện Chợ Quán mà dân gian thường gọi "nhà đèn Chợ Quán". Đây cũng chính là nhà máy điện đầu tiên ở Sài Gòn, cung cấp điện cho toàn thành phố. Ai từng biết ở cạnh nhà máy nhiệt điện rồi thì sẽ hiểu nó nóng nực, bức bối, khói bụi, ô nhiễm... ra sao.
Gần sát đấy, có một địa điểm mà tụi trẻ con thường nhắc đến mỗi khi dọa nhau: Nhà thương điên Chợ Quán. Nhưng mỗi khi nhắc đến, chúng vẫn khá tế nhị bằng cách gọi né, gọi tránh bằng cách gọi "192 Hàm Tử". Cứ có chuyện là bọn trẻ nít vô tri bèn gầm lên "tao cho mày đi 192 Hàm Tử bây giờ", hoặc có thằng nào ngố ngố lại bảo rằng nó đích thị "192 Hàm Tử mới trốn trại". Đấy, với nhà máy nhiệt điện, nhà thương điên ở đấy... rõ ràng nơi đây có vẻ trở thành một nơi bị bỏ rơi, một nơi "không đáng sống" của thành phố.
Ấy vậy, người dân nơi đây vẫn cố gắng vực dậy tất cả để nơi này trở thành một nơi đáng sống. Từ khi đại lộ Võ Văn Kiệt được khánh thành đến nay, khu vực này đã ngày đêm thay da đổi thịt và phát triển không ngừng.
Chưa kể, nơi đây còn là nơi hiếm hoi còn gọi tên địa danh bằng tên đường thời Pháp thuộc: chợ Nancy (đọc là "Năng xi"). Bởi con đường Nguyễn Văn Cừ ngày nay, mang tên "Nancy" thời Pháp.
Sau dấu ấn thời Pháp, nay trong chợ còn có một khu gọi là "chợ Nga" với các du học sinh từ Nga (Liên Xô cũ) trở về thành lập... thậm chí còn thu hút cả người Nga từ bản quốc sang đây mưu sinh buôn bán. Chợ này chuyên bán quần áo ấm và một số đồ lưu niệm nên rất thu hút các chị.
Nhiều ông ước rằng giá mà bán thêm mấy đặc sản Nga, mở luôn nhà hàng, nhất định sẽ đến tỷ thí để xem rượu Nga hay rượu Việt Nam, bên nào lợi hại? Kể ra nếu có tỷ thí chắc sẽ trở thành trận siêu kinh điển đấy, một bên là trùm uống rượu châu Âu, với một bên vua ăn nhậu châu Á, quy mô tầm thế giới chứ không vừa. Hứa hẹn tỷ thí đến bí tỷ.
Ngày nay thì ngon rồi. Buôn bán sầm uất tấp nập, đại lộ Võ Văn Kiệt rộng đẹp, kênh Tàu Hủ đã được nạo vét. Lại cắt ngay 2 con đường lớn Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi – hai con đường thương mại, gần đấy có quận 1 là khu vui chơi, quận 5 là khu ăn uống. Về hướng quận 8, gần đấy lại có khu Trung Sơn, một khu vực nổi tiếng cả thành phố về ăn uống nhậu nhẹt, hẹn hò cuối tuần...
Có thể nói, nơi này có được như ngày nay, trước hết chính là nhờ những người dân đã tảo tần xây dựng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.