Clip: Khu rừng lim xanh cổ thụ hàng trăm tuổi ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Kỳ bí rừng lim xanh giữa vựa lúa xứ Nghệ
Khu rừng lim xanh gần 20ha thuộc xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, mọc lên giữa những cánh đồng lúa mênh mông, trù phú, được ví như "lá phổi", niềm tự hào của người dân trong huyện, ngoài tỉnh.
Càng tiến sâu vào khu rừng lim xanh chứng kiến nhiều cây lim cổ thụ, thân, cành bám nhiều rêu mốc, buôn tán cây rộng khắp một vùng làm cho khu rừng trở nên uy nghi, hùng vĩ.
Trong khu rừng lim xanh có Đền Cả thờ thần khai khẩn Nguyễn Đức Chỉ (thời nhà Lê) được nhà vua sắc phong "Công đức huyền trứ Dực Bảo Trung – Hưng Trung – Đẳng Thần".
Từ một vùn đất ít dòng họ, ít người, đến nay toàn xã có 32 dòng họ với hơn 1,5 vạn dân sinh sống quây quần quanh núi Tháp Lĩnh. Dưới chân núi có chùa Tháp, đền thờ "Song đồng ngọc nữ", Đình Mõ, Đài tưởng niệm.
Phía Tây có Động Huyệt (theo Đại Nam nhất thống chí, trên núi có huyệt Vương Mẫu, nơi an táng của mẹ Đại Vương Lê Song Ngân con vua Lê Đại Hành.
Phía sau núi là Động Đăng, hòn Nghè, hòn Phượng, hòn Vót những địa danh lịch sử, nơi cụ Nguyễn Xuân Ôn thường hội họp bàn mưu với các tướng sĩ để đánh thực dân Pháp.
Khe Lân bắt nguồn từ chân động Mồng Gà chảy qua núi Tháp Lĩnh uốn vòng quanh các xóm: Thọ Trà, Đông Sơn, Trần Phú, Trung Nam, Đông Phú…đem thêm phù sa, mùn núi về bồi đắp cho nhiều cánh đồng.
Từ thời Lê đến đời Nguyễn, riêng bốn phía Trên, Ngoài, Nam, Giữa xung quanh núi Tháp Lĩnh có 11 người đậu cử nhân, 90 người đậu tú tài, trong đó có 2 Thượng tướng quân là ông Tự Pháp Thị (ông tổ họ Nguyễn Viết) và ông Phan Ngọc Đệ (ông tổ họ Phan Ngọc), 19 tướng quân được các triều đại vua phong sắc, ban thượng lọng vàng và lệnh bài bất khả xâm phạm (hiện nay kỷ vật đó vẫn còn lưu giữ).
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn đế quốc xâm lược Mỹ, sân đình Mõ dưới chân núi Tháp Lĩnh là nơi tiễn đưa gần 3.000 thanh niên trong xã lên đường nhập ngũ.
Hơn 146 liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại các chiến trường, 8 bà mẹ được Nhà nước phong tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trên 1.000 cán bộ, bộ đội và gần 700 gia đình được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại đã nói lên sự anh dũng hy sinh to lớn của nhân dân xã Hậu Thành.
Cụ Mai Huy Định (cao niên làng Đông Thượng), cho biết: "Theo thời xa xưa tu tạo, các bậc tiên linh nhận thấy đây là vùng đất sơn thủy hữu tình, có núi Tháp Lĩnh linh thiêng, nên đã khai dân lập ấp ở đây. Nguyên sinh vùng đất đã có rất nhiều cây lim nhỏ, được chăm sóc, bảo vệ nên rừng lim phát triển tốt, tồn tại cho đến bây giờ.
Hiện nay, trong rừng có hơn một nghìn cây lim xanh lớn nhỏ, rất nhiều cây đường kính lớn, được xem là "báu vật" còn sót lại trong khu rừng nguyên sinh ở xã đồng bằng này".
Theo Cụ Mai Huy Định, người dân sống ở đây cũng không nhớ rõ những cây lim xanh cổ thụ bao nhiêu tuổi, vẫn thường gọi rừng lim xanh nghìn tuổi. Sự tồn tại hàng nghìn cây lim xanh ở núi Tháp Lĩnh như một minh chứng cho sức sống kỳ diệu, gắn kết bền chặt, tinh thần lao động hăng say của người dân trong vùng".
Báu vật cần được bảo tồn
Khu rừng lim xanh trở thành chốn "cấm sơn", người dân ở đây có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ "báu vật" cha ông để lại. Theo hương ước của làng, "hễ ai chặt một cây ở núi Tháp Lĩnh thì bị phạt và phải trồng lại 10 cây".
Năm 1885, bọn tay sai thực dân Pháp nhiều lần cho người lên núi phá hoại, chặt cây nhưng bị dân làng Đức Hậu đấu tranh quyết liệt.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, giặc điên cuồng bắn phá miền Bắc, núi Tháp Lĩnh là nơi dừng chân cho nhiều đơn vị bộ đội trên đường đi vào giải phóng miền Nam. Trong chiến tranh ác liệt, nơi đây cũng là giảng đường cho khoa Toán trường Đại học Vinh để sinh viên học tập suốt cả thời gian sơ tán.
Nhằm mục đích bảo vệ và bảo tồn nguồn gen tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của rừng, bảo vệ các di sản văn hóa. Hàng nghìn cây lim xanh cổ thụ, và hàng trăm loại cây quý hiếm trong núi Tháp Lĩnh với tổng diện tích 13,7ha, được quy vào rừng đặc dụng (loại rừng để bảo tồn thiên nhiên).
Đầu năm 2001, chào mừng thiên niên kỷ mới, hội người cao tuổi xã Hậu Thành đã tổ chức cho tổ bảo vệ đi thu nhặt được hàng ngàn hạt cây lim xanh rụng xuống cho vào bầu và ươm được hơn 1000 cây. Các đoàn thể còn tổ chức làm cỏ tỉa nhánh, chăm sóc để rừng lim phát triển tốt.
Ông Mai Huy Chân (61 tuổi, cán bộ lâm nghiệp xã Hậu Thành) hơn 20 năm bảo vệ núi khu rừng lim, chia sẻ: "Tôi gắn bó với công việc bảo vệ rừng lim nguyên sinh của xã hơn 10 năm rồi. Ngày nào không lên với rừng lim dạo một vòng là nhớ không chịu nổi, bảo vệ rừng lim là bảo vệ tài sản của cha ông để lại. Các bậc tiên linh luôn phù hộ, che chở cho con cháu trong dòng họ khỏe mạnh, làm ăn phát đạt".
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Chính – Chủ tịch UBND xã Hậu Thành, cho biết: "Khu rừng lim được ví như "lá phổi" của xã Hậu Thành, không khí trong lành, cấp nước, thảm thực vật mà còn nguồn sống của người dân nơi đây.
Công tác chăm sóc, bảo vệ khu rừng lim xanh được các đoàn thể tham gia dọn dẹp, phát quang hàng năm. Xác định khu rừng lim là tài sản vô giá, các nghị quyết của xã nghiêm cấm khai thác gỗ trên núi. Núi Tháp Lĩnh còn rất hoang sơ, nguyên sinh, nếu được các cấp quan tâm thì nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng".
Năm 1885, thực dân Pháp nhiều lần cho người lên để phá hoại núi Tháp Lĩnh, nhưng bị nhân dân làng Đức Hậu đấu tranh quyết liệt, chúng phải thừa nhận hương ước của làng: "Hễ ai chặt một cây ở núi Tháp Lĩnh thì bị phạt và phải trồng lại 10 cây". Từ đó, núi Tháp Lĩnh ngày một xanh tươi. Trong phong trào văn thân, núi Tháp Lĩnh là nơi hội tụ các sĩ phu yêu nước.