KHỦNG HOẢNG DI CƯ Ở BIÊN GIỚI BELARUS-BA LAN: AI DÍ SÚNG VÀO ĐẦU BA LAN?

Những ngày gần đây, hàng ngàn người dân di cư đã đổ về gần biên giới Belarus-Ba Lan với hy vọng đi vào quốc gia Liên minh châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng biên giới âm ỉ kéo dài nhiều tháng và khiến người ta hồi tưởng về cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015.

Cuộc chiến ngôn từ đang nóng

Căng thẳng giữa Ba Lan và Belarus liên quan tới di dân ở biên giới đột ngột gia tăng dữ dội từ đầu tuần này, kéo theo những cáo buộc mạnh mẽ của Liên minh Châu Âu (EU) và NATO nhắm vào chính quyền Minsk rằng, nước này đang cố ý đẩy di dân vào EU để gây bất ổn cho khối. Sự hiện diện tăng cường của quân đội Ba Lan và Belarus ở vùng biên giới làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang vũ trang ở cửa ngõ EU, sườn đông NATO.

Mới nhất, cuộc khủng hoảng này còn được châm thêm ngòi nổ khi ngày 9/11/2021, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tại một cuộc họp khẩn cấp của Nghi Viện đã tố cáo đích danh tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo làn sóng di dân từ Belarus đổ sang Ba Lan gây mất ổn định EU. Trong một tuyên bố rất căng thẳng, ông Mateusz Morawiecki nói rằng: "Tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko là người thực thi đợt tấn công mới đây, nhưng người điều hành phía sau chính là tổng thống Putin".

Thủ tướng Ba Lan khẳng định : "Những di dân từ Trung Đông được đưa đến Belarus bằng máy bay được sử dụng như là lá chắn sống nhằm làm mất ổn định tình hình Ba Lan và EU. Bảo vệ biên giới Ba Lan tức là bảo vệ sườn đông của NATO và cửa EU".

BBC trích lời Thủ tướng Ba Lan cũng nói thêm rằng "Ba Lan sẵn sàng nói chuyện với Nga và Belarus, nhưng không phải trong vị thế bị dí súng vào đầu".

img
img
img
img

Sức khỏe của hàng ngàn người di cư, trong đó có rất nhiều trẻ em và phụ nữ đang gặp nguy hiểm khi mùa đông giá rét đang đến. Ảnh Bloomberg

Belarus đã bác bỏ các cáo buộc đồng thời lên án Ba Lan cũng như của EU vi phạm nhân quyền khi không tiếp nhận người nhập cư tị nạn. Ông Lukachenko nhấn mạnh "Belarus sẽ không quỳ gối" trước EU.Về phần Nga, ngoại trưởng Serguei Lavrov quy kết là sóng nhập cư này là hậu quả của "các cuộc phiêu lưu" quân sự của phương Tây ở Trung Đông.

Điện Kremlin cũng đã đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng ở biên giới Ba Lan-Belarus cho EU, nói rằng khối đã không duy trì các giá trị nhân đạo của riêng mình và đang cố gắng "bóp nghẹt" Belarus bằng kế hoạch đóng cửa một phần biên giới.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/11 cho biết bình luận của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki - người đã đổ lỗi cho Moscow về tình hình - là không thể chấp nhận được.

Cũng trong ngày hôm đó, ông Putin đề nghị với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng các nước thành viên EU thảo luận trực tiếp về cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan với Minsk.

Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết bà Merkel đã nói với ông Putin trong một cuộc điện thoại rằng "công cụ hỗ trợ người di cư" của Belarus là vô nhân đạo và không thể chấp nhận được, đồng thời yêu cầu ông gây áp lực lên chính phủ Minsk.

Quan hệ giữa Ba Lan và các nước EU ở vùng Baltic như Lithuania, Latvia, Estonia với Nga và Belarus đã xấu đi nhiều những năm qua.

img
img
img
img

Tình cảnh mắc kẹt của người di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan. Ảnh Tass, Youtube, Independent.   

Thảm kịch nhân đạo

Trong ngày 10/11, căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Hàng ngàn người nhập cư đã đổ dồn về trước hàng rào thép gai đánh dấu biên giới hai nước. Họ là những di dân bị chính quyền Belarus thúc ép vượt qua biên giới sang Ba Lan. Nhưng phía trước mặt họ, chính quyền Ba Lan đã triển khai quân đội, hiến binh, cảnh sát và lính biên phòng. Thảm kịch nhân đạo có thể biến thành một cơn ác mộng, đặc phái viên của RFI miêu tả.

Theo Aljazeera, Ba Lan ngày 10/11 đã bắt giữ thêm hàng trăm người di cư và tị nạn cố gắng nhập cảnh vào đất nước từ Belarus trong đêm và triển khai thêm 3.000 binh sĩ để tăng cường biên giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói với đài truyền hình PR1 rằng, đó là "một đêm không yên tĩnh", bởi nhiều nỗ lực xâm nhập vào biên giới Ba Lan đã xảy ra. Một số di dân cố gắng vượt qua hàng rào thép gai bằng cách sử dụng thuổng và các công cụ khác, nhưng đã bị lực lượng an ninh Ba Lan đẩy lùi.

Đài phát thanh RMF của Ba Lan cho biết khoảng 200 người đã cố gắng xâm phạm biên giới vào chiều ngày 9/11, và nhóm thứ hai gồm 60 người đã cố gắng sau nửa đêm.

Ông Blaszczak cho biết tất cả những người cố gắng vượt qua đều bị giam giữ và lực lượng lính Ba Lan đóng tại khu vực này đã được tăng cường từ 12.000 lên 15.000 người. Hàng trăm người đang cắm trại dọc theo biên giới, một phần nhỏ trong số ước tính khoảng 4.000 người di cư và tị nạn tập trung ở các khu vực gần biên giới, bao gồm cả các khu rừng gần đó.

Trên các mạng xã hội ở Belarus lan truyền nhiều video quay cảnh di dân với lối cư xử bất lịch sự, làm dấy lên nhiều phản ứng lo ngại trong dân chúng. Trên mạng Telegram, kênh truyền thông Nexta cảnh báo : "Sớm hay muộn thì rồi các di dân cũng sẽ lâm cảnh thiếu tiền và Minsk sẽ trở thành Caracas của châu Âu, nơi mà người dân sẽ bị đánh cắp và giết hại giữa ban ngày". Hay cảnh báo khác như: Chính quyền Minks dường như đang đùa với lửa".

img
img
img
img

Cảnh sát Ba Lan cố gắng đẩy lùi làn sóng di cư. Ảnh NYT, Reuters, Politico

EU áp dụng chiến thuật 'kiểu xã hội đen' của Minsk

Ba Lan và các quốc gia EU khác cáo buộc Belarus khuyến khích người di cư và người tị nạn - phần lớn đến từ Trung Đông, Afghanistan và châu Phi - vượt biên để trả thù các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Minsk vì cuộc đàn áp bất đồng chính kiến của Tổng thống Alexander Lukashenko sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm ngoái.

Các nhà ngoại giao EU nói với hãng tin Reuters ngày 9/11 rằng, EU sắp áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Belarus do cuộc khủng hoảng leo thang, nhằm vào khoảng 30 cá nhân và thực thể, bao gồm cả ngoại trưởng Belarus.

EU trước đó cũng đã cáo buộc ông Lukashenko sử dụng chiến thuật "kiểu xã hội đen" trong thế bế tắc để đàn áp những người bất đồng chính kiến, trong đó ít nhất 7 người thiệt mạng trong bối cảnh các nhóm nhân quyền cảnh báo rằng họ phải đối mặt với điều kiện đóng băng, thiếu lương thực và chăm sóc y tế.

Hiện tại hàng nghìn di dân, trong đó có đông trẻ em và phụ nữ, tiếp tục bị kẹt giữa hai bên đường biên giới, trong tình trạng tuyệt vọng, kiệt sức, không đường tiến thoái. Các tổ chức phi chính phủ lo ngại sẽ xảy ra thảm cảnh nhân đạo trong những ngày giá rét mùa đông.

Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng những hình ảnh từ biên giới Belarus là "kinh khủng".

Grupa Granica -một tình nguyện viên trẻ đang hoạt động chống khủng hoảng ở biên giới Ba Lan-Belarus nói với tờ Guardian rằng, anh đang cố gắng mang tiếp tế cho những người di cư mắc kẹt và giúp họ đối phó với các sĩ quan biên phòng Ba Lan. Nếu cảnh sát Ba Lan đến trước các bác sĩ, họ rất có thể sẽ đưa những người di cư trở lại Belarus, với nguy cơ tình trạng sức khỏe của những người di cư này có thể xấu đi và dẫn đến tử vong. Ít nhất 8 người đã chết kể từ đầu cuộc khủng hoảng nhân đạo này.

Thúy Đăng (Nguồn tổng hợp từ aljazeera, Guardian, BBC, RFI, Politico)



Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem