Dân Việt

Thái Nguyên: HTX đưa trà đặc sản lên sàn thương mại điện tử, dịch Covid-19 vẫn không lo

Hà Thanh - Kiều Hải 02/12/2021 13:03 GMT+7
Ngoài tiêu thụ sản phẩm theo cách truyền thống, hiện nay HTX Trà Sơn Dung (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) còn tiêu thụ sản phẩm trà đặc sản qua các sàn thương mại điện tử. Trong bối cảnh dịch Covid-19, tuy sản lượng tiêu thụ giảm, nhưng vẫn không đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Như Trang - Giám đốc HTX Trà Sơn Dung, là người kế thừa, xây dựng và phát triển thương hiệu trà truyền thống của gia đình nhà chồng.

Chị Trang cho biết, HTX Trà Sơn Dung được thành lập vào năm 2018, nhưng thương hiệu trà Sơn Dung đã trên 40 tuổi.

Thái Nguyên: Người phụ nữ bảo tồn giống chè cổ, đưa hương trà lan tỏa khắp các vùng miền - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Trà Sơn Dung giới thiệu về các sản phẩm của HTX (Ảnh: Hà Thanh)

Hiện nay, HTX Trà Sơn Dung có tất cả 5 dòng sản phẩm chính là: Trà đinh, trà tôm nõn, trà móc câu, trà túi lọc 3D và trà ướp hoa. Trong đó, trà đinh thượng hạng là sản phẩm cao cấp nhất và được bán với giá 3 triệu đồng/kg.

Ngoài các sản phẩm truyền thống, tháng 8/2021 vừa qua, HTX đã phát triển thêm một sản phẩm mới mang tên Thu trà.

Thái Nguyên: Người phụ nữ bảo tồn giống chè cổ, đưa hương trà lan tỏa khắp các vùng miền - Ảnh 2.

Sản phẩm của HTX Trà Sơn Dung có nhiều mẫu mã đa dạng và phong phú (Ảnh: Hà Thanh)

Chị Trang chia sẻ, chè được thu hoạch vào vụ thu đông mang một vị rất đượm và đặc biệt.

Giai đoạn tốt nhất để thu hoạch chè thu là trong tiết khí Hàn Lộ giữa tháng 10 hay tiết Sương Giáng cuối tháng 10, đầu tháng 11.

Vào thời điểm này, khí hậu miền Bắc trở nên mát và lạnh hơn, nắng ít và bớt gắt hơn. Ngoài ra, cây chè cũng ra ít lá hơn để tích tụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là đường.

Do đó, trà thu giảm đi vị chát, có hậu vị thơm ngon đặc biệt hơn cả trà xuân.

Thái Nguyên: Người phụ nữ bảo tồn giống chè cổ, đưa hương trà lan tỏa khắp các vùng miền - Ảnh 3.

Sản phẩm Thu trà mới được HTX cho ra mắt vào tháng 8/2021 vừa qua. (Ảnh: Hà Thanh)

Năm 2020, HTX Trà Sơn Dung đã có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Đến năm 2021, HTX có 3 sản phẩm gồm trà đinh, trà tôm nõn, trà móc câu tham dự sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh và cấp khu vực.

Thái Nguyên: Người phụ nữ bảo tồn giống chè cổ, đưa hương trà lan tỏa khắp các vùng miền - Ảnh 4.

Hiện nay các sản phẩm của HTX Trà Sơn Dung đã có mặt ở khắp các vùng miền của đất nước (Ảnh: Hà Thanh)

Hiện nay, HTX đã liên kết với các thành viên xây dựng, phát triển và trồng mới bằng hạt được 5ha chè trung du hoàn toàn theo chuẩn hữu cơ.

Theo chị Trang, chè trung du cho năng suất thấp hơn so với một số giống chè khác nhưng lại có tuổi đời và thời gian cho thu hoạch đối với cây chè được trồng bằng hạt sẽ kéo dài rất lâu. Đây là giống chè hiện đang được ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên gìn giữ và bảo tồn.

Ngoài diện tích chè nguyên liệu đang có, HTX Trà Sơn Dung còn đang giữ gìn và bảo tồn khoảng hơn 1ha chè trung du có tuổi đời trên 50 năm tại xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên.

Toàn bộ diện tích chè trung du này còn đang được chị Trang lựa chọn làm địa điểm để phát triển du lịch cộng đồng.

Thái Nguyên: Người phụ nữ bảo tồn giống chè cổ, đưa hương trà lan tỏa khắp các vùng miền - Ảnh 5.

Hiện nay, HTX đang trồng mới 5ha chè trung du theo chuẩn hữu cơ (Ảnh: Hà Thanh)

Dự kiến năm 2022, HTX sẽ đầu tư thêm máy sấy lạnh thăng hoa để chế biến các sản phẩm mới như trà sen, matcha. Công nghệ sấy lạnh mới này sẽ giúp cho sản phẩm sau chế biến giữ được nguyên hình dáng, nguyên chất và nguyên màu, từ đó giúp nâng cao giá trị của sản phẩm.

Ngoài ra, cũng trong năm 2022, HTX dự kiến sẽ xây dựng một không gian thưởng trà với quy mô khoảng 200m2 theo hướng gần gũi với thiên nhiên để phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức trà mỗi khi đến với Thái Nguyên.

Thái Nguyên: Người phụ nữ bảo tồn giống chè cổ, đưa hương trà lan tỏa khắp các vùng miền - Ảnh 6.

HTX dự kiến sẽ xây dựng không gian văn hóa trà. (Ảnh: Hà Thanh)

Đến thời điểm này, sản phẩm trà Sơn Dung đã có mặt tại khắp các tỉnh thành trong cả nước, ngoài ra còn xuất khẩu đi các nước như Úc, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Nga…

Ngoài bán trà theo hướng truyền thống, HTX còn đưa sản phẩm lên một số sàn thương mại điện tử, dự kiến liên kết với một số HTX khác trên địa bàn tỉnh tạo một tài khoản chung trên kênh giao dịch thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, sẽ đăng ký mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm đúng chuẩn quốc gia.

Thái Nguyên: Người phụ nữ bảo tồn giống chè cổ, đưa hương trà lan tỏa khắp các vùng miền - Ảnh 7.

Hiện nay, HTX đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 12 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. (Ảnh: Hà Thanh)

Theo chị Trang, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản lượng trà tiêu thụ giảm đôi chút đối với hàng bán buôn. Còn hàng bán lẻ giảm đáng kể do các bên vận chuyển không thể vận chuyển hàng cho khách.

Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung thì sản phẩm trà không bị ảnh hưởng quá nhiều so với các mặt hàng khác trên thị trường.

Tính đến thời điểm này, HTX đã xuất bán được khoảng 180 tấn chè búp khô với giá dao động từ 200.0000 – 250.000 đồng/kg. HTX cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động với thu nhập trung bình từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng.