Đến Hà Nội trên chiếc "xế hộp" riêng của mình, bước vào khách sạn trong bộ vest màu xanh lịch lãm, anh Hoàng Văn Thường, Giám đốc HTX chăn nuôi Bình Thành, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục (Hà Nam) tiến đến khu test nhanh Covid-19 trước khi nhận phòng khách sạn.
Trong thời gian chờ kết quả test Covid-19, tôi ghé lại gần, mở lời trò chuyện với anh. Người đàn ông sinh năm 1980 cởi mở liền "bắt sóng" ngay.
Anh bảo với tôi rằng: "Hơn 1 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra cho sản phẩm quá nhiều gian nan".
Anh Thường cho biết, HTX chăn nuôi Bình Thành hiện nay đang nuôi cá thương phẩm theo hình thức sông trong ao và nuôi tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ biofloc với tổng diện tích 16ha.
Năm 2021, sản lượng cá thương phẩm ước đạt 100 tấn, tôm càng xanh 15 tấn và tôm thẻ chân trắng 6 tấn. Riêng đối với tôm càng xanh và tôm thẻ chân trắng, HTX liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu đi Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 tới nay giá thức ăn chăn nuôi tăng "chóng mặt", kết hợp với "bóng đen" Covid-19 phủ bóng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của HTX. Theo anh Thường, năm nay, HTX thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
Trong thời gian trò chuyện với tôi, anh Thường còn bảo: "Không hiểu sao chỗ tôi người ta lại thu tiền điện kỳ quặc đến vậy. Dịch dã đã khốn khổ, giờ lại bị làm khó".
Với mô hình sông trong ao và nuôi tôm công nghệ cao, mỗi tháng chi phí cho tiền điện là rất lớn. Thế nhưng công ty điện lực đang thu tiền điện của HTX Bình Thành theo giờ. Đó là, giờ cao điểm từ 11 giờ đến 14 giờ chiều là 5.000 đồng/số điện; các giờ còn lại là 3.000 và 4.000 đồng/số điện.
Tham dự chuỗi các sự kiện Tự hào Nông dân Việt Nam 2021 lần này, anh Thường kỳ vọng rất lớn vào những chính sách của Chính phủ để hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp phục hồi sản xuất. Trong đó, anh Thường đề xuất Ngân hàng có những chính sách vay vốn ưu đãi để nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Lặng lẽ bước vào sảnh khách sạn lúc 15 giờ 30, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (tỉnh Đồng Nai) có vẽ vẫn mệt mỏi sau chuyến bay ra Hà Nội lần này.
Ông Quyết chia sẻ: "Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua tại các tỉnh miền Nam, bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nặng nề". Tuy nhiên, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát lại nằm ngoài sự tác động tiêu cực đó.
Hiện nay, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát có 22 thành viên, đang chăn nuôi liên kết khoảng 2 triệu con gà lông trắng. Trong đợt dịch vừa qua, gà lông trắng rớt giá "thảm hại" còn 6.000 đồng/kg, thì giá gà lông trắng bán ra của HTX vẫn giữ ở mức giá 28.000 đồng/kg.
Nguyên nhân được ông Quyết đưa ra đó là liên kết trong chuỗi chăn nuôi đã mang lại thành công cho HTX. Theo đó, chuỗi con giống HTX liên kết với công ty Bel gà; cám liên kết với De Heus. Chính sự liên kết này đã giúp HTX không bị "đổ vỡ" trước đại dịch Covid-19.
Cũng theo ông Quyết, để chăn nuôi giảm thiểu rủi do, bền vững thì rất cần sự liên kết giữa người nông dân, HTX với doanh nghiệp, từ đó, vật tư đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ luôn được ổn định.
"Tham dự Chương trình Tự hào nông dân lần này, tôi rất kỳ vọng sẽ gặp gỡ được nhiều nông dân xuất sắc khác để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong liên kết chuỗi chăn nuôi", ông Quyết chia sẻ.
Cũng mang nhiều kỳ vọng vào chuyến đi thủ đô lần này để tìm "bài thuốc" phục hồi sản xuất thủ công mỹ nghệ (mây, tre, lá, lục bình,nhựa giả mây, khung sắt….), ông Lê Văn Đạt - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thắm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ với Dân Việt với nhiều tâm tư.
Do dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh miền Nam, cơ sở sản xuất của vợ chồng ông bà phải dừng hoạt động, công nhân thì bỏ về quê dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh rơi vào cảnh thất thu.
Nếu như năm 2020, cơ sở với diện tích sản xuất: 3000 m2, năng suất/ sản lượng: 90.000 đến 110.000 sản phẩm/năm; số lượng lao động: 500-550 (thường xuyên) và 700-800 (mùa vụ) với thu nhập bình quân 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng; tổng thu nhập 38-45 tỷ/năm thì năm 2021 này doanh thu đã giảm 70%.
"Chúng tôi đang rất cần Chính phủ hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, giúp nông dân tiếp cận dễ dàng để nhanh chóng phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19", bà Thắm nói.