An Giang: Cao thủ bắt cá đặc sản mùa nước nổi, nghề "đặt 12 cửa ngục" thực ra là nghề gì?

Thứ ba, ngày 21/09/2021 07:04 AM (GMT+7)
Anh Tài (một trong những “cao thủ” đặt lú dưới sông sâu) bật mí: “Muốn bắt được những loài cá đặc sản phải chọn khu vực bến phà An Hòa, bờ kè Long Xuyên, dưới chân cầu Tôn Đức Thắng (An Giang)...Bởi, nơi đây có dòng nước sâu và chảy xiết”.
Bình luận 0

Cuối tháng 7 (âm lịch), dòng nước Mekong chuyển màu ngầu đục, báo hiệu mùa lũ sắp về. Thời điểm này, mấy năm trước,“ngư phủ” vào mùa khai thác cá, tôm theo con nước phù sa. 

Năm nay, con nước vẫn chộn rộn xuất hiện. Nhưng dịch bệnh COVID-19 làm mọi thứ đảo lộn, nghe nhớ quay quắt tháng ngày mưu sinh mùa lũ!

An Giang: Cao thủ bắt cá đặc sản mùa nước nổi, nghề "đặt 12 cửa ngục" thực ra là nghề gì? - Ảnh 1.

Sản vật gồm các loại cá đặc sản, tôm càng xanh thu được từ con nước phù sa

Bập bềnh trên sông hành nghề "đặt 12 cửa ngục"

Một sáng sớm bình yên trước khi dịch bệnh hoành hành, anh Hai Đoàn (Nguyễn Văn Đoàn) lái chiếc ghe bầu chở đầy ngư cụ (lú) rẽ nước ràn rạt trên sông Hậu. 

Ghe cặp bến, cũng là lúc vợ anh Đoàn bưng thau cá lên bờ để cân cho bạn hàng bán chợ xa. Cắm sào bên nhánh sông Hậu tròm trèm 10 năm, anh Hai Đoàn lấy chiếc ghe bầu làm phương tiện mưu sinh. 

Chiếc ghe bầu như căn nhà “di động”, là chỗ nương náu 5 nhân khẩu. Gia đình không ruộng đất, thuở nhỏ, anh Hai Đoàn sống bằng đủ thứ nghề, từ cắt lúa mướn cho đến giăng câu, thả lưới, rồi bén duyên với nghề đặt lú trên sông, rạch.

Cái nghề “hạ bạc” này tuy không giàu, nhưng giúp anh Hai Đoàn nuôi gia đình. “Bà con ngư dân ví von đặt lú là nghề “đặt 12 cửa ngục”.

Bởi chiếc lú có 12 cái hom, một khi cá chui vào thì không còn đường thoát ra. Ngày nào dính nhiều cá, tôm thì ngày đó có thu nhập khá. Nhờ vậy, tôi nuôi xấp nhỏ lớn khôn”- anh Hai Đoàn bộc bạch.

Bên bếp than hồng, anh Hai Đoàn nhẹ tay trở đều từng con cá ngát, cá mè vinh thơm phức. Đây là “chiến lợi phẩm” thu hoạch từ tối hôm trước. 

Khi chúng tôi ghé mua cá, anh huyên thuyên kể đủ chuyện. Hiện nay, nguồn cá ngon khan hiếm dần trên các nhánh sông Hậu, do nạn khai thác cá bằng xung điện rất phổ biến. 

Muốn khai thác được nhiều cá, bà con phải tìm lặn xuống chỗ sông sâu để đặt lú. Cái nghề “hạ bạc” này rất nguy hiểm, khiến ngư dân gặp bất trắc trên sông.

Ngoài ra, đối với những chiếc ghe cào điện hoặc sà lan, ngư dân xem là “hung thần” trên sông, rạch, bởi nó có thể kéo mất ngư cụ bất cứ lúc nào. “Nếu mất, chúng tôi phải tốn thêm chi phí đầu tư mua sắm ngư cụ mới để mưu sinh theo sông nước”- anh Hai Đoàn than.

“Nghề đặt lú thấy vậy không dễ làm chút nào. Có người đầu tư tiền mua cả trăm chiếc lú đặt quanh năm mà vẫn chưa lấy vốn. Người biết cách đặt, chỉ trong vòng vài con nước đã thu được cả vốn lẫn lời. Đặt lú, hơn nhau ở chỗ phải am hiểu được thời gian nào cá bơi, cá trú ngụ và con nước nào cá, tôm chạy mạnh...”- anh Hai Đoàn chia sẻ.

“Cao thủ” bắt cá đặc sản ngon

Còn anh Tài (một trong những “cao thủ” đặt lú dưới sông sâu) bật mí: “Muốn bắt được những loài cá đặc sản phải chọn khu vực bến phà An Hòa, bờ kè Long Xuyên, dưới chân cầu Tôn Đức Thắng... Bởi, nơi đây có dòng nước sâu và chảy xiết”. 

Ngồi thư thả trên mui ghe, anh Tài nhớ lại, thuở trước từng theo cha khai thác cá, tôm bằng chài, lưới trên các dòng sông lớn, nhỏ. 

Nghề “bà cậu” trở thành cái nghiệp, nuôi sống gia đình anh mấy chục năm qua. “Dạo trước, mỗi lần lũ về, cá và tôm rất nhiều. Cá linh, người ta tính bằng giạ, rồi đem ủ mắm hoặc làm phân bón. Còn giờ đây, nguồn cá linh ngày càng hiếm dần, trở thành đặc sản vùng sông nước” - anh Tài kể.

Mấy ai giàu có từ nghề này. Quanh năm lam lũ trên sông, giỏi lắm thì ngư dân dư được ngư cụ và chiếc ghe chòng chành theo sóng nước. 

“Ngày nào đi đặt lú thì ngày đó có tiền xài. Bữa có chuyện cưới hỏi, tiệc tùng, bà con tạm nghỉ thì coi như ngày đó thiếu thốn. Hơn 20 năm trong nghề đặt lú, vợ chồng tui chẳng dư dả gì ngoài 2 chiếc ghe tam bản…” - anh Tài tâm sự.

Hiện nay, nước sông đỏ quạch phù sa, nhưng chưa tràn đồng. Nhìn dòng nước lững lờ trôi, anh Tài phỏng đoán, năm nay lũ về trễ và có thể nhỏ hơn những năm trước. Nếu sớm hết giãn cách xã hội, được thoải mái mưu sinh trên sông nước, nghề “bà cậu” vẫn đối mặt với khó khăn.

“Lũ nhỏ đồng nghĩa với cá, tôm ít. Hôm trúng mánh, chắc thu hoạch chừng 3kg tép và 5kg cá, bỏ sở hụi cũng chỉ kiếm ngót nghét 500.000 đồng/ngày, đủ nuôi đám nhỏ” - anh Tài cho hay. 

Vợ chồng anh khá giỏi nghề, thường kéo rọng cá, tôm lên ghe, bán cho bà con gần đó. Cá, tôm nhảy lách chách, nhìn mê cả mắt. Ai đã xa quê nhiều năm, thấy rọng cá với đủ loại như vậy sẽ không khỏi trầm trồ thán phục cho cái tài bắt cá sông “cự phách” của anh Tài.

Hiện nay, nguồn cá thiên nhiên không còn phong phú như nhiều năm về trước, vậy mà anh Tài vẫn khai thác dính các loại cá vừa to, vừa ngon ở sông sâu. Đặc biệt là cá chốt chuột, cá heo, tôm, cá lăng… được xếp vào những loại cá ngon, hiếm gặp trên dòng Mekong.

Những phận đời sống bằng nghề “bà cậu” tạm khép ngày tháng vất vả trên sông. Nhưng hơn lúc nào hết, họ chung ước vọng giản đơn: sớm chiến thắng dịch bệnh, mùa lũ năm nay cá, tôm sinh sôi nhiều hơn.

Thành Chinh (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem