Anh Nghĩa cho biết, con dúi (còn gọi nu) vốn là động vật tự nhiên nhưng hoàn toàn có thể thuần chủng, nhân giống, nuôi nhốt.
Thức ăn của con dúi chủ yếu là tre, mía, bắp, các loại khoai...Những thức ăn này có rất nhiều ở miền núi, lại dễ trồng nên giảm đáng kể chi phí nuôi. Mỗi con dúi sinh sản mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 1 – 4 con...
Con dúi có sức đề kháng cao, nhưng để loài động vật này phát triển khỏe mạnh, hạn chế bị bệnh phải nắm rõ kỹ thuật nuôi cũng như hiểu rõ được tập tính sinh trưởng của nó.
Dúi con nuôi được 8 tháng là trưởng thành, đến kỳ sinh sản và đạt trọng lượng từ 1 - 1,5 kg. Điều quan trọng nhất là người nuôi cần đánh số chuồng, ghi chép thời gian giao phối để theo dõi, tách dúi đực và dúi con riêng, tránh trường hợp giao phối cận huyết.
Mỗi ngày chỉ cần thăm, vệ sinh, cho dúi ăn một lần là đủ, tránh để dúi ăn thức ăn đã hỏng vì có thể dẫn đến bệnh tiêu chảy.
Theo quan sát, chuồng nuôi dúi được anh Nghĩa thiết kế đơn giản. Trong chuồng chia thành nhiều ô, mỗi ô dùng gạch men gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50cm và dài 50cm. Tuy nhiên theo anh Nghĩa, chuồng dúi có thể thiết kế rộng hoặc hẹp hơn tùy vào từng điều kiện của mỗi người và từng giai đoạn phát triển của dúi.
Nhưng theo kinh nghiệm nuôi dúi của anh Nghĩa thì nên thiết kế chuồng nuôi dúi thoáng mát, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.
“Toàn bộ dúi của em hiện đã thuần chủng đến F3, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở địa phương. Hầu hết, dúi đều phát triển nhanh, khỏe, đồng đều. Năm nay, em đã bán hơn 40 cặp dúi giống với giá 3 triệu đồng/cặp, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận đạt trên 70 triệu đồng. Em sẵn sàng hỗ trợ về con giống, kỹ thuật nuôi, cam kết thu mua, đảm bảo đầu ra cho những ai có nhu cầu. Trường hợp không có điều kiện tiếp tục nuôi em sẽ thu mua lại” – anh Nghĩa nói.
“Chúng tôi đánh giá cao mô hình nuôi dúi của anh Nghĩa – một đoàn viên thanh niên của xã, vì hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp. Hiện nay, dúi thương phẩm trên thị trường có giá 500.000 – 600.000 đồng/kg.
Để thanh niên xã nhà có thêm lựa chọn và yên tâm phát triển kinh tế từ việc nuôi dúi, Xã đoàn đã liên kết với Trại dúi Thuần Việt của anh Nguyễn Hữu Nghĩa, cam kết đến tận nhà hỗ trợ kỹ thuật nuôi dúi cho thanh niên, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường” - anh Trần Ngọc Tâm – Bí thư Xã đoàn Tân Hà cho hay.
Được biết, thịt dúi có hàm lượng dinh dưỡng cao, thơm ngon, là một trong những món ăn đặc sản nên được nhiều người ưa chuộng, nhưng đến nay nguồn cung vẫn không đủ nhu cầu.
Trại nuôi dúi của anh Nghĩa hiện tại cũng chủ yếu xuất bán dúi giống, chưa đủ số lượng để bán dúi thịt. Ở huyện Đức Linh, số hộ nuôi dúi còn hạn chế, quy mô nhỏ.
Từ thực tế và nhu cầu thị trường cho thấy, nuôi dúi là hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng ở huyện Đức Linh , cũng như các huyện miền núi trong tỉnh Bình Thuận. Bởi, nuôi dúi không tốn nhiều thời gian, nguồn thức ăn của dúi có sẵn tại địa phương, điều kiện khí hậu nơi đây cũng phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của dúi.
Tin rằng, với niềm đam mê và phương pháp nuôi khoa học, con dúi sẽ giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, vươn lên làm giàu chính đáng.