Lạng Sơn: Vì sao 1 cử nhân Đại học Điện lực lại được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020?
Lạng Sơn: Vì sao 1 cử nhân Đại học Điện lực lại được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020?
Liễu Chang
Thứ sáu, ngày 28/08/2020 06:45 AM (GMT+7)
Tốt nghiệp đại học Điện lực nhưng không xin được việc theo đúng chuyên ngành, chàng trai trẻ sinh năm 1987-Nguyễn Ngọc Thạch, thôn Mạn Đường B, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đã về quê làm chuồng nuôi thỏ. Và năm nay chàng ta được bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" 2020.
Những ngày giữa tháng 8, chúng tôi có dịp ghé thăm trang trại nuôi thỏ của anh Nguyễn Ngọc Thạch ở xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Ấn tượng đầu tiên về chàng trai này đó là một người rất nhanh nhẹn nhưng điềm đạm và cẩn thận.
Vừa nhanh tay bỏ những xuất cám viên vào khay cho đàn thỏ mẹ, anh Thạch vừa chia sẻ: "Cũng vất vả lắm anh chị ạ, quần áo lúc nào cũng dính đầy thứ lông màu trắng của thỏ thôi".
Sau khi hoàn tất công việc, rót trà mời chúng tôi anh Thạch kể về cơ duyên mình gắn với nghề nuôi những chú thỏ lông trắng muốt này. Anh cho biết: Năm 2005 anh tốt nghiệp THPT, sau đó trở thành tân sinh viên trường Đại học Điện lực với bao nhiêu hoài bão, mơ ước của tuổi trẻ.
Sau 4 năm đèn sách, chàng trai trẻ khi ấy cầm trong tay tấm bằng cử nhận ngành Điện lực. Tuy nhiên để tìm được một vị trí công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo quả thật rất khó khăn. Nên chàng thanh niên trẻ Nguyễn Ngọc Thạch quyết định lên đường nhập ngũ.
Sau 3 năm được rèn luyện trong kỷ cương quân đội anh Thạch xuất ngũ. Với anh Thạch khoảng thời gian đó là mông lung, mất phương hướng bởi anh đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng không thể phát triển bản thân. Sau đó anh quyết định trở về quê hương tìm hướng lập nghiệp.
Clip: Trang trại chăn nuôi thỏ New Zealand của anh Nguyễn Ngọc Thạch, thôn Mạn Đường B, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn). Anh Nguyễn Ngọc Thạch là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020.
Được vài người bạn mách nước rằng, thỏ Newzealand là một giống thỏ có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ thông thường khác như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thơm ngon và chắc thịt tuy nhiên trên địa bàn thời điểm đó chưa ai dám thử sức.
Nghĩ bụng "liều ăn nhiều", "lửa thử vàng, gian nan thử sức", anh Thạch mạnh dạn tìm hiều và quyết tâm làm bắt tay vào làm. "Lúc đó cũng hoang mang lắm, bởi vốn thì ít ỏi, kinh nghiệm, kiến thức hầu như không có nhưng nghĩ bụng đâu ai thành công mà không trải quan gian nan, khó khăn. Với lại gia đình cũng ủng hộ nên mình như có thêm sự mạnh dạn", anh Thạch tâm sự.
Trước khi đầu tư chuồng trại, con giống anh Thạch cũng lặn lội đến tận nơi học hỏi một số mô hình nuôi thỏ ở Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên…
Nhận thấy nuôi giống thỏ này phù hợp, ít dịch bệnh, thị trường ổn định, nên anh Thạch đã quyết định đầu tư chăn nuôi thỏ Newzealand với hy vọng thoát nghèo. "Đúng là đi 1 ngày đàng, học một sàng khôn", được tai nghe, mắt thấy mới thấy mô hình ở các tỉnh họ làm rất quy mô, bài bản. Từ đó mình cũng thêm tự tin hơn" anh Thạch kể.
Giữ năm 2012, từ nguồn vốn vay mượn và số tiền dành dụm được, anh Thạch quyết định xây dựng chuồng trại với diện tích hơn 100 m2. Với số tiền ít ỏi ban đầu anh chỉ mua được khoảng 20 con giống. Với anh Thạch những ngày đầu mới nuôi thỏ, là những khó khăn, thử thách vì đây là nghề còn quá mới với anh. Mặt khác, ở nước ta thời điểm này thỏ NewZealand còn chưa được nuôi phổ biến.
Anh kể: Thời điểm đó, thỏ chậm lớn do thức ăn chưa phù hợp. Lông thỏ không được bóng mượt nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các công ty thu mua nước ngoài. Bên cạnh đó, việc xử lý phân thỏ chưa tốt nên khu vực nuôi rất nhiều mùi hôi thối ảnh hưởng tới cảnh quan và đời sống của cư dân xung quanh.
"Để khắc phục tình trạng đó, mình lại phải mày mò tìm hiểu thêm các sách kỹ thuật nuôi thỏ từ cải tiến cách nuôi đến xử lý mùi và tận dụng phân thỏ nuôi giun quế", anh Thạch nói.
Anh Thạch tâm sự: "Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, thỏ bị bệnh cũng chết nhiều, mình cũng nản lắm nhưng vừa làm vừa tự nhủ thành công không tự đến nên ai lại tiếp tục cố gắng kiên kì, tìm tòi cách nuôi".
Thành công bước đầu với nghề nuôi thỏ
Không nản lòng, chàng trai trẻ tiếp tục nuôi, tự tìm hiểu qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, đi học hỏi thêm từ các mô hình đã thành công trên địa bàn tỉnh để tích lũy kinh nghiệm, học tập cách nuôi và cách xử lý chất thải tại trại nuôi. Dần dần mọi thứ cũng đi vào quỹ đạo của nó.
Qua một thời gian nuôi, thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư không quá lớn, công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không nhiều, anh Thạch tiếp tục mở rộng quy mô đàn, nâng số lượng và diện tích chuồng trại. Nhờ sự kiên trì, chịu khó học hỏi, đến nay trang trại thỏ của anh Thạch được mở rộng cả về quy mô và số lượng với hơn 700 m2 đang nuôi hơn 5.000 con trong đó có 500 thỏ sinh sản.
"Giống thỏ New Zealand ít bệnh tật, nhưng để nuôi thành công cần chăm sóc kỹ càng, dành nhiều thời gian để trông nom, theo dõi thường xuyên. Với điều kiện thời tiết mùa hè nhiệt độ cao thỏ phát triển chậm hơn nên chú ý đảm bảo nhiệt độ trong chuồng để chăn nuôi hiệu quả hơn", anh Thạch chia sẻ về kinh nghiệm nuôi thỏ New Zealand.
Anh Thạch cho biết: Thỏ sinh sản và phát triển nhanh, ít bệnh tật, thường thỏ chỉ bị bệnh ghẻ, nấm, rối loạn tiêu hoá, nên nguy cơ rủi ro thấp. Do phải xuất hàng liên tục hàng tháng nên tại trại nuôi của anh Thạch nuôi gối nhau nhiều lứa thỏ. Do đó, trại nuôi anh Thạch có thỏ thương phẩm xuất liên tục hàng tháng.
Theo anh Thạch thời gian nuôi 1 con thỏ cho đến khi xuất bán phải mất ít nhất 90 – 100 ngày. Trung bình thỏ phải đạt trọng lượng từ 2,3 kg trở lên thì mới đủ điều kiện xuất bán. Một con thỏ từ sinh ra cho đến khi xuất bán ra thị trường sẽ tiêu thụ hết khoảng 7 kg cám viên. Hiện tại trại nuôi 5.000 con thỏ, mỗi ngày anh Thạch phải chi hết hơn 3 triệu đồng tiền cám.
Mỗi năm thỏ đẻ từ 6 – 8 lứa, mỗi con sinh từ 5 – 8 con/lứa, sau hơn 3 tháng chăm sóc, trọng lượng thỏ đạt từ 2,3 – 2,7 kg là có thể đưa ra thị trường. Hiện anh Thạch vừa bán thỏ thịt và thỏ giống trong đó thỏ thịt anh bán với giá 170.000/con, còn thỏ giống anh bán 100.000/kg.
Được biết, bên cạnh bán lẻ cho các nhà hàng, anh Thạch còn ký hợp đồng với Công ty Nippon Zoki của Nhật Bản trong việc bao tiêu sản phẩm, 2 tháng một lần người của công ty sẽ kiểm tra định kỳ.
Do vậy tất cả quy trình từ chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng đến thức ăn cho thỏ đều được theo dõi chặt chẽ. Khi xuất bán lông thỏ phải bóng đẹp bởi khách hàng Nhật yêu cầu rất kĩ bởi họ sử dụng bộ lông để làm các sản phẩm thời trang.
Để đảm bảo chất lượng thịt, thỏ ở đây chủ yếu ăn cám công nghiệp, loại cám nhiều chất xơ để thỏ không quá nhiều mỡ. Thỏ được nuôi theo quy chuẩn mà công ty đưa ra. Hệ thống chuồng trại được xây thoáng mát, có hệ thống quạt công suất lớn, lồng nuôi sắp xếp khoa học.
Ngoài ra anh Thạch còn thiết kế hệ thống gom phân thỏ phía dưới để tận dụng phân thỏ rơi. Phân thỏ theo đường thoát sẽ xuống hố Biogas để tận dụng làm chất đốt, đồng thời tận dụng nuôi giun quế chăn cá, thả gà.
Anh Thạch chia sẻ: "8 năm vất vả cố gắng, giờ đây trang trại cũng đi vào hoạt động ổn định hơn. Mình thấy may mắn vì có gia đình luôn ủng hộ, hỗ trợ những lúc mình khó khăn, nản chí". Trung bình 1 tháng anh Thạch xuất bán hơn 1.200 con thỏ tương đương với gần 2.800 kg thỏ thương phẩm. Tính nhẩm trung bình mỗi tháng anh Thạch bỏ túi 204 triệu chưa trừ chi phí.
Anh Thạch cho biết: Từ khi nuôi thỏ, ngoài việc tăng thu nhập cho gia đình, anh Thạch còn tạo việc làm cho 2 - 3 lao động địa phương với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng. Từ những thành công đạt được, nhiều thanh niên trong vùng đã đến tìm hiểu về mô hình và kỹ thuật nuôi thỏ và đều được anh Thạch hướng dẫn cụ thể.
Anh tư vấn từ việc mua giống New Zealand cho đến cách nhân giống ra sao đều được anh hướng dẫn rất nhiệt tình. Thời gian tới anh Thạch dự kiến sẽ mở rộng quy mô tăng đàn lên 3.000 nái để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với những nỗ lực trong lao động sản xuất, vừa qua, anh Nguyễn Ngọc Thạch được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.