Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi. Lãi suất tiền gửi cao nhất hiện là 7,1% với điều kiện đặc biệt tại ACB và Techcombank. Lãi suất thấp được cho là nguyên nhân khiến tốc độ tăng tiền gửi khu vực dân cư chậm dần.
ACB công bố lãi suất tiền gửi giá trị trên 30 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng là 7,1%. Đây cũng là điều kiện thấp nhất trong số các ngân hàng công bố lãi suất đặc biệt. Với khoản tiền gửi dưới 30 tỷ đồng, lãi suất là 6,3%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 5,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất này thấp hơn 0,2-0,3 điểm phần trăm so với tháng trước.
Techcombank cũng công bố lãi suất đặc biệt 7,1%/năm, với điều kiện tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và cam kết không được tất toán trước hạn.
Một số ngân hàng khác như LienVietPostBank có lãi suất 6,99%/năm, HDBank với 6,95%/năm, MB 6,8%... với các điều kiện riêng áp dụng cho các khoản tiền gửi giá trị lớn trên 200-300 tỷ đồng với kỳ hạn 12-13 tháng.
Với khoản tiền gửi thông thường tại các ngân hàng, lãi suất thường thấp hơn 1-2,5% với cùng kỳ kỳ hạn, phổ biến là 4,85-6,8%/năm. Cá biệt tại Techcombank, lãi suất tiền gửi cuối kỳ cho khách hàng ưu tiên ở mức 4,4-4,8%, thấp nhất trong số các ngân hàng tư nhân Việt Nam. Nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh Vietcombank có lãi suất 12 tháng 5,5%/năm, các ngân hàng còn lại đều để lại suất 5,6%/năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối tháng 8, tiền gửi của dân cư ở mức 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,95% so với đầu năm, thấp hơn mức 2,97% vào cuối tháng 7 do người dân rút ròng gần 1.000 tỷ đồng. Con số trong 8 tháng là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất, xét trên cùng kỳ mỗi 5 năm qua.
Theo lãnh đạo NHNN, lạm phát hiện ở mức thấp, 9 tháng đầu năm tăng 1,82%, nhưng theo dự báo của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), lạm phát cả năm nay sẽ vào khoảng 3% và mục tiêu của Quốc hội là dưới 4%. Mặt khác, lãi suất đầu vào của ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020, còn khoảng 5-5,5%/năm. Nếu lạm phát duy trì ở mức 3%, người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.
Nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng, chuyển sang mua nhà, mua vàng. Điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế. Các ngân hàng chủ yếu vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, các tổ chức tín dụng phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền mới có thể huy động.
CTCK Rồng Việt (VDSC) đã dự báo mức tăng trưởng tổng tiền gửi năm nay dao động 9,2-12,3%, và có khả năng chỉ dừng lại ở mức một chữ số ngay cả khi cân nhắc đến yếu tố mùa vụ của nhu cầu gửi tiền của doanh nghiệp.
Vào lúc 6h45' hôm nay (26/10, giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,02% lên 83,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 12 cũng tăng 0,02% lên 85,15 USD/thùng.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 25/10, giá dầu thế giới đạt mức cao nhất trong nhiều năm. Giá dầu WTI có thời điểm đã chạm mốc 85,41 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2024. Kết thúc phiên này, giá dầu WTI giao kỳ hạn đi ngang ở mức 83,76 USD/thùng.
Còn giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 46 xu Mỹ, lên 85,99 USD/thùng. Cũng trong phiên này, giá dầu Brent đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 86,70 USD/thùng.
Tính từ đầu tháng 9 đến nay, cả hai loại dầu trên đều tăng khoảng 20%. Giá dầu WTI đã trải qua 9 tuần tăng liên tiếp, trong khi giá dầu Brent cũng có tới 7 lần tăng liên tiếp.
Các nhà phân tích cho biết, giá dầu gần đây tăng cao kỷ lục là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là bởi nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt và nhu cầu tiêu thị nhiên liệu tăng cao tại Mỹ khi mùa đông đến gần.
Đà tăng của giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia dự báo, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng, thậm chí lên ngưỡng 200 USD/thùng.
Còn tại thị trường trong nước, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào chiều 11/10, giá xăng E5 RON 92 đã tăng 967 đồng/lít lên 21.683 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng thêm 934 đồng/lít lên 22.879 đồng/lít.
Một con cua lạ có màu tím xanh như hoa oải hương mới được phát hiện trong lô hàng cua hoàng đế đỏ được một công ty hải sản nhập về Việt Nam.
Theo Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, con cua nặng 2,8 kg, dài 85cm. Chúng có màu xanh tím được đóng lẫn trong lô hàng mà đơn vị xuất khẩu Nauy gửi cho doanh nghiệp.
"Tôi đã buôn bán cua trong nhiều năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên nhìn thấy một con cua có màu xanh tím như vậy", ông Trần Văn Trường - CEO chuỗi siêu thị Hải sản Hoàng Gia nói.
Ông cho biết thêm, đơn vị cung cấp cũng rất bất ngờ vì có con cua màu tím trong lô hàng này. "Họ không biết vì hàng khi mang về nhà máy của đối tác được đưa ngay vào xử lý và đóng theo dây chuyền nên doanh nghiệp nào nhận được thì đó là may mắn", ông Trường nói.
"Vì chúng có màu sắc lạ nên công ty trưng bày tại một cửa hàng ở Thảo Điền (quận 2) để khách hàng chiêm ngưỡng. Và đã có khách trả giá 50-100 triệu đồng để sở hữu nhưng chúng tôi không bán", ông Trường nói và cho biết đang liên hệ với Viện Hải Dương Học Nha Trang để tặng họ nghiên cứu.
Góp ý với Bộ Tài chính về dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc gia hạn này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước thêm nguồn lực tài chính để xoay vòng vốn, duy trì sản xuất và người lao động có việc làm.
Trước đó, trong dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị chỉ nới thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này tới hết năm 2021.
Ngoài gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính đánh giá, tính toán tác động và nghiên cứu việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước. Trước thông tin này, nhiều đại lý ôtô tại miền Bắc đã tư vấn khách hàng sắp được giảm loại phí này để "đẩy" hàng.
Theo VCCI, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước ngoài đóng góp rất lớn cho ngân sách thông qua các loại thuế, phí, còn tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp, dẫn dắt ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.
Việc duy trì sản xuất ôtô tại Việt Nam cũng là cơ hội cho chuyển giao dần các công nghệ đa dạng, tiên tiến liên quan đến công nghiệp ôtô. Bên cạnh đó, nhu cầu sản xuất mới, sửa chữa các phương tiện phục vụ cho an ninh, quốc phòng với số lượng khá lớn và đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật ngày càng cao, chỉ có ngành công nghiệp ôtô phát triển mới có thể đáp ứng được.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát khiến lượng xe bán ra 8 tháng đầu năm của các hãng giảm khoảng 13% so với 2019 - khi chưa có dịch. Thậm chí nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức giảm doanh số trên 60%. Sang tháng 9, tình hình tiêu thụ xe khả quan hơn, song vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 2020.
Năm 2020, chính sách này được thực hiện cho các kỳ tính thuế tháng 3-10/2020. Tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt gia hạn thời hạn nộp thuế năm 2020 của các doanh nghiệp trong diện này là hơn 19.256 tỷ đồng. Số tiền này sau đó đã được các doanh nghiệp nộp đủ vào ngân sách.