Nuôi con cáy, nuôi con rươi ví như lộc trời của nông dân Quảng Ninh, nhà nào nuôi cũng đổi đời
Quảng Ninh: Nuôi con đặc sản "nhát chết" trước cho không ai lấy, nay là "lộc trời", nhà nào nuôi nhà đó đổi đời
Thứ sáu, ngày 22/10/2021 15:01 PM (GMT+7)
Nói về nghề bắt con cáy ở khu vực sông Cầm (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), những người có thâm niên vẫn bảo, nghề bắt cáy có từ rất lâu rồi, đời ông truyền cho đời con, rồi đời cháu. Nhưng ngày xưa có ai giàu được từ nghề bắt con cáy đâu...
Người bắt cáy ở đây khi xưa cũng giống như thân con cáy, suốt ngày bàn chân ngập bùn lặn lội bờ sông.
Thế nhưng bây giờ thì khác, con cáy đã trở thành một mặt hàng đặc sản với giá trị cao.
Chẳng vì thế mà những năm gần đây, từ bắt con cáy mà nhiều hộ dân trong khu vực đã được cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, từ đó làm “thay da đổi thịt” cả một vùng dọc con sông.
Khi con cáy thành đặc sản
Chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Trúc, khu Xuân Cầm, phường Xuân Sơn (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), người được bà con trong xóm gọi vui với danh hiệu “nghệ nhân bắt cáy”.
Tiếp chuyện tôi bên chén chè là người phụ nữ đứng tuổi với những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt sạm đi vì nắng gió, đôi chân vẫn còn đi nguyên đôi ủng bám đầy bùn đất.
Chưa kịp để tôi thắc mắc, chị Trúc giải thích: "Nghe có nhà báo đến chơi tôi vội từ ruộng về thẳng nhà. Cái nghề làm nông nó vất vả thế đấy chú ạ, cứ phải chân lấm tay bùn quanh năm thì mới ấm bụng được...".
Kể với chúng tôi về câu chuyện mưu sinh từ con cáy, chị đưa tay chỉ về phía những ô ruộng thấp thoáng phía xa, ánh mắt hoài niệm: "Dọc hai bờ con sông Cầm chảy qua Đông Triều, trước đây đời sống của người dân chỉ trông chờ vào hạt thóc, một năm hai vụ.
Nhưng trong khu vực này là hạ lưu con sông tiếp giáp với cửa biển, ở đây lại là khu vực đồng chua, nước mặn, cây lúa chẳng lớn được nên sau mỗi mùa gặt, không có việc gì làm, người dân nơi đây lại ra đồng bắt cáy về cải thiện bữa ăn và bán kiếm thêm thu nhập.
Ngày trước con cáy chẳng có mấy người ăn, cho cũng không ai lấy. Nhưng giờ đã khác, con cáy từ chỗ “mang bỏ đi” nay đã có giá trị cao gấp hàng chục lần làm lúa. Khi con cáy “lên ngôi”, người bắt cáy đã được đổi đời. Rất nhiều người đã làm giàu được từ cáy".
Ngỏ ý muốn mục sở thị việc bắt cáy, chúng tôi được chị Trúc đưa ra ruộng thu rọ bẫy cáy. Nơi đặt rọ nằm ở triền bờ sông.
Tưởng đơn giản nhưng đến được nơi cũng là cả hành trình gian nan. Chúng tôi men theo bờ dải đất dọc con sông Cầm để tới nơi bẫy cáy.
Đất bùn ở đây ướt dẻo và dính chặt nên mỗi lần đặt chân xuống như thể nuốt gọn bàn chân rất khó nhấc lên.
Loài cáy tương đối khó bắt, bởi vậy mà từ xa xưa các cụ ta đã có câu “nhát như cáy ngày”. Cứ hễ thấy động từ xa cáy đã chui tọt xuống lỗ.
Để đi được chúng tôi phải bám chắc vào những bụi cây mọc dại trên triền đất. Thi thoảng bám phải cành yếu là sẽ bị trượt tay ngã dúi dụi về phía trước, quần áo lấm lem bùn đất.
Lỗ cáy ở khu vực đất lẫn bùn khá cứng, theo chiều gần như thẳng đứng. Để bắt cáy, phương pháp truyền thống vẫn là câu cáy hoặc đặt rọ bẫy cáy.
Vụ chính để bắt cáy từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, để đặt bẫy, từ tờ mờ sáng sớm khi trời còn nhá nhem, các "thợ săn cáy" như chị Trúc đã phải ra đồng đặt rọ với mồi là những vỏ ốc được rang với cám.
Theo kinh nghiệm bắt cáy của chị Trúc chia sẻ, khi nước thủy triều lên, cáy ra khỏi hang đi kiếm ăn sẽ chui vào rọ, đến giữa buổi sáng phải tới gom rọ mang về, không để lâu quá dưới trời nắng to cáy sẽ chết.
Chị Trúc nhấc lên một chiếc rọ và cho tôi xem, bên trong là những con cáy lưng vàng béo mẫm. Những chiếc rọ được chị Trúc thu lại xếp đều vào 2 đầu đòn gánh mang về.
Tôi thử đỡ đòn gành tưởng nhẹ mà nặng trĩu vai. Thấy tôi luống cuống “nghệ nhân bắt cáy” đi cùng cười: "Làm nông dân cũng không đơn giản phải không. Chú mà gánh tốt thì chúng tôi mất nghề rồi..".
Nói rồi chị nghiêng vai nhẹ nhàng đã nhấc bổng hai đầu gánh nặng thành quả quay lại đoạn đường về mà chúng tôi khá vất vả mới đi ra được. Về đến nhà, chị dốc hết số cáy bẫy được vào một chậu lớn mang cân được hơn 15kg.
Giống như chị Trúc, nhiều hộ dân ở dọc sông Cầm cũng làm nghề bắt cáy với năng suất mỗi ngày từ 15-20kg cáy.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, giá bán con cáy hiện tại trung bình cũng từ 80.000-100.000 đồng/kg. Nếu gặp ngày không được con nước, lượng cáy khan hiếm, giá bán con cáy có thể còn lên tới 150.000 đồng/kg.
Làm phép tính đơn giản cũng có thể tính được việc bắt cáy cho thu nhập cả triệu đồng một ngày. Chẳng vì vậy mà nói nhiều người dân Đông Triều đã được “đổi đời” từ con cáy quả là không sai.
Giữ “lộc trời”
Quay lại với câu chuyện của chị Trúc, từ ngày con cáy bán được giá, gom góp thêm với tiền vớt bán rươi mỗi vụ đã giúp cho gia đình chị có của ăn của để.
Chị Trúc bảo: Con cáy, con rươi với người dân ven sông Cầm như lộc trời cho, nhưng lộc trời chẳng tự nhiên mà có mãi, giờ nhiều người bắt cáy, vớt rươi lâu dần rồi cũng cạn kiệt.
Quan trọng là làm sao để cho đời mình sống nhờ con cáy rồi đến đời con, cháu mình cũng còn có con cáy để mà phát triển…
Rồi từ ý nghĩ này, chị Trúc bàn với gia đình mang số tiền gom góp đấu thầu hơn 5 ha đất bãi bồi ven sông đắp đất làm ruộng để nuôi rươi, cáy.
Trong khu vực ruộng chị đắp bờ cao để cho cáy đào hang. Trên mặt bờ, chị trồng thêm một số cây ăn quả như: Chuối, mít, thanh long để có thêm nguồn thu. Ngoài ra trong diện tích ruộng chị không sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào để đảm bảo cho chất lượng nguồn nước, đất cho cáy sinh sống.
Con cáy được nuôi sống trong môi trường sạch, đủ thức ăn, càng sinh sôi và phát triển tốt. Hiện nay, chị Trúc cũng mở cả nhà hàng nhỏ để bán các đặc sản do gia đình tự nuôi trồng. Tiếng lành đồn xa nhiều khách hàng tìm đến cửa hàng của chị để thưởng thức hương vị đặc sản Đông Triều từ rươi, cáy.
Cũng như gia đình chị Trúc, gia đình chị Nguyễn Thị Chuyên, thôn 1, xã Xuân Sơn cũng đầu tư cải tạo đất ruộng kém năng suất để tạo môi trường sinh sống cho cáy và cả con rươi.
Với gần 15 năm làm nghề bắt cáy, hiểu được đặc tính sinh sống của loài thủy sinh ven sông này mà gia đình chị đã tái tạo được môi trường sống tuyệt vời cho chúng.
Hàng năm chị Chuyên trồng lúa nhưng không phun thuốc trừ sâu hay chăm bón phân hoá học mà chỉ để đến khi gặt lúa cho đất thơm mùi của lúa thì con cáy con rươi kéo đến.
Rồi hết vụ gia đình chị rẫy đất ruộng tạo độ thoáng cho rươi sống, đắp bờ cao, trồng thêm cỏ ở triền bờ cho cáy có chỗ trú. Đổi lại, con cáy, con rươi có môi trường phát triển tốt lại càng sinh sôi nảy nở, giúp gia đình có nguồn thu nhập cao.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Sơn Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Giờ đây, nhiều hộ gia đình cùng với việc nuôi cáy còn mở thêm các nhà hàng phục vụ ăn uống các loại đặc sản ngay tại chỗ, hay cho khách vào thăm ruộng, trải nghiệm bắt cáy.
Cách làm dịch vụ từ đầm cáy, đầm rươi, bước đầu đã phát huy hiệu quả giúp thu nhập của nhiều hộ gia đình cao gấp hàng chục lần so với canh tác nông nghiệp đơn thuần.
Để nhân rộng cách làm này, hiện nay xã Xuân Sơn (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đang xây dựng đề án giao đất nông nghiệp cho người dân cải tạo trả lại môi trường tự nhiên, tạo vùng nuôi trồng giống, con đặc sản để nâng cao thu nhập cho bà con.
Có lẽ đây là một hướng đi thú vị, một mặt mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân, mặt khác góp phần cải tạo môi trường tự nhiên, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.