Khalid Payenda chia sẻ với BBC rằng khoảng 300.000 quân thuộc lực lượng cảnh sát trên giấy tờ của chính phủ không hề tồn tại. "Đội quân bóng ma" này đã được thêm vào danh sách chính thức để các tướng lĩnh có thể nhận thêm tiền.
Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8, sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này.
Ông Payenda, người đã từ chức và rời Afghanistan khi nhóm Hồi giáo nắm quyền, cho biết thông tin lực lượng an ninh của chính phủ cũ đông hơn nhiều so với Taliban là không chính xác.
Ông nói với Ed Butler, người dẫn chương trình Kinh doanh của BBC: "Chủ tịch các tỉnh sẽ thống kê số lượng người, từ đó nhà nước tính toán tiền lương và chi phí khẩu phần ăn, tuy nhiên quy trình này khá lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng".
Cựu bộ trưởng cho biết tổng số tiền có thể đã bị thổi phồng lên hơn sáu lần, đó là bởi các chỉ huy sẽ thống kê cả "những người đào ngũ và liệt sĩ", sau đó rút tiền lương của họ.
Một báo cáo năm 2016 của Tổng Thanh tra Đặc biệt Mỹ về Tái thiết Afghanistan (Sigar) tuyên bố rằng "cả Mỹ và các đồng minh Afghanistan đều không biết có bao nhiêu binh lính và cảnh sát Afghanistan thực sự tồn tại, có bao nhiêu người sẵn sàng làm nhiệm vụ…"
Trong một báo cáo gần đây, Sigar bày tỏ "lo ngại về ảnh hưởng của tham nhũng... cũng như dữ liệu về sức mạnh thực tế của lực lượng quân đội Afghanistan".
Ông Payenda nói rằng binh lính thường không được trả lương đúng hạn, trong khi có những thủ lĩnh của lực lượng dân quân được chính phủ hậu thuẫn thì "nhúng chàm". Họ nhận lương từ chính phủ, sau đó lại nhận tiền từ Taliban để chịu thua.
"Chúng tôi không thể thay đổi điều này. Đây là cách quốc hội hoạt động, đây là cách làm việc của các chủ tịch tỉnh. Cả một bộ máy đã bị tê liệt", ông nói.
Mặc dù vậy, trên thực tế ông không nghĩ cựu Tổng thống Ashraf Ghani "tham nhũng tài chính". Trả lời về những cáo buộc tham nhũng trong Bộ Tài chính, ông Payenda nói: "Tôi đồng ý với điều đó ở một mức độ nhất định nhưng trong những vấn đề này thì hoàn toàn không" .