Theo đó, mục tiêu của hợp tác là hỗ trợ cải thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và các bệnh dịch phổ biến khác trong chăn nuôi lợn, góp phần đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường nội địa, hướng tới xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn sinh học, không dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi Việt Nam vẫn còn không ít những tồn tại, bất cập đó là chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, an toàn thực phẩm, môi trường còn nhiều rủi ro, năng suất chăn nuôi thấp, chế biến còn hạn chế, giá thành sản phẩm vẫn còn cao...
Trong đó, dịch tả lợn châu Phi là một bệnh xuất huyết gây tử vong cao ở các loài dễ mắc bệnh thuộc họ Lợn, bao gồm lợn nuôi và lợn rừng. Hiện tại, vẫn chưa có vaccine hiệu quả để bảo vệ lợn khỏi căn bệnh này.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên và tranh thủ thời cơ thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, ngành chăn nuôi phải khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành phù hợp hơn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Trong đó cần tăng cường giải pháp tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường trong chăn nuôi bằng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn...
"Bộ NNPTNT thấy được vai trò rất lớn của các đối tác quốc tế như OIE, JICA... đặc biệt là Tổ chức IFC thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), từ lâu đã có rất nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ ngành chăn nuôi Việt Nam, như: hỗ trợ tài chính, đào tạo chuyên gia, hợp tác nghiên cứu khoa học, đầu tư và trao đổi kỹ thuật, con giống...", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Bộ NNPTNT và IFC sẽ đưa ra khuôn khổ hợp tác, xác định rõ mục tiêu hỗ trợ cải thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao năng lực triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và các bệnh dịch phổ biến khác trong chăn nuôi lợn, góp phần đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường nội địa, hướng tới xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn sinh học hướng tới xuất khẩu.
Tại buổi lễ, bà Rana Karashesg, Giám đốc Vùng Châu Á - Thái Bình Dương của IFC phụ trách lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ cho biết ngành chăn nuôi có tiềm năng cao nhưng đang gặp phải nhiều vấn đề khẩn cấp về sức khỏe động vật, trong đó có dịch tả lợn Châu Phi - nguyên nhân tàn phá quần thể chăn nuôi lợn và các ngành công nghiệp thịt lợn trên toàn cầu.
Sự bùng nổ của dịch bệnh tại Việt Nam dẫn đến tiêu hủy hơn 30% số lợn ở các tỉnh chỉ trong 1 năm kể từ năm 2019. Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đáng kể tới sinh kế của nông dân và giá cả thịt lợn.
Biên bản ghi nhớ này là bước quan trọng trong hỗ trợ khu vực để xây dựng nền tảng phục hồi từ dịch tả lợn châu Phi.
IFC sẽ hỗ trợ Bộ NNPTNT tăng cường khung pháp lý cũng như năng lực thể chế của Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và giám sát phòng, chống các dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi trong chăn nuôi lợn.