Kinh tế nóng nhất tuần: Nữ đại gia ham kiếm tiền nóng, liều chơi lớn ôm lỗ 55 tỷ đồng

Nguyễn Phương (th) Chủ nhật, ngày 17/10/2021 15:49 PM (GMT+7)
Kinh tế nóng nhất tuần này là các thông tin: Nữ đại gia ham kiếm tiền nóng, liều chơi lớn ôm lỗ 55 tỷ đồng; Người dân ngày càng "chán" gửi tiết kiệm; Khủng hoảng năng lượng, châu Á đổ xô "săn" dầu thô của Mỹ...
Bình luận 0

Nữ đại gia thua lỗ hơn 55 tỷ đồng sau pha lướt sóng cổ phiếu

Ngày 28/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) đăng tải thông báo về việc bà Trần Duy Kiều đã mua vào 1,77 triệu cổ phiếu TGG của Công ty Cổ phần Louis Capital và trở thành cổ đông lớn của công ty này, sở hữu 6,5% vốn điều lệ công ty.

Thông tin của Doanh nghiệp tiếp thị cho biết, nữ đại gia đã chi tới gần 106 tỷ đồng trong ngày 28/9 để mua 1,766 triệu cổ phiếu của Louis Capital và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 6,5%, tương đương giá mua là 60.000 đồng/cổ phiếu.

Ngày 13/10, bà Trần Duy Kiều, cổ đông lớn của Công ty cổ phần Louis Capital đã có báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu TGG của công ty.

Theo đó, bà Trần Duy Kiều đã bán toàn bộ 1,766 triệu cổ phiếu và không còn sở hữu cổ phiếu nào của Louis Capital. Số tiền bà Kiều thu về là 50,5 tỷ đồng, tương đương giá bán 28.600 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, cá nhân này đã lỗ tới hơn 52%, ứng với khoản lỗ hơn 55 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 1 tháng nắm giữ lượng cổ phiếu TGG trên. Sau giao dịch, bà Kiều đã không còn nắm giữ cổ phiếu TGG nào và chính thức rời ghế cổ đông tại công ty.

Kinh tế nóng nhất tuần: Nữ đại gia ham kiếm tiền nóng, liều chơi lớn ôm lỗ 55 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nữ đại gia "lướt sóng" cổ phiếu nóng, lỗ hơn 55 tỷ đồng. Ảnh VNN

Người dân ngày càng "chán" gửi tiết kiệm

Kinh tế nóng nhất tuần: Nữ đại gia ham kiếm tiền nóng, liều chơi lớn ôm lỗ 55 tỷ đồng - Ảnh 2.

Kể từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng "èo uột", không có tháng nào tăng trên 0,5%. Ảnh: CafeF

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dự liệu về tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại TCTD đến cuối tháng 8/2021.

Cụ thể, NHNN cho biết, 8 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,34% lên hơn 12,7 triệu tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi của khách hàng tại các TCTD tăng 4,17% so với đầu năm lên hơn 10,4 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,293 triệu tỷ đồng; tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,14 triệu tỷ đồng; so với đầu năm lần lượt tăng trưởng 2,95% và 5,46%.

Đáng chú ý, so với cuối tháng 7, tiền gửi của dân cư sụt giảm gần 1.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh hơn 59.000 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 8, người dân cũng chỉ gửi ròng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng vào ngân hàng. Như vậy, trong hai tháng 7 và 8, người dân gần như không gửi thêm tiền vào ngân hàng.

Từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng "èo uột", không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí có những tháng tăng trưởng âm. So với những năm trước, tăng trưởng tiền gửi vào ngân hàng ngày càng thấp cho thấy người dân đang dần kém "mặn mà" với gửi tiết kiệm.

Khủng hoảng năng lượng, châu Á đổ xô "săn" dầu thô của Mỹ 

Kinh tế nóng nhất tuần: Nữ đại gia ham kiếm tiền nóng, liều chơi lớn ôm lỗ 55 tỷ đồng - Ảnh 3.

Mức chênh lệch lớn giữa giá dầu Brent và dầu WTI sẽ giúp xuất khẩu dầu thô của Mỹ cao hơn. Trong ảnh là một giếng khoan dầu của Mỹ ở bang Texas (Ảnh: Reuters).

Nhu cầu của các nước châu Á đối với dầu thô WTI Mỹ đang tăng lên khi cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá dầu Brent tăng mạnh, chênh lệch cao so với dầu WTI.

Kể từ tháng 8, dầu WTI giao dịch thấp hơn giá dầu Brent ít nhất 3 USD/thùng. Theo Bloomberg, mức chênh này thường có lợi cho xuất khẩu dầu thô của Mỹ.

Sự thèm khát của châu Á đối với dầu thô của Mỹ diễn ra sau khi hoạt động vận tải đường bộ và hoạt động sản xuất phục hồi trên diện rộng. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dầu của các nhà máy điện tăng cao khi tình trạng thiếu điện đang ngày càng trầm trọng ở nhiều nước, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

Chính phủ Trung Quốc gần đây đã lệnh cho các doanh nghiệp điện nước này phải cung ứng đủ điện cho mùa đông bằng mọi giá. Nước này cũng lệnh cho các mỏ than tăng sản lượng khai thác. Tuy nhiên, với giá than tăng phi mã, liên tục lập kỷ lục, nhiều nhà máy điện đã sử dụng dầu để thay thế.

Trong phiên giao dịch cuối tuần (15/10), giá dầu Brent đã vượt mốc 85 USD/thùng sau nhiều tháng OPEC+ cắt giảm sản lượng để đối phó với đại dịch. Trong tuần này, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia tiếp tục cho rằng OPEC+ cần khôi phục sản lượng dần dần, theo từng giai đoạn.

Dự đoán nhu cầu dầu bổ sung từ châu Âu và châu Á trong mùa đông này sẽ vào khoảng 700.000 thùng/ngày do sự dịch chuyển từ tiêu thụ khí đốt sang dầu thô. Với việc giá dầu WTI rẻ hơn so với giá dầu Brent, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sẽ đạt mức 3,1 - 3,2 triệu thùng/ngày trong tháng này, tăng so với mức 2,6 triệu thùng/ngày trong tháng trước.

Với việc Mỹ cũng đang dần bước vào mùa đông nên nhu cầu ở nước ngoài tăng đồng nghĩa các nhà máy lọc dầu của nước này sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn để mua được hàng. Trong khi đó, cơn bão Ida - siêu bão mạnh nhất trong 170 năm qua - đổ bộ vào Mỹ hồi tháng 8 đã khiến nguồn cung trong nước mất 30 triệu thùng dầu. Một số giàn khoan dự kiến sẽ chỉ hoạt động trở lại được vào năm sau.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem