Chuyển đổi số nông nghiệp: Câu chuyện thực tế của nữ tỷ phú Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021
Chuyển đổi số nông nghiệp: Câu chuyện thực tế của nữ tỷ phú Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 trồng đông trùng hạ thảo
Đỗ Lực - Thu Hà
Thứ ba, ngày 30/11/2021 17:00 PM (GMT+7)
Trong sản xuất nông nghiệp, càng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào thì sức người càng được giải phóng. Khi đó, chúng ta sẽ tiết kiệm được công lao động, tỷ lệ rủi ro sẽ ít đi. Hiệu quả kinh tế cũng được nhân lên...
Đó là những chia sẻ của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021- Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khi được hỏi về áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Dây chuyền tự động hóa
Xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai từ lâu đã "thay da đổi thịt". Những con đường đất xa xưa nay đã được bê tông hóa. Cùng với đó là lớp lớp nhà mái ngói, cao tầng mọc lên san sát. Ở đây, có không ít những tỷ phú nông dân đang ngày đêm miệt mài hăng say sản xuất làm đẹp cho đời.
Nổi bật lên trong đó có thể kể đến tỷ phú nông dân Nguyễn Thị Hồng- Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc. Chị Hồng là một trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021.
Từ lâu, chị Hồng không chỉ được biết đến là người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn được biết đến là một người phụ nữ nhạy bén, nhanh nhạy khi áp dụng thành công máy móc, khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp.
Đưa chúng tôi đi thăm khu sản xuất đông trùng hạ thảo rộng hàng ngàn m2, chị Hồng cho hay, ngoài công đoạn chọn lọc con nhộng khỏe, tốt để nuôi tằm và cấy bào tử nấm vào trong con nhộng tằm là làm thủ công thì hầu hết tất cả các công đoạn nuôi, cấy đông trùng hạ thảo, nấm dược liệu ở Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc đều được tự động hóa.
"Việc nuôi, cấy nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo đòi hỏi người nuôi phải rất tỉ mỉ, chi tiết, rất nhiều quy trình phải tiến hành thủ công. Nhưng từ khi áp dụng dây chuyền tự động từ năm 2014 đến nay sức lao động chân tay được giải phóng, hiệu quả công việc mang lại rất cao", chị Hồng nói.
Theo chị Hồng, trước đây hầu hết các công đoạn tưới nước, thắp ánh sáng, đến sấy khô… cho nấm đều phải làm thủ công. Hàng ngày, công nhân phải dùng bình nước tưới cho nấm bằng tay, nhiều lúc độ ẩm không đều. Nhưng từ khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc, tất cả lại được làm tự động. Công nhân chỉ cần cài đặt độ ẩm, khi độ ẩm giảm, máy sẽ tự động phun sương và ngược lại khi độ ẩm đủ, máy sẽ tự ngắt.
Tương tự, khâu ánh sáng cũng được tự động hóa. Trước đó, để chiếu sáng cho nấm, công nhân phải thắp đèn từ sớm, hết giờ lại rút điện ra. Dù thắp đèn đúng giờ, nhưng đôi lúc cường độ ánh sáng lại không đủ cho cây nấm phát triển. Trước những bất cập này, chị Hồng đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tự động. Toàn bộ giờ chiếu sáng cho nấm được cài đặt qua hệ thống điện tử, đến giờ thắp sáng hệ thống này sẽ tự bật. Trường hợp nếu dòng diện yếu thì hệ thống chiếu sáng này sẽ tự điều chỉnh bật thêm đèn để đảm bảo cường độ ánh sáng cho nấm phát triển…
"Quy trình thủ công phải dùng bình tưới cho nấm bằng tay. Công nhân cầm vòi nước, nhưng nó vẫn không đều được. Sau khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc độ ẩm của cây nấm luôn được đảm bảo. Mình cài độ ẩm 70, nếu độ ẩm đến 68 thì máy sẽ tự động phun. Khi 70 máy sẽ tự dừng. Ánh sáng mình cài đặt nó 12 tiếng 1 ngày nó sẽ tự chiếu sáng, mình sẽ không phải động đến. Cường độ ánh sáng nếu nó không đủ thì nó sẽ tự bật thêm đèn nếu nó đủ rồi thì nó sẽ thôi…", chị Hồng nói.
Cũng theo chị Hồng, từ khi áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sức người đã được giải phóng đáng kể. Thay vì 3- 4 người tưới tắn, chăm sóc thì đến nay chỉ cần 1 người đã quán xuyến được hết mọi việc.
Thất bại, trả giá bằng… tiền bạc
Câu chuyện áp dụng máy móc hiện đại hóa vào sản xuất trong nông nghiệp không phải là chuyện dễ dàng. Để đi đến được thành công, chị Hồng cũng phải "trả giá" không ít.
Chỉ tay về phía hệ thống máy sấy tự động chị Hồng cho hay, máy móc giải phóng sức lao động, nhưng vận hành máy, áp dụng vào sản xuất thì không phải là dễ. Có những sai lầm phải trả giá bằng tiền mặt.
Theo đó, khi mới bắt tay vào trồng nấm dược liệu, chị đặt mua máy sấy đối lưu trong nước của một đơn vị. Cứ ngỡ máy sấy này sẽ cho ra lò những mẻ nấm ngon lành, nhưng càng sấy sản phẩm của chị càng xấu đi. Sản phẩm sấy ra bị quắt lại, xấu xí, nhiều khách hàng e dè, không lấy nấm. Nhiều mẻ chị phải bán cắt lỗ với giá rẻ mạt. "Không ai dạy mình, mình sấy bằng cách thử thôi. Sấy hỏng nhiều, bởi lúc đầu mình không biết. Nấm sấy ra xấu, khó bán, không phù hợp với mặt hàng nấm dược liệu. Tất cả phải trả giá bằng thực tế luôn mồ hôi nước mắt luôn", chị Hồng nói.
Những lần nhìn sản phẩm thất bại, chị Hồng luôn đau đáu suy nghĩ ở trong đầu. Nhiều lúc chán nản chị thức trắng đêm để tìm phương pháp sấy nấm. Thế rồi, qua tìm tòi, chị biết đến phương thức sấy "thăng hoa", chị đã đầu tư tiền bạc nhập máy sấy "thăng hoa" để sấy cho sản phẩm.
"Ngày xưa gần như sấy bằng nhiệt, ở nhiệt độ thấp. Nhưng, bây giờ nhà chị sấy "thăng hoa", sấy nhiệt độ lạnh sâu, âm 35- 65 độ. Hệ thống máy rất hiện đại mấy tỉ 1 máy, sản phẩm sấy ra đáp ứng được chất lượng và yêu cầu về thẩm mỹ…", chị Hồng cho hay.
… Hiệu quả của kênh bán hàng online
Nói về bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, chị Hồng cho hay, từ lâu Công ty chị đã thành lập các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo… luôn đầy ắp hàng hóa của Công ty. Sản phẩm đăng tải trên các sàn thương mại này bán rất chạy.
"Chị đưa sản phẩm lên Shopee, Lazada, nói chung tất cả các trang thương mại điện tử bên chị đều có mặt. Bán hàng trên đó rất hiệu quả. Thời buổi công nghệ mình phải thay đổi. Thương mại điện tử trong bán hàng chị đã áp dụng từ lâu, nếu không ảnh hưởng của dịch covid mình đã chết sặc. Mình đẩy mạnh quảng cáo, hàng hóa trên sàn bán rất chạy", chị Hồng cho biết.
Cũng theo chị Hồng, từ lâu Công ty chị đã áp dụng chuyển đổi số không dùng tiền mặt. Khách hàng đến với Công ty có nhiều hình thức thanh toán, chuyển khoản, dùng thẻ quẹt, và ví điện tử.
Hiện Công ty chị Hồng có 2 nhà xưởng rộng 1 ha và 5000m2, với khoảng hơn 100 lao động sản xuất. Trung bình mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 90- 100 nghìn phôi nấm, và 200 kg nấm dược liệu khô. Với doanh thu khoảng 40 tỷ/năm.
Tin cùng sự kiện: Tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc 2021
Vui lòng nhập nội dung bình luận.