Loại cây thân thẳng tuồn tuột, ra quả vỏ xanh ruột vàng đang trồng thử ở Đắk Nông cho thu nhập 300 triệu/ha

Trang Hồ Thứ tư, ngày 01/12/2021 13:05 PM (GMT+7)
Mô hình trồng đu đủ ruột vàng Long An ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. Mô hình trồng đu đủ ruột vàng đã qua gần 2 năm thử nghiệm.
Bình luận 0

Đu đủ ruột vàng dễ trồng nhưng cho thu nhập ổn định

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Krông Nô cho biết, hiện nay tổng diện tích đu đủ ruột vàng tại huyện có khoảng 5 ha. Hiện tại các vườn trồng đu đủ ruột vàng đều phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Đu đủ ruột vàng không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, tốn ít công chăm sóc, giá đu đủ bán khá ổn định. Từ khi trồng đến thu hoạch mất khoảng 6 tháng. Trọng lượng trái đu đủ trung bình từ 2 - 2,5 kg. Nếu trồng đạt, mỗi cây đu đủ có thể cho năng suất từ 20 - 25 kg, tương đương hơn 7 tấn/sào.

Loại quả vỏ xanh ruột vàng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở Đắk Nông - Ảnh 1.

Người dân huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông thử nghiệm trồng đu đủ ruột vàngvà đang mang lại những tín hiệu tích cực. Ảnh: T.H

Giống đu đủ ruột vàng có 2 dạng quả tròn và dài. Khi chín, ruột đu đủ vàng, cứng và có vị ngọt thanh. Hiện tại, giá bán đu đủ ruột vàng rơi vào khoảng 5.000 đồng/kg, ước tính mang lại tổng thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha. 

Đu đủ ruột vàng là cây có tuổi thọ khoảng 2 năm và khá dễ tính, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên cũng được xem là một lợi thế của huyện Krông Nô.

Để trồng đu đủ ruột vàng đạt hiệu quả kinh tế cần làm đất kỹ trước khi trồng và chú ý khâu chăm sóc, bón phân cho cây. Đầu tiên khi trồng đu đủ phải rải phân lân và phân vi sinh bón lót. Khi cây đu đủ được khoảng 1 tháng thì bón thêm phân NPK. Người trồng đu đủ cũng phải chú ý bổ sung các loại phân dưỡng lá, nuôi bông, dưỡng trái…

Để đảm bảo năng suất và chất lượng, người trông cần theo dõi kỹ càng để phát hiện và xử lý các bệnh thường gặp trên cây đu đủ như: bệnh rệp sáp, vàng lá, thán thư, xì mủ… Cây đu đủ không quá kén đất, tuy nhiên cũng không thích hợp trồng vùng ngập nước, đất trắng, đất sét gây bó bộ rễ...

Người dân phấn khởi mở rộng diện tích trồng đu đủ ruột vàng

Chị Trần Thị Yến, xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) cho biết, sau gần 2 năm chăm sóc ước tính 2 sào đu đủ của gia đình cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí.

Loại quả vỏ xanh ruột vàng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở Đắk Nông - Ảnh 2.

Vườn đu đủ ruột vàng của gia đình chị Trần Thị Yến (xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) sai quả dù đã gần 2 năm tuổi. Ảnh: T.H

Cũng theo chị Yến, trước đó gia đình chị có gần 2 ha đất trên cánh đồng Đắk Rền, xã Nâm N'đir chủ yếu trồng bắp và khoai lang nhưng do các loại cây này cần tưới nhiều nước do vậy nền đất yếu, dễ bị sạt lở nên sản xuất không hiệu quả.

Chị Yến cùng một số hộ dân khác đã cùng nhau tìm mua giống đu đủ ruột vàng tận Long An để mong chuyển đổi cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời điểm đó là vào năm 2019, khi đó giống cây đu đủ này có giá 6.000 đồng/cây.

"Sau khi trồng đu đủ, tôi chỉ bón phân vi sinh, xáo cỏ cho sạch sẽ vườn. Trong suốt quá trình chăm sóc, vườn đu đủ không sử dụng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật hay phân hóa học nào cả", chị Yến cho biết thêm.

Mới đầu chị trồng khoảng 400 cây đu đủ ruột vàng trên diện tích 2 sào. Theo chị đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, quan trọng là cần nền đất cao thoáng, thoát nước tốt.

Loại quả vỏ xanh ruột vàng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở Đắk Nông - Ảnh 3.

Đu đủ ruột vàng khi chín có vị ngọt thanh, được nhiều người yêu thích. Ảnh: T.H

Với 400 cây đu đủ, đợt trái bói đầu tiên của gia đình chị Yến vào năm 2020, thương lái đã đặt mua, tự đến thu hoạch và đưa đi tiêu thụ khoảng 9 tấn quả, mang lại thu nhập gần 40 triệu đồng, khi đó giá bán đu đủ là 4.000 đồng/kg.

Thấy hiệu quả kinh tế cao, chị Yến đã quyết định trồng thêm 2 sào đu đủ và cây đu đủ giống hoàn toàn do gia đình tự ươm nên chi phí rẻ hơn rất nhiều. Ngoài ra chị cũng trồng xen cây đu đủ non vào vườn đu đủ già để chuẩn bị thay thế. Vì theo chị vòng đời của đu đủ khoảng 2 năm và năng suất đu đủ sẽ giảm dần khi tuổi thọ cây đu đủ tăng.

Ngoài chị Yến, một số hộ dân khác tại xã Nâm N'đir, Đắk D'rô, huyện Krông Nô đã trồng thử nghiệm giống đu đủ ruột vàng Long An và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như anh Hồ Thanh Hùng ở thôn Nam Hà, xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô cũng mạnh dạn trồng gần 4.000 cây đu đủ ruột vàng trên diện tích 1,6 ha và cũng thu lãi về hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích loại cây này vì việc liên kết tiêu thụ, đầu ra còn hạn chế. Trong tương lai, nếu có thể bảo quản và tìm được nơi tiêu thụ, đây có thể sẽ là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem