James Stavridis, một đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao của NATO, đã kêu gọi liên minh không đưa Nga ra khỏi tầm ngắm của mình trong bối cảnh liên minh phương Tây tiếp tục tập trung vào Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng NATO vẫn có thể hàn gắn quan hệ với Moscow, nếu một số "điều kiện" được đáp ứng.
Trong một bài viết cho Bloomberg, Stavridis đã bình luận về động thái của Nga trong tháng này là đình chỉ sứ mệnh của mình tại NATO và ra lệnh đóng cửa văn phòng ở Moscow của khối để đáp trả việc trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga khỏi trụ sở ở Brussels của liên minh.
Nhớ lại những cuộc trò chuyện với các quan chức Nga khi ông còn giữ chức chỉ huy quân sự của NATO vào đầu những năm 2010, Stavridis lưu ý rằng mặc dù hai bên đã có "bất đồng về nhiều vấn đề", chẳng hạn như việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở miền Đông Châu Âu, hay cuộc chiến năm 2008 ở Gruzia, thì cả hai vẫn hi vọng rằng mọi thứ sẽ được cải thiện.
Điều đó đã không xảy ra, ông lưu ý, với cuộc khủng hoảng ở Ukraine sau cuộc đảo chính năm 2014, các lệnh trừng phạt, hoạt động chống khủng bố của Nga ở Syria, tuyên bố không có cơ sở của Mỹ về các cuộc tấn công mạng của Nga và tuyên bố 'sử dụng chất độc thần kinh' của phương Tây chống lại Moscow, đỉnh điểm việc khối tạm ngừng sứ mệnh ở Moscow.
Stavridis phàn nàn: "Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, một thời là người ủng hộ lớn cho hợp tác Nga - NATO, đã nói khá chua chát rằng nếu các quan chức liên minh có bất kỳ vấn đề nào với Liên bang Nga, họ có thể làm việc với Đại sứ quán Nga ở Bỉ". Được biết, vào ngày 18/10, Ngoại trưởng Lavrov ra lệnh đóng cửa cơ quan đại diện của khối ở Moscow.
Bên cạnh đó, đô đốc nhấn mạnh rằng "không thể chỉ nhìn vào mối đe dọa từ Trung Quốc mà bỏ qua Nga." Ông cho biết "kho vũ khí hạt nhân của Moscow là vô tận", đồng thời mô tả Tổng thống Nga Putin là "một nhà chiến thuật thông minh, rất thích mạo hiểm". Stavridis cảnh báo rằng Nga và Trung Quốc đã và đang tăng cường hợp tác, bao gồm cả các cuộc tập trận hải quân chung trong không chỉ ở phía bắc Thái Bình Dương, mà còn ở Đại Tây Dương và Biển Baltic".
Với suy nghĩ này, chiến lược gia kêu gọi NATO nên tập trung vào Nga trong khái niệm chiến lược mới của khối. Ông nói: "Đúng vậy! NATO cần phải tập trung vào biến đổi khí hậu, an ninh mạng và tất nhiên là Trung Quốc trong tương lai; đó là những thay đổi lớn của thập kỷ qua. Nhưng đồng thời cũng cần 'cẩn thận với con gấu (Nga)'".
Ông Stavridis gợi ý, điều này có nghĩa là liên minh cần tăng cường cảnh giác ở Bắc Cực, tiếp tục trừng phạt Nga, đẩy mạnh an ninh mạng, thực hiện các cuộc tập trận ở Ukraine và Gruzia, đồng thời cung cấp cho hai nước các kế hoạch cụ thể để trở thành thành viên, cộng với đó là "đứng lên chống lại các hành động khiêu khích của Nga trên biển và trên không xung quanh Baltic và Biển Đen".
Về phía Hội đồng NATO-Nga, vị đô đốc đã nghỉ hưu cho rằng khối này nên tiếp tục sẵn sàng khôi phục hoạt động "trong những điều kiện thích hợp", kết hợp với một mặt trận đoàn kết và mạnh mẽ, giữ Moscow ở vị trí trung tâm trong trọng tâm chiến lược của NATO. Stavridis không nói rõ về những "điều kiện thích hợp" này là gì. Tuy nhiên, trong quá khứ, quan hệ giữa khối và Moscow ở mức tốt nhất trong khoảng thời gian cuối những năm 1980 đến những năm 1990, khi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và nhà lãnh đạo Nga Boris Yeltsin thực hiện một loạt nhượng bộ với khối trong nỗ lực chấm dứt Chiến tranh Lạnh và cải thiện quan hệ với phương Tây.
NATO đáp lại thiện chí của Liên Xô và Nga bằng cách kết nạp mọi thành viên của liên minh Hiệp ước Warsaw, cộng với 3 nước cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô cũ và 4 nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ vào liên minh, bất chấp cam kết năm 1990 với Washington. Kể từ năm 2014, khối cũng đã tăng cường đáng kể việc triển khai quân đội gần biên giới của Nga và tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn mô phỏng xung đột trực tiếp với nước láng giềng phía đông.
Năm 2016, một hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ đã được đưa vào hoạt động ở Romania, với cơ sở thứ hai hiện đang được xây dựng ở Ba Lan. Moscow bày tỏ quan ngại đặc biệt về các cơ sở này, đồng thời chỉ ra rằng các bệ phóng tên lửa đa năng MK-41 của Mỹ có thể dễ dàng chuyển đổi thành tên lửa hành trình Tomahawk tấn công bằng vũ khí hạt nhân, với thời gian bay tới Moscow chỉ vài phút.