Lãi suất sẽ biến động thế nào trong những tháng cuối năm?
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong quý III, tỷ giá trung tâm giảm nhẹ so với cuối quý II (giảm 16 đồng, tương đương 0,07%) trong khi tỷ giá giao dịch tại các NHTM giảm 247 đồng (tương đương VND lên giá 1,07% so với USD). Theo đó, xét trong 9 tháng đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 31 đồng (tương đương 0,13%) trong khi tỷ giá thực giảm 337 đồng, tương đương VND lên giá 1,46%.
Ngược lại, trên thị trường thế giới, đồng USD có xu hướng tăng trở lại, ở mức 4,77% so với cuối năm 2020, và có diễn biến tăng so với phần lớn các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á.
Theo số liệu cập nhật của NHNN, cán cân thanh toán của Việt Nam thặng dư 1,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, bao gồm 10,8 tỷ thặng dư từ cán cân tài chính, nhưng thâm hụt 4,6 tỷ USD từ cán cân vãng lai. Trong 9 tháng đầu năm, NHNN đã 2 lần giảm giá mua vào đồng USD. Đây là một trong những yếu tố hỗ trợ cho đồng VND có diễn biến tăng giá so với đồng USD.
Về lãi suất, BVSC cho rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong những tháng còn lại của năm.
Cụ thể, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dồi dào trong quý III/2021 nhờ việc NHNN vẫn đang duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ (gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở trong hơn 1 năm trở lại đây) trong khi cầu vốn có dấu hiệu tăng chậm lại. Theo đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mặt bằng rất thấp so với mức trước khi có dịch Covid-19 (0,5-2%/năm).
Lãi suất huy động thấp nhất lịch sử có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục tăng chậm lại (7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,97% trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây tăng trên 10%). Hoàn toàn có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Trong các tháng cuối năm, BVSC đánh giá lãi suất huy động sẽ tiếp tục được duy trì ở mặt bằng thấp để hỗ trợ cho sự hồi phục kinh tế. Nhóm phân tích cho rằng tăng trưởng tín dụng trong Q4 sẽ tăng tốc mạnh hơn so với quý 2 và quý 3 (do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn). Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt và doanh nghiệp hồi phục tích cực, tín dụng cho cả năm nay được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 12-13%.
Cuối ngày hôm nay, 18/10, giá vàng thế giới ở mức 1.764 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 48,6 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên giá vàng miếng SJC bán ra lên đến 57,8 triệu đồng/lượng tức cách biệt đến 9,2 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng 9999 tại Công ty SJC là 51,15 triệu đồng/lượng, giá bán vàng miếng SJC cũng cao hơn đến 6,65 triệu đồng/lượng.
Tại một tiệm vàng lớn khác, giá bán vàng miếng SJC ở mức 57,65 triệu đồng/lượng, tức thấp hơn 150.000 đồng/lượng so với giá bán tại Công ty SJC. Chênh lệch giá mua - bán cũng thu hẹp còn 300.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên một diễn biến đáng chú ý là giá mua - bán USD tự do đã tăng vọt lên mức 23.280 - 23.360 đồng/USD, trong khi giá mua - bán USD tại ngân hàng cuối ngày hôm nay chỉ ở mức 22.630 đồng/USD - 22.860 (mua vào - bán ra).
Theo các chuyên gia, diễn biến trên có thể do giới kinh doanh gom USD để nhập vàng qua đường biên mậu, từ đó đẩy giá USD tự do cách biệt xa với giá USD ngân hàng.
Còn trên thực tế nhu cầu mua USD của người dân lúc này không cao, do giữ USD hiện không lợi bằng VND vì lãi suất USD bằng 0 và giá USD năm nay có xu hướng đi xuống so với đầu năm.
Với giá USD tự do và giá vàng nhẫn như hiện nay, nếu trót lọt giới kinh doanh có thể dễ dàng bỏ túi vài triệu đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch sáng nay (18/10, theo giờ Việt Nam), giá dầu tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao sau tăng 0,87 USD/thùng, tương đương tăng 1%, đạt 85,51 USD/thùng. Có thời điểm giá dầu thô Brent đạt 85,73 USD/thùng, mức giá cao nhất của dầu thô Brent kể từ tháng 10/2018.
Tương tự, giá dầu WTI cũng tăng cao. Theo đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao sau tăng 1,12 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 83,4 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Giá dầu thô thế giới đã có 8 tuần tăng giá liên tiếp và leo đỉnh 3 năm vào cuối tuần trước. Giá của cả hai loại dầu Brent và WTI cùng tăng hơn 3% vào tuần trước. Còn tính từ đầu năm nay, giá dầu đã tăng khoảng 69%.
Đà tăng của giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia dự báo, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng khi mùa đông đến.
Các nhà phân tích cho biết, nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây là do khủng hoảng năng lượng đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Singapore… Khủng hoảng năng lượng đang đẩy giá nhiên liệu như giá khí, giá than tăng cao. Việc này thúc đẩy các nhà sản xuất năng lượng đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi sang sử dụng dầu thay cho các loại khí đá, than đá... Điều này khiến nhu cầu dầu thô tăng mạnh dẫn đến giá dầu và khí đốt trên toàn thế giới tăng mạnh.
Ngoài ra, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác ngoài khối (OPEC +) khước từ tăng sản lượng dầu trong thời gian tới khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt, góp phần đẩy giá nguyên liệu này tăng cao.
Còn tại thị trường trong nước, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào chiều 11/10, giá xăng E5 RON 92 đã tăng 967 đồng/lít lên 21.683 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng thêm 934 đồng/lít lên 22.879 đồng/lít.
Cũng trong kỳ điều chỉnh này, giá các mặt hàng dầu cũng tăng mạnh. Giá dầu hoả là 16.620 đồng/lít, tăng 980 đồng. Giá dầu diesel là 17.540 đồng/lít, tăng hơn 960 đồng. Còn giá dầu mazut là 17.090 đồng/kg, tăng 510 đồng.