Nông dân miền núi tỉnh Bình Thuận trồng lúa khác người, làm ra thứ gạo nước ngoài cũng muốn ăn

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 01/12/2021 19:07 PM (GMT+7)
Nhiều năm qua, huyện Tánh Linh là vựa lúa gạo lớn của tỉnh Bình Thuận. Hàng năm huyện sản xuất trên 100 nghìn tấn gạo và những mặt hàng nông sản khác. Một trong những nông dân trồng lúa giỏi, làm ra thứ gạo hữu cơ ai cũng muốn mua đó là ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Đức Bình.
Bình luận 0

Nhiều người cứ ngỡ Tánh Linh là huyện đồng bằng nhưng thực ra là huyện miền núi, cuối dãy Trường Sơn, phía Tây bắc tỉnh Bình Thuận.

Nông dân trồng lúa hữu cơ thu nhập 700 triệu đồng/năm

Ngày 30/11, trao đổi với PV báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, nông dân Nguyễn Anh Đức, giám đốc HTX Đức Bình ở huyện Tánh Linh khẳng định mức thu nhập trên nhờ trồng lúa hữu cơ. "Tiếng là giám đốc HTX cho oai vậy chứ tui là nông dân thứ thiệt đó nhà báo!", ông Đức bộc bạch!

Nông dân miền núi làm Gạo Tánh Linh ở Bình Thuận thu nhập đến 700 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Cán bộ nông nghiệp huyện Tánh Linh (Bình Thuận) luôn theo sát nông dân trồng lúa hữu cơ. Ảnh CTV

Theo lời ông Đức, trước đây ông và người thân trong gia đình cùng nhau trồng lúa theo cách cũ, suốt ngày vất vả nhưng thu nhập không tốt. Đã thế còn bị độc hại, ảnh hưởng sức khỏe do phải sử dụng thuốc trừ sâu quá nhiều. 

Nhưng từ năm 2016, gia đình ông nghe theo hướng dẫn của huyện Tánh Linh chuyển sang trồng lúa hữu cơ một năm 2 vụ trên diện tích hơn 10ha, đến nay đã cho thu nhập khá hơn nhiều. Điều mà ông thấy quý nhất trồng lúa hữu cơ, làm gạo hữu cơ là sức khỏe của ông và cộng đồng được bảo vệ tốt hơn.

Theo lời ông Đức, làm lúa hữu cơ lợi nhiều hơn cách làm cũ. Hiện tại gia đình ông mỗi tháng đóng gói và giao khoảng 10 tấn gạo hữu cơ cho khách hàng trong tỉnh và cả TP.HCM. 

Mỗi bịch 5kg, có logo Gạo Tánh Linh trên bao bì với các giống lúa ST 25… ông bán giá khoảng 140.000 đồng trở lại. "Nhờ trồng lúa hữu cơ và sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi thu nhập trung bình từ 500 đến 700 triệu đồng/năm…", ông Đức tâm sự.

Nông dân miền núi làm Gạo Tánh Linh ở Bình Thuận thu nhập đến 700 triệu đồng/năm - Ảnh 2.

Nông dân, giám đốc Nguyễn Anh Đức, giám đốc HTX Đức Bình ở huyện Tánh Linh khẳng định mức thu nhập 700 triệu nhờ trồng lúa hữu cơ, bán gạo hữu cơ. Ảnh CTV

Được biết, sản phẩm gạo hữu cơ của HTX Đức Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận "Gạo Đức Lan" nằm trong thương hiệu, chỉ dẫn địa lý Gạo Tánh Linh. Nông dân Nguyễn Anh Đức năm 2020 được đại diện cho tỉnh Bình Thuận ra Hà Nội dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu  63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020".

Gạo Tánh Linh nhờ thiên thời- địa lợi- nhân hòa

Trao đổi với chúng tôi, ông Giáp Hà Bắc, chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực trong và ngoài tỉnh Bình Thuận, cách đây vài ngày, Trung tâm Kỹ thuật & Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh vừa khai trương cửa hàng, giới thiệu nhãn hiệu Gạo Tánh Linh (được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận) ra thị trường.

Nông dân miền núi làm Gạo Tánh Linh ở Bình Thuận thu nhập đến 700 triệu đồng/năm - Ảnh 3.

Lãnh đạo huyện Tánh Linh ký kết hợp tác với Viện lúa ĐBSCL. Ảnh CTV

Theo ông Giáp Hà Bắc, huyện Tánh Linh là vựa lương thực của tỉnh Bình Thuận, hàng năm sản xuất ra trên 100 nghìn tấn gạo cung cấp nhu cầu lương thực trong và ngoài tỉnh. Nhãn hiệu Gạo Tánh Linh được sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sử dụng nước thượng nguồn sông La Ngà, kết hợp với các giống chất lượng cao của Viện lúa ĐBSCL, được nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ nên đáp ứng nhu cầu sử dụng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

"Sau khi khai trương cửa hàng giới thiệu Gạo Tánh Linh tại thị trấn Lạc Tánh, bày bán các loại gạo như: ST 25, ST 24, OM 18, OM 4900… Về sau huyện sẽ mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh, đưa nhãn hiệu Gạo Tánh Linh vào các hệ thống siêu thị để phục vụ người tiêu dùng…", ông Giáp Hà Bắc nói.

Theo lãnh đạo huyện Tánh Linh, để có được uy tín Gạo Tánh Linh như hôm nay, gần cả chục năm qua, các chuyên viên của huyện, liên tục khăn gói đi các tỉnh miền Tây, học hỏi các chuyên gia ở Viện lúa ĐBSCL rồi về áp dụng, hướng dẫn lại bà con nông dân...

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Tánh Linh cho biết, hơn 10 năm trước, trên địa bàn có khoảng 11.000 ha đất trồng lúa nằm ở vùng thung lũng sông La Ngà. 

Các cơ quan chức năng xác định, đây là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Bình Thuận. Trong đó lúa gạo là sản phẩm chủ lực trong chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Tánh Linh. 

Sau khi hệ thống thủy lợi được hoàn thiện dần, diện tích trồng lúa ổn định từ khoảng 22.000 ha – 24.000 ha lúa/năm. Tuy nhiên, do sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, không đồng nhất chủng loại nên giá cả, đầu ra thiếu ổn định, cạnh tranh kém, thu nhập của nông dân thấp...

Nông dân miền núi làm Gạo Tánh Linh ở Bình Thuận thu nhập đến 700 triệu đồng/năm - Ảnh 5.

Cán bộ nông nghiệp huyện Tánh Linh luôn theo sát nông dân trồng lúa hữu cơ. Ảnh CTV

Từ năm 2010, huyện Tánh Linh đã khoanh vùng quy hoạch vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha và tập huấn kỹ thuật, cho những nông dân giỏi tham gia trực tiếp chương trình này. 

Giống lúa được tuyển chọn các giống hạt dài từ Viện lúa ĐBSCL. Lãnh đạo huyện cũng bỏ công, sức đi mời gọi các doanh nghiệp, cùng liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao cho nông dân (liên kết 4 nhà). 

Những vụ đầu trong vùng 3.000 ha lúa chất lượng cao (có khoảng 1200 ha "Cánh đồng lớn", trong đó có khoảng 200 ha trồng lúa hữu cơ) cho thấy, chất lượng lúa rất tốt, nên huyện tiếp tục nhân rộng.

Hàng năm, huyện đã dành nguồn ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho nông dân kỹ thuật trồng lúa, trong đó có trồng lúa hữu cơ. 

Ban đầu chỉ 3 HTX và 3 Tổ hợp tác chuyên sản xuất giống lúa với diện tích khoảng 50 ha/vụ (chỉ sản xuất 2 vụ lúa giống/năm) tham gia. Đến nay nhãn hiệu Gạo Tánh Linh đến nay đã có một số đơn vị trên địa bàn sử dụng, đóng bao sản phẩm theo hướng hữu cơ với số lượng khoảng 1000 tấn/năm như gạo Đức Lan, Đức Phú, Nghị Đức, Đức Bình…

Theo UBND huyện Tánh Linh, nhờ liên kết với Viện lúa ĐBSCL chuyển giao kỹ thuật từ năm 2015 đến nay, nguồn thu nhập của người dân trồng lúa chất lượng cao và trồng lúa hữu cơ tốt hơn.

Huyện Tánh Linh cũng đặc mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ tiếp tục mở rộng diện tích xây dựng "Cánh đồng lớn" trên toàn bộ vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha. Bên cạnh đó là xây dựng vùng trồng lúa hữu cơ, hướng hữu cơ khoảng 1000 ha…

Gạo hữu cơ Đức Lan ST 24 được trưng bày tại cửa hàng, sản phẩm không sử dụng phân và thuốc hóa học.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem