Đám ma của người Mông Sơn La: Treo người chết giữa nhà, thịt trâu ăn 7 ngày chưa hết thối cả bản
Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La (Bài 1): Treo người chết giữa nhà, thịt trâu ăn 7 ngày không hết
Mùa Xuân - Tuệ Linh
Thứ năm, ngày 14/10/2021 06:04 AM (GMT+7)
Những hủ tục lạc hậu trong ma chay của đồng bào Mông ở Sơn La như treo người chết trong nhà nhiều ngày, không cho thi thể vào quan tài mà chỉ quấn vải, mổ nhiều trâu, bò, lợn để làm ma; bắn súng báo hiệu... đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nếp sống mới văn minh...
Clip: Ông Và Sái Di nói về những hủ tục lạc hậu trong ma chay của đồng bào Mông ở bản Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Trong cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam, người Mông vốn là dân tộc có những tập tục, tín ngưỡng sâu sắc.
Trong nghi lễ ma chay, người Mông luôn phải phục tùng những tục lệ của dòng họ, bản làng vốn từ tổ tiên, ông bà để lại. Vì thế, một số hủ tục lạc hậu trong tang lễ của người Mông như treo người chết trong nhà nhiều ngày, mổ nhiều trâu bò; bắn súng báo hiệu...nhất là việc không cho người đã chết vào quan tài sau khi liệm... vẫn còn đeo bám tộc người này đến tận bây giờ.
Co Mạ là một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Nơi đây có 16 bản Mông, 1.147 hộ, hơn 6.000 nhân khẩu; với các dòng họ: Và, Vừ, Vì, Sùng, Lầu…
Nói về một số hủ tục trong nghi lễ ma chay của dòng họ Và ở bản Co Mạ, già bản Và Sái Di, 80 tuổi, bản Co Mạ (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), chớp chớp đôi mắt đã già nua, nhìn về xa xăm, kể: Trước kia, người Mông vốn ưa sinh sống ở vùng núi cao, thích di cư tự do nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả. Và các nghi lễ, trong đó có nghi lễ ma chay cũ kỹ, lỗi thời đến nay vẫn khó mà thay đổi được.
Theo phong tục của người Mông, sau khi gia đình có người chết, gia chủ sẽ tiến hành bắn 3 phát súng kíp lên trời để thông báo gia đình có chuyện buồn. Tiếp đó, con cháu sẽ tiến hành rửa mặt, tay, chân, mặc quần áo mới cho người chết và đặt lên chiếc cáng (người Mông gọi là con ngựa) treo ở giữa nhà.
Giải thích lý do bắn súng kíp với chúng tôi, ông Di bảo: Theo lời các cụ kể lại, cách đây hàng nghìn năm, người Mông là tộc người Miêu sinh sống ở phía Bắc sông Hoàng Hà (Trung Quốc). Sau đó bị quân Hán đánh chiếm lãnh thổ và di cư về các tỉnh Đông Bắc Việt Nam.
Trong quá trình di cư, người Mông vừa tổ chức ma chay cho người chết vừa dùng súng chống trả sự truy đuổi của quân Hán. Từ đó đến nay, người Mông vẫn duy trì việc bắn súng mỗi khi có người mất.
Ông Di cho biết thêm: Mặc dù tỉnh Sơn La đã có cam kết "5 có, 5 không" từ năm 2007 nhưng đến nay những hủ tục lạc hậu trong việc tổ chức ma chay của cộng đồng người Mông vẫn còn đó. Bởi, những hủ tục này nó đã ăn sâu vào tâm thức của người Mông.
Theo phong tục của người Mông, mỗi khi gia đình có người chết, nhất là những người cao tuổi thì phải thông báo đến những người thân trong gia đình đến tổ chức đám tang, đặc biệt là bà cô và ông cậu. Bởi, bà cô, ông cậu chính là người mổ trâu, mổ bò để tiễn người chết về với tổ tiên.
Đồng bào Mông quan niệm, khi gia đình có người chết, nhất là những người già thì mổ trâu bò càng nhiều càng tốt. Có như vậy, người mất khi sang thế giới bên kia với tổ tiên, ông bà mới có cuộc sống ấm no, sung túc.
Theo ông Di, đối với dòng họ Và ở bản Co Mạ, việc đưa người mất vào quan tài hiện nay vẫn chưa thực hiện được và còn nhiều gian nan.
Vì trưởng dòng họ, già làng – những người nắm chắc phong tục tang ma của người Mông không thích làm như vậy. Họ bảo, từ bao đời nay, người Mông chưa có trường hợp nào đưa thi thể người chết vào quan tài. Nếu làm trái, tổ tiên sẽ về gây bệnh tật, chết chóc cho con cho cháu.
Bà Vừ Thị Xinh, bản Cửa Rừng, xã Co Mạ, chia sẻ: Xuất phát từ hủ tục khi có người chết mổ càng nhiều trâu bò thì khi về với tổ tiên sẽ được ăn sung, mặc sướng. Năm 1989, bố chồng tôi mất, gia đình mổ 7 con bò đực to và 2 con trâu mộng.
Lý do là khi còn sống, bố chồng tôi có công nuôi dưỡng và lấy vợ cho 3 ông chú. Khi bố mất, 3 ông chú mỗi người người dắt một con bò đực đến mổ để tỏ lòng thành kính và báo hiếu với bố. 4 con trâu bò còn lại là của con trai và con rể.
Bên cạnh việc mổ nhiều trâu bò, thời gian để tang bố bà Xinh cũng kéo dài gần một tuần. Thời điểm đó, chưa cho vào quan tài nên thi thể được đặt lên chiếc cáng gỗ lót bằng vải lanh treo giữa nhà. Do để lâu ngày nên khi thi thể phân huỷ ruồi nhặng bay vo ve, gây mùi hôi nồng nặc.
Theo bà Xinh, thịt trâu bò treo đầy nhà ăn bao nhiêu cũng không hết. Thời đấy, chưa biết bảo quản nên sau khi tổ chức tang cho bố xong, thịt trâu bò phân huỷ gây mùi xú uế cho cả bản 1 tuần trời; vừa ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí.
Thành con nợ sau đám tang cho bố
Chia tay đồng bào Mông ở xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, chúng tôi tìm về bản Mông Sơn Tra của xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Trò chuyện với ông Hờ A Của, 60 tuổi, bản Sơn Tra, chúng tôi được biết: Trong việc ma chay, người Mông rất kính trọng bà cô và ông cậu. Khi bố mẹ mất, bà cô, ông cậu lên thăm mà không có trâu bò mổ thì các con, các cháu bị chỉ trích rất nhiều.
Trước đây, vì nghe theo trưởng dòng họ và bà cô trong việc tổ chức tang lễ cho bố ông Của nên bắt buộc phải tìm 2 con trâu mộng, 1 con bò để mổ.
Tuy nhiên, do gia đình thuộc diện nghèo khổ nhất trong bản nên vợ chồng ông Của không biết kiếm trâu bò ở đâu mổ cúng ma cho bố. Trong khi đó, bà cô của ông Của (em gái ruột của bố - người rất có quyền lực trong gia đình) yêu cầu ông Của: Khi nào tìm được trâu, bò cúng ma thì mới được tổ chức tang lễ và chôn cất.
"Vợ chồng tôi chạy khắp nơi vay mượn, cuối cùng cũng gom đủ tiền mua 2 con trâu và 1 con bò. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến đám tang của bố tôi kéo dài trong 7 ngày mới chôn cất. Lo đám tang xong, vợ chồng tôi lại phải trở thành những con nợ".
Bà Mùa Thị Sâu (vợ ông Của) thì bảo: Để có tiền trả nợ, 2 vợ chồng tôi phải mất khoảng 2 năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trồng lúa, trồng thuốc phiện (hồi đó Nhà nước vẫn chưa cấm –PV). Đối với nhiều người, quãng thời gian 2 năm có thể ngắn, nhưng đối với vợ chồng tôi mà nói đó là những ngày tháng nhịn đói, nhịn khát, ăn củ sắn, củ mài mới tích góp đủ tiền trả nợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì hủ tục lạc hậu trong ma chay của người Mông, ngoài gia đình ông Của, còn có rất nhiều hộ gia đình khác ở vùng cao cũng trở thành con nợ sau khi ông bà, bố mẹ mất.
Hãy sống vì người sống…. đừng sống vì người chết
Tiếp tục xuôi về khu du lịch quốc gia Mộc Châu (Sơn La), chúng tôi được chàng thanh niên dân tộc Mông Pùa A Vư, sinh năm 1992, bản Căng Tỵ, xã Chiềng Khừa kể về đám tang người nghèo và đám tang người giàu ở Sơn La.
A Vư, thật thà chia sẻ: Năm 2009, bố tôi là ông Pùa Láo Sang mất, gia đình mổ 4 con bò, 1 con trâu, giá trị khoảng 100 triệu đồng; để tang 5 ngày. Mỗi ngày mổ 3 con lợn, mỗi con nặng 20 kg, với giá 80.000 đồng, hết 24 triệu đồng/5 ngày.
Đám tang có khoảng 150 người tham gia, chi phí ăn uống một ngày hết gần 4 triệu đồng; trong 5 ngày hết gần 19 triệu đồng; cộng một số chi phí khác hết gần 150 triệu đồng. Đây là đám tang người nghèo tổ chức.
Đối với đám tang người giàu theo hướng văn minh, tiến bộ, người ta để tang 2 ngày; cho người mất vào áo quan; không mổ trâu, bò, lợn; người tham dự 150 người nên tổng chi phí bỏ ra chỉ hết khoảng 30 – 40 triệu đồng. So với đám tang người nghèo, tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng.
Theo A Vư, phải mất mấy năm trời lao động mới nuôi được 1 con trâu bò to như vậy. Nhưng đùng một cái, có người mất lại đem mổ hết. Nếu bán 4 – 5 con trâu bò này sẽ có được một số vốn khá lớn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
"Giờ ngẫm lại, tôi chỉ thấy tiếc cho đàn trâu bò phải đem mổ làm ma và những người đầu tư chăn nuôi chúng. Bởi số trâu bò này có thể cứu được cuộc sống nghèo khổ của cả một gia đình. Mọi người hãy sống vì người sống, nhất là thế hệ trẻ bây giờ, chứ đừng sống vì người chết. Hãy học theo những cái tiến bộ của xã hội; thực hiện nếp sống văn hoá trong việc ma chay một cách văn minh, tiết kiệm. Chỉ có như vậy, cuộc sống đồng bào Mông mới đuổi kịp các dân tộc khác được", A Vư nói.
Theo tìm hiểu, năm 2020, bác của A Vư mất. Theo tục ma chay của người Mông, gia đình cũng mổ 4 con trâu mộng cộng với vài con bò, lợn....Thời gian để tang cũng lâu như khi bố A Vư mất. Hôm đó, thời tiết nóng bức, thi thể phân huỷ nên mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu.
Mặc dù, trước đó, A Vư đã nhiều lần "đấu tranh tư tưởng" với trưởng dòng họ, già làng, thầy cúng trong bản về việc tổ chức 1 đám tang văn minh, tiết kiệm cho bác nhưng mọi người vẫn không nghe theo. Bởi, đối với người Mông, trưởng dòng họ và thầy cúng là những người có quyền lực trong tổ chức ma chay, nên mỗi khi họ không đồng ý thì không một ai dám làm trái lệnh.
Là một trong những lớp trẻ được học hành bài bản, A Vư mong muốn thế hệ trẻ hiện nay phải cùng nhau đoàn kết trong nhận thức và hành động; tích cực tuyên truyền, vận động ông bà, bố mẹ xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, như: Mổ nhiều trâu, bò; không đưa người đã chết vào áo quan; để tang 5- 6 ngày đến ngày tốt mới đưa đi chôn... Nếu chỉ một mình A Vư quyết tâm đấu tranh thì những hủ tục này sẽ mãi mãi không được loại bỏ….
Vui lòng nhập nội dung bình luận.