Vùng đất này của tỉnh Bình Thuận dân ra biển bắt con gì ví như sản vật mà cào mỏi tay, đau mỏi cả lưng?

Thứ năm, ngày 09/12/2021 14:01 PM (GMT+7)
“Ngồi cào mỏi tay, đau nhức lưng lắm chứ chị!”, Minh (xã Vĩnh Hào, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) nói trong tiếng lách cách của tiếng bay va vào sỏi đá khi chị lật từng viên, lượm những con ốc, chem chép bên dưới.
Bình luận 0

Đến xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) hỏi thăm bãi biển xóm 8 thì không ai lạ. Bãi biển không giống như những bãi biển khác trong chiều dài 192 km bờ biển của Bình Thuận. 

Chỉ rộng khoảng vài ha, bề mặt toàn sỏi đá là nơi mưu sinh của không ít chị em trong xã vào những lúc nông nhàn. Biển mênh mông hào phóng không chỉ cho tài nguyên thiên nhiên, lợi ích sức khỏe mà còn cho thực phẩm phong phú chỉ cần bỏ công sức lao động.

Vùng đất này của tỉnh Bình Thuận dân ra biển bắt con gì ví như sản vật mà cào mỏi tay, đau mỏi cả lưng? - Ảnh 1.

Các chị đang cần mẫn mưu sinh bắt ốc, bắt con chem chép trên bãi biển xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Việc bắt ốc, bắt con chem chép trên bãi biển ở đây có từ lâu và đầy ắp khó nhọc. Khi thủy triều xuống bãi biển lộ thiên, là có mặt chị em trong xã. 

“Cứ thủy triều xuống, tụi chị rảnh là ra bãi biển bắt ốc, chem chép. Có khi vào lúc 14 giờ, 16 giờ tùy theo con nước. Hôm nay chị em ít đi bắt vì dịch Covid-19, chứ bữa trước chưa dịch đông lắm”, chị Châu 50 tuổi người dân ở thôn Vĩnh Hải chia sẻ.

Công việc này đòi hỏi siêng năng, cần mẫn vì phải ngồi hàng giờ dưới nắng, gió gay gắt đậm vị mặn của biển cả. Những con ốc, chem chép nằm ẩn dưới những viên sỏi, lẫn vào trong cát bụi nên người bắt dùng một vật bằng sắt như chiếc bay, muỗng cứng, xẻng nhỏ lật từng viên sỏi cào bới tìm.

Ngoài chị Châu thì Minh, Phương còn khá trẻ đều đã có gia đình nhỏ với việc làm khác nhau ở xóm 3, thôn Vĩnh Hải cũng đang bắt ốc, bắt con chem chép ở đây.

Phương buôn bán cá tại chợ Vĩnh Hảo, Minh làm nghề trồng rau, hành. Vào những phiên chợ chiều vắng hoặc rau, hành chưa “đủ tuổi” thu hoạch, tranh thủ cầm xô, rổ, thau, bịch...ra bãi biển. 

Những sản vật thu được là ốc ngựa, ốc gai, ốc ngọt, con chem chép... Cũng như chị em khác, hôm nào bắt được 7 – 8 kg thì Minh bán, còn bắt được ít thì để ăn. 

“Hôm qua em đào được 7 kg, một ít để dành ăn, còn lại em bán được 120.000 đồng”, Minh chia sẻ.  Những sản vật thu được chủ yếu các chị mang về bán lại với giá 20.000 – 40.000 đồng/kg ốc, chem chép các loại.

Theo Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Vĩnh Hải  - Nguyễn Thị Ngọc Bích, ở đây phụ nữ chủ yếu làm nông và làm biển. 

Chị em nhà làm nông thường đến bãi biển kiếm thêm để cải thiện kinh tế gia đình, còn những phụ nữ nhà làm biển thường phụ gỡ cá, đan lưới cho chồng hoặc cha mẹ khi họ trở về từ khơi xa. Với nguồn thu nhập không cao, nhưng góp gió thành bão, giúp chị em phụ nữ xóm biển có thêm khoản chi phí trong gia đình.

Ninh Chinh (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem