Dân Việt

Huế: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 là nông dân nhân ái, giỏi trồng sen, chơi đàn ghi ta hay nhất vùng

Văn Hòa 23/10/2021 06:25 GMT+7
Phát triển kinh tế bằng mô hình trồng sen không sâu bệnh, ông Trương Duy Hòa (58 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm. Ông Hòa còn là nông dân chơi đàn ghi ta hay nhất vùng.

Làm giàu bằng mô hình trồng sen không sâu bệnh

Năm 1988, ông Hòa lập gia đình và theo đuổi đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhưng cuộc sống khó khăn đã khiến ông phải quay lại với nghề nông. Ông phát triển trang trại nuôi cá, nhưng rồi vì không có vốn đầu tư nên ông phải sớm từ bỏ mô hình này.

“Vua” sen xứ Huế với bí quyết trồng sen không sâu bệnh, mỗi năm thu nửa tỷ đồng, say mê thiện nguyện  - Ảnh 1.

Ông Trương Duy Hòa (Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) với mô hình trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thúy Trần.

Là người thích tìm tòi, học hỏi, sau thời gian quan sát thị trường, ông Hòa nhận thấy trồng sen là một hướng đi rất khả quan. 

Nghĩ là làm, năm 2002, ông vay mượn tiền đầu tư trồng sen. Ban đầu ông chỉ trồng diện tích nhỏ, về sau khi đã nắm vững kĩ thuật trồng sen, ông thuê thêm ruộng để mở rộng diện tích sen.

Nhờ biết học hỏi và đúc rút kinh nghiệm trồng sen qua mỗi vụ, ông Hòa đã thành công lớn khi chuyển đổi từ trồng sen giống cao sản sang trồng sen hồng của Huế.

Ông Trương Diên Hùng- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, những năm gần đây, do khí hậu thất thường, cây sen hay bị mắc một số bệnh dịch ảnh hưởng đến sản lượng. 

Nhưng riêng với diện tích sen hồng Huế của ông Hòa thì luôn trong trạng thái phát triển tốt, ít sâu bệnh, sản lượng cao. Có được như vậy là nhờ kinh nghiệm phong phú của ông Hòa tích lũy sau mỗi vụ sen.

Ông Hòa chia sẻ: "Sen là một loại cây rất mẫn cảm, do đó phải tốn công chăm sóc, đầu tư mới cho lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu biết cách làm, việc trồng sen sẽ cho hiểu quả gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa".

Hiện nay gia đình ông Hòa có 3ha đầm trồng sen. Sau khi thu hoạch vụ đại trà, ông tiếp tục chăm sóc để sen tiếp tục phát triển lứa phụ, gọi là sen tái sinh. 

Nhờ cách làm này,  năm 2021, ông thu hoạch được trên dưới 9 tấn hạt sen. Ông còn biết cách trồng sen sớm để kịp thu hoạch sen đầu vụ, giá bán hạt sen cao. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình ông Hòa thu về hơn 400 triệu đồng từ việc thu hoạch 3ha sen.

Video clip: Ông Trương Duy Hòa kiểm tra tiến độ sinh trưởng của sen giống và ủ phân hữu cơ từ gương sen. Đây là một trong những kinh nghiệm quý để có được vụ sen mới bội thu. Đầm sen Huế của gia đình ông Hòa ở tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Thực hiện: Văn Hòa.

Ông Hòa cho biết, mỗi mùa sen ông xử lý đất 2 lần. Sau khi thu hoạch sen, đất sẽ được cày lần một. 

Đến thời điểm vào vụ cấy sen giống đất sẽ được xử lý lần hai cho tơi xốp lại. Phương pháp này dù phải tốn thêm chi phí nhưng sẽ hạn chế được nhiều loại sâu bệnh gây hại cây sen.

Huế: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 là một ông nông dân nhân ái, giỏi trồng sen, chơi đàn ghi ta hay nhất vùng - Ảnh 4.

Vào mùa sen hồng Huế, gia đình ông Trương Duy Hòa, tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có thu nhập thêm từ việc cắt bông sen để bán. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, ông Trương Duy Hòa còn sử dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế tối đa lượng vi khuẩn trong nước và đất bùn trong đầm sen. Riêng với nước, ông sử dụng loại chế phẩm sinh học chuyên xử lý các ao hồ nuôi thủy sản để cho hiệu quả cao nhất.

Ông Hòa kể: "Bệnh nguy hiểm và khó chữa nhất ở cây sen là nấm thán thư. Chỉ cần một vùng nhỏ cây sen bị nấm thán thư gây hại thì sẽ có nguy cơ lây lan ra cả diện tích lớn. Nhờ kỹ thuật xử lý đất, nước mà đầm sen hồng của tôi hầu như không bị bệnh này".

Gần 20 năm trồng sen, ông Hòa đã tích lũy được những kinh nghiệm trồng sen quý báu mà ít người có được. 

"Tôi kị nhất là bón phân đạm cho sen, thay vào đó tôi dùng NPK để cung cấp lượng đạm vừa đủ cho cây sen. Đất ở đây có nồng độ a xít cao, do đó tôi bón thêm phân lân để trung hòa độ PH", ông tiết lộ.  

Theo ông Hòa, lượng đạm vượt mức cần thiết sẽ kích thích sen ra nhiều lá, chồi, nhưng lại thiếu đi tính dẻo dai, dễ sâu bệnh. Để bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất trồng sen, ông còn tận dụng gương sen ủ thành phân hữu cơ bón lót trước khi trồng vụ sen mới.

Hữu xạ tự nhiên hương, biết đến tên tuổi của ông Hòa trong nghề trồng sen, rất nhiều người đã tìm đến để học hỏi. 

Ngoài người dân, nhiều người thực hiện các dự án trồng sen ở các vùng như Lăng Cô, Phú Bài (Thừa Thiên Huế) và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình.. cũng tìm gặp ông để học hỏi kinh nghiệm, mua giống sen, rồi thuê ông cấy luôn cây sen giống và thu hoạch sen.

“Vua” sen xứ Huế với bí quyết trồng sen không sâu bệnh, mỗi năm thu nửa tỷ đồng, say mê thiện nguyện  - Ảnh 3.

Với mô hình trồng sen không sâu bệnh, ông Trương Duy Hòa mỗi năm thu về nửa tỷ đồng. Ảnh: Thúy Trần.

Bên cạnh trồng sen và bán sen hạt, ông Hòa còn ươm sen giống để cung ứng cho thị trường. Thu hoạch xong sen nhà mình, ông thuê thêm 4 nhân công nữa để bán sen giống và cấy sen thuê.

Mỗi nhân công cấy sen giống được ông Hòa trả gần 1 triệu đồng/ngày. Việc nhận thực hiện các dự án trồng sen mỗi ngày ông thu về hơn 3 triệu đồng, mỗi vụ ông có thêm khoản thu 120 triệu đồng.

Ông Hòa cho hay, Thừa Thiên Huế là vùng đất có rất nhiều yếu tố thích hợp để phát triển trồng sen với quy mô lớn. Địa phương này có thổ nhưỡng thấp trũng, nhiều đầm nước ngọt nên rất phù hợp để cây sen phát triển. Chất lượng hạt sen Huế rất cao, béo, ngon, dẻo, tim và lá sen cũng có thể tận dụng để làm trà và dược liệu.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền Trương Diên Hùng cho biết thêm: "Sen là loại cây cho năng suất vượt trội so với lúa. 

Hiện nay huyện Phong Điền đang kết hợp với các chuyên gia để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen Huế. Với kinh nghiệm phong phú của mình, ông Hòa đã và đang hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện phát triển trồng sen Huế trên địa bàn".

Trái tim nhân ái của một nông dân "nghệ sỹ"

Không những là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Hòa còn được mọi người biết đến với lối sống gương mẫu, say mê làm việc thiện và các hoạt động xã hội.

Dù chỉ làm một nông dân nhưng ông Hòa là người có trách nhiệm xã hội rất lớn. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Hòa đã trực tiếp ủng hộ và đứng ra vận động người dân hỗ trợ nhiều vật chất cho người dân các vùng dịch, các khu cách ly ở tỉnh.

Video Clip: Ông Trương Duy Hòa đệm đàn guitar hát bài "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến. Thực hiện: Văn Hòa. 

"Ngoài ra, khi huyện, tỉnh phát động hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như gà, hành tím, bưởi gặp khó khăn đầu ra do dịch Covid-19, ông Hòa đều xắn tay cùng với Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện. Nhờ đó, các cấp Hội Nông dân ở huyện đã giúp tiêu thụ hơn 11.000 con gà, hơn 30 tấn bưởi và nhiều nông sản khác cho người dân. Ông là một tấm gương rất đáng để mọi người học tập", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền Trương Diên Hùng kể.

"Hai năm gần đây, ông Hòa đã kết nối để giúp đỡ các em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo. Mới đây, khi thấy lối đi vào cổng phụ của trường bị ngập úng mỗi khi mưa lũ, gây nhiều khó khăn cho các em học sinh và giáo viên, ông đã tự nguyện lắp đặt hệ thống thoát nước, khắc phục tình trạng ứ đọng nước ở đoạn đường này, qua đó giúp cô trò thuận tiện đi lại trong mùa mưa bão", cô Lê Thị Thủy- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Phong Điền) chia sẻ.

Huế: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 là một ông nông dân nhân ái, giỏi trồng sen, chơi đàn ghi ta hay nhất vùng - Ảnh 9.

Nhân công đang thu hoạch gương sen trong đầm sen hồng Huế của gia đình ông Trương Duy Hòa.Ảnh: NVCC.

Không những tích cực trong các hoạt động xã hội ở địa phương, hơn 7 năm qua, ông Hòa đã kết nối với một số vùng khó khăn ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) để trực tiếp hỗ trợ người dân và các em học sinh nơi đây.

Ông Hòa kể, năm 2014, sau một chuyến trải nghiệm ăn Tết tại một vùng quê thuộc huyện A Lưới, ông chứng kiến cuộc sống khó khăn mọi mặt của bà con dân tộc Tà Ôi tại xã A Roàng. Từ đó ông nhen nhóm ý định giúp đỡ bà con nơi đây.

Thấy hoạt động sản xuất của người dân vùng này còn quá thô sơ, ông Hòa tích góp tiền để mua ủng hộ họ máy tuốt lúa, máy cày và một số cây giống lâm nghiệp. 

Hàng năm, ông dành một phần thu nhập của mình để duy trì quỹ khuyến học cho các em học sinh nghèo vùng cao huyện A Lưới. Nhiều năm qua, số tiền ông chi cho quỹ khuyến học này đã lên đến cả trăm triệu đồng.

“Vua” sen xứ Huế với bí quyết trồng sen không sâu bệnh, mỗi năm thu nửa tỷ đồng, say mê thiện nguyện  - Ảnh 5.

Ông Trương Duy Hòa trong một chuyến đi trao tiền khuyến học hco học sinh nghèo ở huyện vùng cao A Lưới. Ảnh: NVCC.

"Một lần lên đây thăm bà con tại nhà cộng đồng, tôi bắt gặp một em bé 10 tuổi, hai chân bị dị tật. Nhìn vào ánh mắt của cháu tôi không kìm nổi xúc động. Lần đó trong người chỉ còn đúng 500.000 đồng, tôi đã dành số tiền nhỏ đó tặng cháu uống sữa. Sau lần gặp gỡ này, mỗi năm tôi đều duy trì suất quà khuyến học 3 triệu đồng giúp cháu trang trải học tập", ông Hòa tâm sự.

Ông Hòa cho hay, hiện tại kinh tế gia đình ông đã khấm khá, sắp tới ông sẽ thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa hơn. Mong ước của ông là sẽ giúp được thật nhiều các em học sinh khó khăn, để các em có thể tiếp tục học tập, qua đó có tương lai tốt đẹp hơn.

Clip: Ruộng sen sau khi thu hoạch, ông Trương Duy Hòa cho cày xới, bón chế phẩm sinh học diệt khuẩn và tạo hoai mục các tạp chất hữu cơ trong đất. 4 tháng sau mới cho làm nhuyễn đất thành bùn để xuống giống sen. Ông Hòa cho rằng, nhờ làm kiểu mà cây sen hồng nhà trồng ít bị nấm bệnh. Clip: NVCC.

"Cách cải tạo đất trồng sen này có thể áp dụng hiệu quả đối với các loại cây trồng dưới nước như cây sen", ông Trương Duy Hòa khẳng định.

Với những nỗ lực của mình, trong nhiều năm qua, ông Trương Duy Hòa đã nhiều lần được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các phong trào thi đua sản xuất của Hội Nông dân của huyện, tỉnh. Năm 2021, ông Trương Duy Hòa vinh dự được Hội đồng Chung khảo Trung ương Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam" bình chọn là 1 trong 63 nông dân xuất sắc nhất của cả nước được tôn vinh và nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2021.