Tổ chức tư vấn đến từ Thụy Điển cho biết năm 2020 đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp ghi nhận tăng trưởng doanh số của 100 công ty hàng đầu ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Tổng doanh số bán hàng của năm cao hơn 17% so với năm 2015, năm đầu tiên có bao gồm dữ liệu về các công ty Trung Quốc.
Alexandra Marksteiner, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, nói: "Những gã khổng lồ trong lĩnh vực này ít phải chịu ảnh hưởng bởi các chính phủ có nhu cầu rất lớn đối với hàng hóa và dịch vụ quân sự. Ở phần lớn các nước, chi tiêu quân sự có xu hướng tăng lên, thậm chí một số chính phủ còn tích cực chi tiền cho ngành công nghiệp vũ khí để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19".
Các công ty ở Mỹ tiếp tục thống trị danh sách, với tổng doanh số 285 tỷ đô la từ 41 công ty, chiếm khoảng 54% tổng doanh số bán vũ khí trong số 100 công ty lớn nhất. Năm công ty hàng đầu trong bảng xếp hạng kể từ năm 2018 đều có trụ sở tại Mỹ, SIPRI cho biết.
Trong khi đó, doanh số bán vũ khí từ các công ty hàng đầu của Trung Quốc ước tính lên tới 66,8 tỷ USD vào năm 2020, nhiều hơn 1,5% so với năm 2019. Các công ty Trung Quốc chiếm 13% trong tổng số 100 doanh nghiệp bán vũ khí hàng đầu, nhiều hơn Vương quốc Anh, quốc gia có thị phần lớn thứ ba.
Nan Tian, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI cho biết: "Trong những năm gần đây, các công ty vũ khí Trung Quốc đã được hưởng lợi từ những chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này và tập trung vào sự kết hợp quân sự-dân sự. Họ đã trở thành một trong những nhà sản xuất công nghệ quân sự tiên tiến nhất trên thế giới".
26 công ty vũ khí châu Âu trong top 100 chiếm khoảng 21% tổng doanh số bán vũ khí, tương đương 109 tỷ USD, nhóm nghiên cứu cho biết.
Bảy công ty của Anh đã ghi nhận doanh số bán vũ khí là 37,5 tỷ USD vào năm 2020, tăng 6,2% so với năm 2019. Doanh số bán vũ khí của BAE Systems - công ty châu Âu duy nhất trong top 10 - tăng 6,6% lên 24 tỷ USD.
Doanh số bán hàng của các công ty Pháp giảm 7,7% do lượng máy bay chiến đấu Rafale được giao bởi Dassault giảm, theo nguồn tin của nhóm nghiên cứu.
Nhà sản xuất vũ khí Thales cũng chứng kiến doanh số bán hàng giảm 5,8%, họ cho rằng nguyên nhân của sự gián đoạn là do đại dịch gây ra. Nhiều công ty khác cũng ghi nhận sự gián đoạn chuỗi cung ứng và trì hoãn giao hàng.
Trong khi đó, doanh số bán vũ khí của Nga đã giảm trong ba năm liên tiếp, SIPRI cho biết.
Tổng doanh thu của 9 công ty Nga được xếp hạng trong top 100 giảm từ 28,2 tỷ USD năm 2019 xuống 26,4 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh số bán vũ khí của 100 công ty hàng đầu.
Những quốc gia khác có các công ty bán vũ khí nằm trong top 100 bao gồm Israel, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Doanh số bán hàng tại bốn công ty Hàn Quốc đã tăng 4,6% từ năm 2019 lên 6,5 tỷ USD vào năm 2020, nhóm nghiên cứu cho biết.