Theo nông dân, khi nền nông nghiệp ngày càng phát triển, đòi hỏi nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào quá trình canh tác, để góp phần nâng cao chất lượng nông sản và hiệu quả về kinh tế.
Trong vụ Thu Đông 2021, trên diện tích 20 công xuống giống Đài Thơm 8, anh Lê Quốc Việt, xã Phú Vĩnh (TX Tân Châu, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn thử nghiệm hoạt động của máy bay sạ lúa.
Hiện nay, lúa đã lên và phát triển đồng đều. Anh Lê Quốc Việt, Xã Phú Vĩnh (TX Tân Châu) nói rằng: “Sạ bằng máy bay không người lái thời gian gieo sạ mình chủ động được, nghĩa là mình canh thời tiết tốt thì mình chủ động sạ, với thời gian nhanh hơn là sạ bằng tay và máy bay mật độ phun ra sẽ đều hơn trên mặt ruộng”.
Máy bay DJI Agras T30 được trang bị bình phun 30kg, nông dân có thể để lượng lúa giống sạ từ 25-30kg, ứng dụng máy bay, nông dân còn giảm lượng lúa giống gieo sạ, trên 1000m2, nông dân sạ từ 10-15kg, khoảng thời gian để sạ hoàn thành 20.000m2 mất từ 2,5 đến 3 tiếng.
Anh Lê Trung Cang, nhân viên Kỹ thuật Công ty Agridrone Việt Nam cho biết: “Ứng dụng máy bay sạ lúa thứ nhất là nông dân sẽ giảm về mặt thời gian, vì thời gian nhân công làm khi mà sạ tay rất là lâu, đối với sạ máy bay này thì thời gian sạ sẽ nhanh hơn. Ngoài ra, khi xạ máy bay này sẽ không có những dấu chân trên mặt ruộng.
Khi mà không có dấu chân trên mặt ruộng thì sẽ không có cỏ nổi lên trên những bước chân mình đạp trên ruộng. Về phần kinh tế thì khi mình sạ bằng máy bay này, lượng giống mình cũng giảm, độ bao phủ đều hơn, mật độ nảy mầm lên cũng sẽ hiệu quả hơn khi sạ tay”.
Máy bay sạ lúa với hệ thống điều khiển từ xa, người vận hành chỉ cần đứng tại một địa hình tốt là có thể chủ động trong thực hiện các thao tác vận hành thiết bị. Hệ thống radar hình cầu mới có thể nhận biết chướng ngại vật và môi trường xung quanh và có các chức năng tự động vượt qua chướng ngại vật và mô phỏng mặt đất để hoàn toàn đảm bảo trong quá trình vận hành.
“Khi mình sạ bằng máy bay, mình có thể điều chỉnh thông số lượng sạ trên cùng một diện tích của mình. Tốc độ máy bay bao nhiêu, mình có thể kiểm chứng thực. Còn việc vận hành con máy rất là đơn giản, 80-90% hoạt động của con máy thì trong quá trình bay tự động rồi thì người vận hành chỉ việc định vị bản đồ trước rồi cho nó bay tự động thôi.
Còn việc học vận hành con máy cũng khá đơn giản, công ty Agridrone sẽ hỗ trợ cho người triển khai thiết bị này vận hành trong khoảng 2 ngày là vận hành cơ bản, sau đó mình sẽ có kinh nghiệm thêm trong quá trình vận hành”, anh Lê Minh Trí, nhân viên Kỹ thật Công ty Agridrone Việt Nam vận hành máy bay cho hay.
Với những tính ưu việt từ thiết bị mang lại, đã giúp cho nông dân giảm được lượng lúa giống gieo sạ, thời gian thực hiện và nhân công lao động.
Đồng thời, sự phát triển tươi tốt của lúa sau sạ, đã nhận được sự đánh giá cao của nông dân tại địa phương.
Anh Lê Trung Cang cho biết: “Về phía công ty Agridrone Việt Nam, mô hình sạ giống và sạ phân trên máy bay T30 đã thực hiện trên 13 tỉnh thành ở ĐBSCL, về tương lai, Công ty sẽ hỗ trợ TX Tân Châu, An Giang nhân rộng mô hình, để nông dân tiếp cận nhiều hơn đối với việc sạ phân và sạ giống bằng máy bay, để giảm nguồn nhân lực và mang lại hiệu quả hơn về kinh tế”.
Việc ứng dụng máy bay sạ lúa trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ đối với nông dân Tân Châu. Mong rằng trong thời gian tới, nông dân TX Tân Châu (tỉnh An Giang) sẽ tiếp cận được với công nghệ này, dần tự động hóa và cơ giới hóa vào đồng ruộng từ khâu cải tạo đất, gieo xạ, bón phân đến thu hoạch, để ngày càng nâng cao chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận canh tác vụ mùa.