Đoạn video do nhà chức trách Ba Lan công bố cho thấy những người di cư đang ném chai lọ và khúc gỗ qua hàng rào thép gai ở biên giới, đồng thời dùng gậy để cố gắng vượt qua. Bảy cảnh sát đã bị thương trong vụ bạo lực.
Vụ việc mới nhất xảy ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng mà Liên minh châu Âu cho biết là do Belarus - một đồng minh của Nga - dàn dựng để trả đũa lệnh trừng phạt của EU đối với việc đàn áp các cuộc biểu tình chính trị. Minsk sau đó phủ nhận các cáo buộc.
Hiện có tới 4.000 người di cư, chủ yếu đến từ Iraq và Afghanistan, đang chờ đợi trong những khu rừng, ở nơi không chỉ là biên giới của Ba Lan mà còn là biên giới bên ngoài của EU và NATO, liên minh quân sự phương Tây.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các bộ trưởng quốc phòng liên minh tại Brussels: "Chúng tôi lo ngại sâu sắc về cách chế độ Lukashenko (nhà lãnh đạo Belarus Alexander) sử dụng những người di cư như một chiến thuật lai chống lại các quốc gia khác. Chúng tôi đoàn kết với Ba Lan cũng như tất cả các đồng minh bị ảnh hưởng".
Lithuania và Latvia, thành viên của NATO và EU giống như Ba Lan, cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng người vượt biên từ Belarus kể từ mùa hè.
Ít nhất tám người di cư đã chết tại biên giới trong cuộc khủng hoảng. Một thanh niên Syria 19 tuổi, được chôn cất hôm 16/11 tại ngôi làng Bohoniki, miền đông bắc Ba Lan. Trong khi đó, một cậu bé người Kurd 9 tuổi bị cụt cả hai chân, cùng một nhóm trẻ em khác mắc kẹt giữa biên giới, khi Ba Lan từ chối tiếp nhận các em trong khi Belarus lại ngăn cản không cho các em quay trở lại.
Dunja Mijatovic, ủy viên nhân quyền của Hội đồng châu Âu, cho biết: "Chúng ta có thể thấy nỗi khổ của những người bị bỏ lại giữa biên giới". Sau khi đến thăm một trung tâm cứu trợ người di cư ở một thị trấn gần biên giới Ba Lan, bà nói: "Chúng ta cần tìm cách giảm leo thang, để đảm bảo tập trung vào việc ngăn chặn sự bất hạnh của những người này".
Mối quan hệ giữa Belarus và EU trở nên xấu đi sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi vào năm ngoái, trong đó Lukashenko, người nắm quyền từ năm 1994, tuyên bố chiến thắng. Điều này đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên đường phố và sau đó dẫn đến cuộc đàn áp của cảnh sát.
Hôm thứ Hai (15/11), EU nhất trí áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Belarus nhằm vào các hãng hàng không, công ty du lịch và các cá nhân liên quan đến việc đẩy người di cư về phía biên giới. Đồng thời, EU và NATO cũng yêu cầu Nga, đồng minh quan trọng nhất của ông Lukashenko, gây áp lực để chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Tại Brussels, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Florence Parly cho biết châu Âu đang theo dõi chặt chẽ cả biên giới Belarus-Ba Lan và hoạt động của Nga gần Ukraine. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Lorenzo Guerini cho biết phương Tây đang cùng hành động để "kiên quyết lên án hành động của Belarus".
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Lukashenko đã thảo luận về vấn đề này vào hôm 16/11.
Hãng thông tấn nhà nước Belarus BELTA cho biết các lực lượng biên phòng đã bắt đầu đưa những người di cư tập trung đến một trung tâm tiếp nhận xa biên giới hơn.