Người Việt đã "hồi sinh" nghề làm đậu phụ ở San Jose
Sữa đậu nành được ép và bán ở South Bay từ đầu thế kỷ 20, nhưng yếu tố tạo nên thương hiệu lại không phải vì lâu đời mà là chính sự đa dạng, tươi ngon và tiện lợi được cung cấp khắp các nhà hàng, siêu thị và kể cả các cửa hàng chuyên đậu phụ ở khắp San Jose.
Tại US SoyPresso, bánh pudding đậu phụ kiểu Nhật Bản được phủ trên cùng với sữa đậu nành và đậu ngọt là một món ăn nức tiếng. Tại Đài Loan Sogo Tofu, đậu phụ còn được chiên giòn thành những miếng có kích thước như hộp cơm trưa "biandang". Và tại nhà hàng Việt Nam Thanh Sơn Tofu, bạn có thể thưởng thức đủ món chế biến từ đậu phụ.
Ngày nay, phong cách chủ đạo của món đậu phụ ở San Jose là của người Việt Nam, với rất nhiều những cửa hàng như Thanh Sơn Tofu tập trung tại một đoạn nhỏ của khu East Side mang đậm nét Việt của San Jose.
Nghề làm đậu phụ theo ghi chép của William Shurtleff và Akiko Aoyagi, là những cửa hàng đậu phụ đầu tiên ở San Jose và là nơi tập trung những người Mỹ nhập cư sớm nhất đến định cư ở Thung lũng Santa Clara để làm công việc nông trại.
Okumura Tofu-ya, được thành lập vào năm 1906 là cơ sở kinh doanh đậu phụ đầu tiên được ghi nhận tại thành phố. Okumura Tofu-ya nằm trên Phố thứ 6 và chiếm vị trí trung tâm của Japantown, đã tồn tại hơn 100 năm cho đến khi cửa hàng cuối cùng đóng cửa vào năm 2017. Các cửa hàng đậu phụ như Okumura bao phủ bất cứ nơi nào có người Nhật. Đến năm 1950, ít nhất 425 cơ sở kinh doanh đậu phụ Nhật Bản đã được thành lập trên khắp nước Mỹ.
Sự quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Nhật đối với đậu phụ bắt đầu nới giảm vào cuối thế kỷ 20 khi dân số già đi và thu hẹp lại so với các nhóm người Mỹ gốc Á khác. Vào thời điểm đó, sự phát triển của các cửa hàng đậu phụ đã chậm lại nếu không muốn nói là thoái trào; chúng đã trở nên thừa sau khi phát minh ra đậu phụ đóng gói ở Los Angeles vào những năm 50, cho phép sản phẩm này được bán trong các siêu thị thay vì các cửa hàng đặc sản.
Ở một số thành phố, những phát triển này đã đánh dấu sự kết thúc của cửa hàng đậu phụ - nhưng ở San Jose, chúng lại được hồi sinh trong tay của một nhóm dân số mới đến thành phố sau năm 1975 với số lượng lớn đó là người Việt nhập cư.
Trong những thập kỷ tiếp theo, những người Mỹ gốc Việt đã mở ra cửa hàng đậu phụ của riêng họ, một cửa hàng bán đậu phụ cùng với nhiều loại đồ ăn nhẹ và đồ uống theo hình thức giống như đồ ăn nhanh, và mở ra một thời kỳ phục hưng đậu phụ mới ở South Bay.
Các cửa hàng đậu phụ Việt Nam hiện chiếm phần lớn các cơ sở kinh doanh đậu phụ ở San Jose. Nhưng bất chấp sự phổ biến của giới trẻ - có cảm giác như không có cửa hàng tạp hóa Việt Nam nào ở San Jose là hoàn chỉnh nếu không có nhà sản xuất đậu phụ tươi gần đó - họ hiếm khi được công nhận chính thống như các cơ sở lân cận khác như nhà hàng phở và cửa hàng bán bánh mì. Tuy nhiên, họ đóng một vai trò thiết yếu trong cộng đồng và là một phần có giá trị trong bức tranh ẩm thực của San Jose.
Andrea Nguyễn, một chuyên gia về nấu ăn Việt Nam và là tác giả của toàn bộ cuốn sách về đậu phụ, là một khách hàng lâu năm của món đậu phụ cho rằng, đặc trưng thu hút của đậu phụ do người Việt làm ra là sự mềm mại, thơm, béo ngậy khiến người Mỹ thích thú.
"Mọi người thích đậu phụ tươi vì nó là một phần của ẩm thực truyền thống. Chúng tôi là một cộng đồng người tị nạn nhập cư tương đối mới đến Mỹ, và đã có rất nhiều đồ ăn, được vận chuyển từ Việt Nam sang đất Mỹ. Chúng tôi coi trọng sự tươi mới. Chúng tôi cũng đánh giá cao cộng đồng hình thành xung quanh sự tươi ngon đó -bạn cảm thấy được tiếp xúc với con người và tâm hồn của mình khi bạn đến những nơi này", Nguyễn nói.
Thanh Son Tofu, một cửa hàng bán đậu phụ nổi tiếng của Việt Nam nằm gần Siêu thị Lee's trên đường Senter, là một ví dụ điển hình về cách những cửa hàng này có thể trở thành điểm neo đậu cho cộng đồng. Thanh Son Tofu đã tồn tại và phát triển ở nơi này đã được 30 năm. Ban đầu, gia đình Thanh Son làm đậu phụ để bán cho những người hàng xóm ở Quận Cam của Nam California trong suốt những năm 70 và 80. Cuối cùng, họ đã tiết kiệm đủ vốn để mở cửa hàng đầu tiên của mình ở Westminster's Little Saigon vào những năm 90 và hoạt động đó đủ thành công đến mức một người anh họ sống ở San Jose cũng muốn mở một địa điểm ở Bắc California với tên thương hiệu Thanh Son Tofu.
Ngày nay, Thanh Sơn là một trong những quán hủ tíu sầm uất nhất khu phố. Mặt tiền cửa hàng rộng rãi và náo nhiệt, những kệ hàng được làm bằng kính xuyên thấu, nhìn thấy những món đồ ăn được làm từ đậu nành như sữa đậu nành pandan nhuộm màu xanh lá cây, đậu phụ rán vàng, những miếng đậu phụ mỏng cuộn lại bắt chước thịt nguội, chả lụa và bánh pudding đậu nành. Hàng dài khách hàng vây quanh quầy. Họ chỉ vào sản phẩm đậu nành ưa thích, nhân viên đóng gói, sau đó khách hàng đến quầy đăng ký để thanh toán và nhận hàng.
Ngoài Thanh Son tofu thì Đậu phụ Đông Phương cũng là một ví dụ thành công về kinh doanh mặt hàng đồ ăn này. Nằm đối diện với Chợ Sư tử ở trung tâm của Little Saigon ở San Jose trong gần hai thập kỷ, cửa hàng Đậu phụ Đông Phương ngoài bán các món ăn làm từ đậu phụ còn có bán đĩa CD thiền và một số ít hàng tạp hóa đặc sản như nước mắm chay và ruốc thịt lợn.
Nhân viên tại Đông Phương còn chế biến các món ăn từ đậu phụ tại chỗ, nóng hổi, ví dụ như đậu phụ kho sả, một loại đậu phụ dai dai mà các nhà hàng khác không thể làm được.
Với cộng đồng gốc Việt tại đây, những cửa hàng đậu phụ này đã mang lại cho họ sự thịnh vượng trong nhiều năm qua. Nhưng vẫn còn rất nhiều sự lo ngại, giống như Andrea Nguyễn nói, một thế hệ người Mỹ trẻ, liệu có còn nhớ nhung hương vị mềm mại, thơm bùi của món đậu phụ truyền thống. Và rồi, tương lai của món đậu phụ liệu có còn thịnh vượng như những gì đã và đang thấy ở San Jose.