Nghệ sĩ Ưu tú- nhạc sĩ Amư Nhân kể chuyện mang làn điệu dân ca Chăm ra xứ Nghệ và đạt huy chương vàng... - Ảnh 1.

Các sáng tác âm nhạc của  Nghệ sĩ Ưu tú- nhạc sĩ Amư Nhân ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi gắn với không gian của làng Chăm quyến rũ tâm hồn của người thưởng thức...

Hầu hết bà con người Chăm ở Việt Nam và nước ngoài đều biết đến ca khúc "Làng Chăm ơn Bác". Ca từ và giai điệu bài hát rất gần gũi với đời sống thực tế, thể hiện tình cảm tha thiết của đồng bào Chăm đến Bác Hồ trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. 

Nhiều người nhớ nhất là đoạn: "Người đã đem vinh quang cho nước non, công ơn trên như núi cao biển sâu khắc ghi ngàn năm. Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam, Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm".

Một ngày đầu tháng 10/2021, bên dòng sông Dinh thơ mộng của vùng đất Phan Rang – Tháp Chàm đầy nắng và gió, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Nghệ sỹ ưu tú, nhạc sĩ Amư Nhân về những bài hát do ông sáng tác tại nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình ở làng Chăm tỉnh Ninh Thuận.  

Nghệ sĩ Ưu tú- nhạc sĩ Amư Nhân kể chuyện mang làn điệu dân ca Chăm ra xứ Nghệ và đạt huy chương vàng... - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Amư Nhân tại nhà riêng tại TP Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Thái Sơn Ngọc

Ca khúc Làng Chăm ơn Bác ra đời lúc nào thưa nhạc sỹ?

Vào những năm 1980, tôi là cán bộ phong trào văn nghệ quần chúng của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Phước (tỉnh Thuận Hải cũ nay là Bình Thuận - Ninh Thuận). 

Lúc này, tôi có biết chút ít nhạc lý căn bản do mày mò tự học, tự nghiên cứu và có tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác ngắn hạn tại tỉnh Đắc Lắc do các nhạc sĩ từ Hà Nội vào truyền dạy. 

Tôi "tập tò" viết một vài ca khúc như Làng Phú Nhuận, Hát về xã Phước Thuận, nơi tôi sinh ra lớn lên để thể nghiệm khả năng sáng tác của mình nhưng không thành công.

Năm 1985, là năm đáng nhớ trong cuộc đời tôi, tạo nên bước ngoặt diệu kỳ đối với một thanh niên dân tộc Chăm như tôi với cháy bỏng khát vọng sáng tác âm nhạc. Lúc ấy, tôi được chú Nguyễn Đình Chương (lãnh đạo Ngành Văn hóa- Thông tin của tỉnh Thuận Hải cũ) gặp và động viên tôi sáng tác ca khúc về người Chăm với lòng kính trọng, biết ơn Bác Hồ. 

Từ trong sâu thẳm tấm lòng một người thanh niên dân tộc Chăm như tôi hiểu rõ và ghi nhớ công lao vĩ đại của Bác Hồ đối với sự nghiệp giải phóng, đưa dân tộc thoát khỏi ách áp bức, cảnh lầm than, đem cuộc sống tự do, no ấm về cho cả dân tộc Việt Nam...

Nhưng tôi trăn trở mãi và không biết phải bắt đầu từ đâu, viết như thế nào để thông qua ngôn ngữ âm nhạc, nói lên được tấm lòng của đồng bào Chăm đối với Bác Hồ.

Video: Nhạc sĩ Amư Nhân có công lớn khi đưa âm nhạc truyền thống của người Chăm đến giới trẻ. Thực hiện: Đức Cường-Xuân Duy.  

Sau nhiều tháng trăn trở, tôi đã "nhập tâm" viết nên ca khúc Làng Chăm ơn Bác. Mở đầu bằng giọng ngâm mang tính tự sự của người thanh niên trẻ làng Chăm: "Từ làng Chăm xa xôi, nay con về thăm quê Bác. Nghe trong lòng bao thương nhớ. Ôi mang nặng tình Bác trong tim. Người đã đem vinh quang cho nước non. Công ơn trên như núi cao biển sâu khắc ghi ngàn năm".

Đoạn thứ hai viết giai điệu anh hùng ca như vó ngựa phi:"Nhớ lời Bác gìn giữ quê hương nòi giống. Ánh dương rạng rỡ tổ quốc gấm vóc non sông. Người Chăm luôn ghi nhớ ơn của Bác Hồ vĩ đại. Nhìn về tương lai muôn niềm tin dâng tràn ước mơ. Hòa bài ca chiến thắng. Nam Bắc yêu thương thiết tha".

Đoạn thứ ba cao trào thể hiện tình cảm tha thiết của đồng bào Chăm đối với công ơn Bác Hồ: "Độc lập- Tự do lời Bác gọi thống nhất đất nước cùng dựng xây quê hương vang khắp thế giới trong trái tim của nhân loại. Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam. Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm".

Khi tôi hát thử cho bà con làng Chăm nghe, ai cũng thích!

Nghệ sĩ Ưu tú- nhạc sĩ Amư Nhân kể chuyện mang làn điệu dân ca Chăm ra xứ Nghệ và đạt huy chương vàng... - Ảnh 4.

Nhạc sĩ có thể giải thích sâu hơn về giai điệu dân ca Chăm trong ca khúc này? 

Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật ở làng Phú Nhuận thuộc xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tuổi thơ tôi đắm mình trong điệu kèn Saranai, tiếng trống Ghi năng, trống Paranưng của người Chăm. 

Cha tôi là nghệ sĩ Lộ Sung, chuyên trống Ghi năng và cậu ruột là nghệ nhân Hán Văn Tiểu cũng là tay trống Paranưng nổi tiếng khắp vùng. Đây là hai nghệ nhân trống tiêu biểu của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận được mời đi biểu diễn ở khắp các tỉnh miền Nam trước 1975... 

Thuở bé, tôi đã biết đánh trống Ghi năng, trống Paranưng với niềm đam mê âm nhạc dân tộc Chăm của mình. Những dịp lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng của người Chăm như lễ hội Katê, lễ hội thả diều và các nghi lễ cúng thần linh của đồng bào Chăm, đã thấm vào da thịt tôi. Đặc biệt, tôi rất yêu thích ảnh các vị lớn tuổi trong các lễ hội vừa đàn Kanhi (đàn nhị mai rùa còn gọi là đàn kò ke) vừa hát các bài hát mang âm điệu dân ca Chăm truyền thống, có nội dung ngợi ca công ơn của các vị thần đối với người Chăm. 

Khi nghiền ngẫm tìm cảm hứng viết ca khúc về Bác Hồ, tôi đã phát triển trên nền điệu Chay Kathun và đàn nhị mai rùa để sáng tác ca khúc Làng Chăm ơn Bác. Và tôi rất vui ca khúc này được bà con người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận (Thuận Hải cũ) đón nhận và truyền miệng nhau hát khắp xóm làng...

img
img
img

Nhạc sĩ Amư Nhân. Ảnh: Thái Sơn Ngọc

Ca khúc Làng Chăm ơn Bác được công chúng đón nhận ra sao ở quê hương Bác Hồ? 

Tại Hội diễn tiếng hát Làng Sen tổ chức lần thứ Nhất tại thành phố Vinh nhân dịp kỷ niệm 95 năm sinh nhật Bác Hồ, tháng 5/1985, tôi bước ra sân khấu trong trang phục truyền thống dân tộc Chăm và trình bày ca khúc Làng Chăm ơn Bác. Khán giả lúc này đông lắm, ban đầu tôi cũng hơi lo nhưng tôi hát với lòng kính trọng, tận đáy lòng mình và niềm cảm xúc dâng trào bằng song ngữ Chăm - Việt. 

Nghệ sĩ Ưu tú- nhạc sĩ Amư Nhân kể chuyện mang làn điệu dân ca Chăm ra xứ Nghệ và đạt huy chương vàng... - Ảnh 6.

Khi bài hát khép lại trong tiết tấu thiết tha, nhưng trào dâng sức sống mạnh mẽ:"Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam. Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm". Khán giả vỗ tay tán thưởng, vang dội cả hội trường. Ca khúc này nhận được Huy chương vàng của Ban Tổ chức Hội diễn và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ. 

Sau sự thành công đó, đầu năm 1986, tôi được mời tham gia cùng đoàn ca nhạc Mùa Thu sang Cu-Ba và một số nước khác có đông kiều bào sinh sống biểu diễn. Bà con Việt kiều sinh sống ở làng Bến Tre (ngoại ô La Habana - Cu-Ba) không cầm được nước mắt trong nỗi niềm thương nhớ Bác Hồ khi nghe tôi hát Làng Chăm ơn Bác bằng song ngữ Chăm - Việt.

Ngoài tác phẩm Làng Chăm ơn Bác, ông còn ca khúc nào viết về Bác Hồ?

Sau khi viết tác phẩm Làng Chăm ơn Bác dựa trên nền tảng dân ca Chăm, tôi tiếp tục nghiên cứu sáng tác ca khúc Âm vang Dục Thanh. Được viết về Bác Hồ kính yêu là niềm hạnh phúc lớn lao của văn nghệ sĩ trong cả nước. Đây là tác phẩm được tôi viết trong tình cảm của người dân Việt Nam nhớ hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại Phan Thiết trước khi lên tàu tìm đường cứu nước đem tự do no ấm về cho dân tộc Việt Nam.

Ca khúc này được tôi viết bằng chất liệu âm nhạc hiện đại, điệu slow tiết tấu tha thiết thể hiện nỗi nhớ niềm thương Bác Hồ: "Trường Dục Thanh năm tháng vang vọng lời Người. In dấu chân Bác về biển xanh nơi miền duyên hải. Người dạy trang sử xanh cho tuổi thơ. Đời Người như đóa hoa sen tỏa hương ngạt ngào. Quê hương tôi nghe sóng biển ru son sắt vẹn tình lòng dân thiết tha thương nhớ khôn nguôi ôm ấp tình Người nơi trường Dục Thanh chân Bác lưu danh…"

Nghệ sĩ Ưu tú- nhạc sĩ Amư Nhân kể chuyện mang làn điệu dân ca Chăm ra xứ Nghệ và đạt huy chương vàng... - Ảnh 7.

Từ nhạc sĩ không chuyên, ông đã nỗ lực học tập sáng tác trở nhạc sĩ chuyên nghiệp, con đường đi chắc nhiều gian nan?

Sau nhiều năm "mày mò" tự học nghiên cứu sáng tác có một vài tác phẩm được công chúng yêu thích đến năm 1991, tôi chính thức trở thành sinh viên khoa sáng tác của Nhạc viện TP.HCM. Có kinh nghiệm từ thực tiễn sáng tác nay được quý thầy cô tận tâm truyền đạt kiến thức căn bản về nhạc lý giúp tôi tiếp thu tốt chương trình học tập.

Trong thời gian học đại học, tôi tham gia Nhóm ca nhạc dân tộc Bách Việt do Nghệ sĩ Ngọc Yến làm chủ nhóm, có các ca sĩ Nhất Sinh, Ngọc Diệp, Văn Tài, Kim Phụng…biểu diễn âm nhạc tại sân khấu Bách Tùng Diệp ở quận 1, TP.HCM. Qua đó giúp tôi có cơ hội áp dụng chương trình học tập vào thực tiễn sáng tác, biểu diễn tại các sân khấu chuyên nghiệp của TP.HCM. 

Trong điều kiện cuộc sống gia đình khó khăn, nhờ một tay người vợ hiền vén khéo tần tảo nuôi con giúp tôi chuyên tâm học tập, tốt nghiệp cử nhân âm nhạc năm 1996. Từ người hoạt động âm nhạc nghiệp dư ở tỉnh Ninh Thuận, tôi được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1990 và chính thức hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.


Nghệ sĩ Ưu tú- Nhạc sĩ Amư Nhân: Người đưa làng điệu dân ca Chăm vang xa thế giới - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Amư Nhân và nhà báo Thái Sơn Ngọc viếng Tháp Pô Klong-Garai ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận. Ảnh NVCC

Ông nghĩ gì về nhạc cụ và nền tảng âm nhạc truyền thống của dân tộc Chăm trong thời đại hiện nay?

Nhìn lại kết quả sáng tác của cá nhân tôi cũng như các nhạc sĩ dân tộc Chăm hiện nay thì chưa "thấm tháp" gì so với gia tài đồ sộ của nền âm nhạc dân gian do ông bà xưa truyền lại. 

Tôi đã dày công nghiên cứu ký âm trên 75 điệu trống ghi năng có tên gọi tiết tấu biểu diễn riêng biệt và trên 20 làn điệu dân ca Chăm và rất nhiều bài nhạc lễ truyền thống như Ramưwan, Ka tê, thả diều, lễ cúng đầu năm mới…

Tôi cũng đã nghiên cứu và sáng tác khí nhạc dân tộc là độc tấu cho đàn Kanhi và kèn Saranai có thể dàn dựng biểu diễn thính phòng hoặc cho sân khấu chuyên nghiệp. Tôi đang hoàn thiện và cho xuất bản công trình nghiên cứu này để phổ biến rộng rãi trong đồng bào Chăm gìn giữ nền âm nhạc truyền thống rực rỡ của dân tộc mình. 

Đồng thời tôi định hướng cho con trai là Nhạc sĩ Inư Tuấn đã tốt nghiệp khoa sáng tác tại Nhạc viện TP.HCM tiếp tục đi theo con đường sáng tác của tôi. Tương lai, con trai tôi cũng sẽ nghiên cứu và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm và bảo tồn âm nhạc của đồng bào mình, đưa các làn điệu dân ca Chăm vang xa hơn nữa. 


Nghệ sĩ Ưu tú- nhạc sĩ Amư Nhân kể chuyện mang làn điệu dân ca Chăm ra xứ Nghệ và đạt huy chương vàng... - Ảnh 5.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tặng bằng Nghệ sĩ Ưu tú cho nhạc sĩ Amư Nhân. Ảnh: Thái Sơn Ngọc

Riêng về nhạc cụ của người Chăm, tôi thích đàn Kanhi bởi đàn này làm bằng mai rùa và bịt bằng da trăn. Hai dây đàn được làm bằng những sợi tơ mong manh. Cần đàn làm bằng ống tre nhỏ không mắt, không gai dài khoảng 60 cm. Phần trên cần đàn có 2 thanh gỗ nhỏ giữ chức năng lên dây đàn và phần dưới được cắm vào mai rùa. 

Có lẽ do cộng hưởng giữa mai rùa và dây đàn làm bằng sợi tơ nên đàn Kanhi có âm hưởng ấm, vang xa. Nó thường giữ vai trò nhạc đệm cho các vị thầy là chủ lễ hát trong các lễ hội dân gian Chăm. Còn điệu Chay Kathun có tiết tấu rộn ràng, mạnh mẽ, hùng hồn, khiến cho người nghe liên tưởng đến hình ảnh người anh hùng mặc chiến bào, tay cầm đao ngồi trên lưng ngựa xông pha trận mạc. 

Hầu hết những lời trong bài hát truyền thống của người Chăm đều ca ngợi công đức của các bậc hiền nhân đã có công khẩn hoang, lập ấp; Dạy nhân dân đoàn kết chăm lo cấy cày, dẫn thuỷ nhập điền, trồng bông dệt vải, chăn nuôi gia súc tạo lập cuộc sống ấm no thanh bình cho cộng đồng dân cư. Đàn Kanhi và điệu Kathun không thể thiếu trong hệ thống nhạc lễ của người Chăm từ xưa đến nay...

Cám ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này và chúc ông thành công trong thời gian tới...    

Nghệ sĩ Ưu tú- nhạc sĩ Amư Nhân kể chuyện mang làn điệu dân ca Chăm ra xứ Nghệ và đạt huy chương vàng... - Ảnh 10.

Lời bài hát Làng Chăm ơn Bác.

Từ làng Chăm xa xôi, nay con về thăm quê Bác. Nghe trong lòng bao thương nhớ, Ôi mang nặng tình bác trong tim. Người đã. đem vinh quang cho nước non. Công ơn trên như núi cao biển sâu, Khắc ghi ngàn năm. Nhớ lời Bác gìn giữ quê hương nòi giống. Ánh dương rạng rỡ Tổ Quốc gấm vóc non sông. Người Chăm luôn ghi nhớ ơn của Bác Hồ vĩ đại. Nhìn về tương lai muôn niềm tin dâng tràn ước mơ. Hòa bài ca chiến thắng Nam Bắc yêu thương thiết tha. Độc lập tự do lời Bác gọi thống nhất đất nước Cùng dựng xây quê hương. Vang khắp thế giới. Trong trái tim của nhân loại! Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam! Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm…

                                     

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem