Hà Tĩnh: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021-hành trình từ cậu bé chăn vịt đến ông chủ trang trại nuôi lợn tiền tỷ
Clip: Ông Lê Văn Bàng (SN 1963, trú tại xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), chủ trang trại chăn nuôi lợn khép kín, xây dựng cơ ngơi kinh tế trị giá hàng tỷ đồng.
Trang trại của ông Bàng có doanh thu chục tỷ đồng, lợi nhuận thu về hơn 1,5 tỉ đồng/năm.
Khởi nghiệp nơi "nắng cát bỏng chân"
Trang trại chăn nuôi lợn hiện đại của ông Lê Văn Bàng, tại xã Xuân Liên, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, được gia đình xây dựng, cải tạo biến vùng đất hoang hóa thành trang trại đẹp, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.
Cơ ngơi trang trại tổng hợp hàng chục tỷ đồng của ông Lê Văn Bàng gồm hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, ao hồ nuôi thủy sản, chăn nuôi vịt lấy trứng…Trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Bàng đã trở thành một điểm sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại đây.
Trang trại của gia đình ông Bàng có diện tích hơn hơn 8,3 ha, thuê lại từ đất khô cằn, cát sỏi, hoang hóa không sản xuất nông nghiệp được của 2 xã là Xuân Liên và Cương Gián, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh).
Ông Lê Văn Bàng (nhớ lại hoàn cảnh túng thiếu trước đây): "Gia đình tôi có nhiều anh chị em, bố mẹ đều làm nông nên nghèo lắm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn phụ giúp bố mẹ nên từ nhỏ tôi đã đã đi chăn vịt chạy đồng để kiếm thêm thu nhập. Lúc còn là đứa trẻ, mỗi ngày tôi phải lùa vịt đi cả chục km để chúng kiếm thức ăn, tối lại lùa về. Cả ngày làm việc vất vả, chang nắng ngoài nắng, da cháy đen, người còi cọc".
Năm 2004, thời gian khó khăn nhất cũng là bước ngoặt thay đổi cuộc đời đối với ông Lê Văn Bàng, cơ quan chức năng cấm nghề nuôi vịt chạy đồng vì gặp nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh cao khiến cho dịch bệnh dễ lây lan. Đợt dịch cúm gia cầm H5N1 lịch sử năm 2004 đã đã làm cho gia đình ông khốn đốn và buộc bỏ nghề.
Dám nghĩ dám làm, ông Lê Văn Bàng đã về bàn với gia đình, thầu 8,2 diện tích đất hoang hóa thuộc 2 xã Xuân Liên và Cương Gián (huyện Nghi Xuân) để làm trang trại. Khi ông có quyết định này, nhiều người đứng ra ngăn cản, nghi ngờ về khả năng thành công ông.
Luôn tin tưởng mọi quyết định của chồng, bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1968), nhớ lại: "Trước đây tôi đi chăn trâu, ông Bàng chăn vịt rồi chúng tôi quen biết nhau. Tính ông Bàng hiền lành, chịu khó làm ăn nên tôi với ông Bàng thành vợ thành chồng. Trước khi làm một việc gì ông Bàng cũng tính toán kỹ, nên tôi luôn ủng hộ ông ấy.
"Hội viên Lê Văn Bàng là điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trong tỉnh. Ngoài ra, Hội viên Lê Văn Bàng luôn nhiệt tình giúp đỡ, tích cực tham gia công tác xã hội, hỗ trợ các hộ khó khăn về việc làm, kinh nghiệm, nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo" - bà Nguyễn Thị Mai Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh.
Khi chúng tôi quyết định ra đây làm trang trại đã có nhiều người nói ra nói vào, họ nghĩ vợ chồng tôi là kẻ gàn, dở. Đây là vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi", con người còn khó sống huống gì là con vật".
"Khi chúng tôi ra đây, khu vực này là 1 đồi cát trắng, khô cằn, sỏi đá, hoàng vắng, chưa ai dám đặt chân tới. Vợ chồng chúng tôi phải đổ đất làm đường, kéo điện, đào ao, xây dựng chuồng trại và các cơ sở vật chất khác, đến nay tổng chi phí đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Để có trang trại đẹp như ngày hôm nay, chúng tôi đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức vào đây mới có được"- bà Thủy nhớ lại.
Thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm
Năm 2012, sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, ông Lê Văn Bàng đã đầu tư xây dựng 3 dãy chuồng trại, hệ thống làm mát bằng hơi nước, hệ thống bể biogas theo công nghệ của CP trên diện tích hơn 2.100m2, thả nuôi 1.800 con lợn thương phẩm/lứa.
Bằng công nghệ chăn nuôi hiện đại, sau 6 tháng nuôi, bình quân mỗi con lợn đạt trọng lượng khoảng 120 -130kg, mỗi năm gia đình ông nuôi nuôi 2 lứa, tổng năng suất đạt hơn 460 tấn lợn thịt/năm.
Trong quá trình nuôi, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm. Công ty thanh toán phần công chăn nuôi 5.000đ/kg.
Ông Lê Văn Bàng, chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi lợn: "Có lần tôi đi tham quan ở tỉnh Thanh Hóa, biết đến mô hình chăn nuôi lợn liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam rất hiệu quả. May mắn lúc đó có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, gia đình tôi mạnh dạn vay hơn 2 tỷ đồng cộng với nguồn vốn tích lũy sẵn có, đầu tư xây dựng ba chuồng trại chăn nuôi khép kín, nuôi gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.
Phía Công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, thuốc men và bao tiêu sản phẩm. Gia đình tôi chịu phần mặt bằng, xây dựng chuồng trại, công nhân… đến khi xuất chuồng, chúng tôi được Công ty trả 5.000đ/kg thịt.
Ngoài thị trường giá cả thay đổi như thế nào thì Công ty vẫn mua giá của chúng tôi như thế, chỉ có tăng chứ không giờ giảm. Từ trước đến nay, Công ty đã có 2 lần tăng giá, năm 2012 giá Công ty trả là 3.380đ/kg, đến nay đã lên 5.000đ/kg".
Gia đình ông Bàng còn nuôi thêm 1.500 con vịt siêu đẻ để lấy trứng, mỗi ngày đàn vịt đẻ khoảng 1.200 quả trứng, đẻ liên tục trong 10 tháng/năm; gà đẻ trứng khoảng 500 con, mỗi năm đẻ khoảng 100.000 quả trứng. Lò ấp công suất 1.500 quả trứng vịt lộn/ngày. Vịt con giống cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 con/năm.
Ngoài ra, ông Lê Văn Bàng đào 6 ha ao để nuôi cá chép, cá rô phi, cá trôi, cá leo…, sản lượng hàng năm trên 40 tấn/năm, gia đình ông đã tận dụng phân vịt để làm thức ăn cho cá. Theo ông Bàng phân vịt sẽ giúp các động vật thuỷ sinh trong ao, hồ phát triển, sau đó các động vật thủy sinh lại trở thành thức ăn cho cá. Bên cạnh đó, đàn vịt bơi lội sẽ cung cấp lượng lớn oxy cho đàn cá hô hấp giúp chúng phát triển tốt, đạt năng suất cao hơn.
Mỗi năm đàn cá mang về cho gia đình ông sản lượng hơn 25 tấn, giá bán 20.000đ-25.000/kg, sau khi trừ chi phí giống ban đầu, gia đình ông còn lãi từ 400 - 500 triệu đồng/năm.
Tổng doanh thu hàng năm đạt gần 4 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông Bàng thu về khoảng 1,5 tỷ đồng.
Thành công ngoài mong đợi
Từ hiệu quả mà mô hình chăn nuôi lợn liên kết mang lại, ông Bàng đang tiếp tục cải tạo lại trang trại, xây dựng thêm 4 chuồng nuôi với diện tích gần 3.000m2, nuôi 2.400 con lợn, xây dựng hệ thống bể biogas 5.000m3… chi phí dự kiến đầu tư khoảng 5 tỷ đồng.
Trang trại của ông Bàng đã giúp giải quyết việc làm cho 8 lao động (hợp đồng lao động thường xuyên) và từ 10 đến 12 lao động (theo mùa vụ thu hoạch) được trả lương 7 - 8,5 triệu đồng/ tháng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Khoan - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Xuân, cho biết: "Hội viên Lê Văn Bàng là chủ mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp của xã Xuân Liên. Liên tục trong nhiều năm, hội viên Lê Văn Bàng là điển hình tiêu biểu xuất sắc trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
"Ngoài việc phát triển kinh tế, gia đình luôn gương mẫu trong việc thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, kịp thời động viên, ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để họ được phát triển sản xuất, hàng năm cùng với địa phương hỗ trợ giúp đỡ cho các hộ nghèo thoát nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn"- ông Khoan cho biết thêm.
"Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", bước đầu xây dựng từ vùng đất sản xuất kém hiệu quả, Hội viên Lê Văn Bàng đã từng bước đầu tư công sức, mạnh dạn vay vốn để đầu tư, chịu khó học tập kinh nghiệm các mô hình trong và ngoài tỉnh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đầu tư phát triển chăn nuôi. Hội viên Lê Văn Bàng là nông dân tiêu biểu cho ý chí, khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn để xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Được tập thể tín nhiệm, là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Nghi Xuân" - bà Nguyễn Thị Mai Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.