Chặt mía bán giá cao, vì sao nông dân tỉnh này lại không có thêm đồng lãi nào?

Thứ năm, ngày 09/12/2021 13:50 PM (GMT+7)
Năm nay, nhà máy đường công bố giá sàn thu mua mía ở tỉnh Hậu Giang với mức 1.180 đồng/kg mía 10 CCS tại cầu cảng, cao hơn khoảng 200 đồng/kg so với năm rồi.
Bình luận 0

Tưởng chừng đây là niềm vui của nông dân trồng mía sau nhiều vụ chờ đợi, tuy nhiên việc nhà máy vào vụ trễ gần 2 tháng khiến cho mía quá lứa thu hoạch làm giảm năng suất và chất lượng, đặc biệt bà con còn mất một vụ hoa màu trên đất mía.

Chặt mía bán giá cao, vì sao nông dân tỉnh Hậu Giang lại không có thêm đồng lãi? - Ảnh 1.

Giá thành sản xuất cao, dù cho nông dân bán mía giá tăng hơn năm rồi, nhưng tính ra nông dân trồng mía tỉnh Hậu Giang cũng không có nhiều lợi nhuận. Ảnh: T.TRÚC

Chi phí tăng, năng suất mía giảm

Đang thu hoạch 12 công mía, giống ROC 16, bán với giá 1.100 đồng/kg, cao hơn năm rồi gần 200 đồng/kg, nhưng nét đượm buồn vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của bà Nguyễn Thị Năm, ở xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Bởi sau nhiều mùa mía chờ đợi và hy vọng giá mía ở mức cao để gỡ gạc lại những thua lỗ trước đây, tuy nhiên đến ngày thu hoạch mía, bà Năm mới vỡ lẽ.

Theo bà Năm, do diện tích mía của gia đình bà xuống giống vào tháng 10 năm rồi, đến nay đã quá lứa thu hoạch gần 2 tháng, khiến cho 70% diện tích mía của gia đình bị trổ cờ, ruột mía bị bọng, năng suất giảm mạnh. Nếu mọi năm số diện tích này cho tổng sản lượng 160 tấn thì năm nay chỉ khoảng 100 tấn là cùng. 

Chặt mía bán giá cao, vì sao nông dân tỉnh Hậu Giang lại không có thêm đồng lãi? - Ảnh 2.

Thu hoạch trễ khiến phần lớn diện tích mía của bà Năm, xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bị trổ cờ. Ảnh: D.KHÁNH.

Bà Năm buồn bã cho biết thêm: “Tập quán sản xuất mía ở đây, bà con thường xuống giống vào tháng 10, 11 đến năm sau khoảng tháng 9, 10 là mía đã chín có thể thu hoạch. Nhưng năm nay nhà máy vào vụ trễ, rồi bị nước ngập kéo dài khiến mía không có năng suất nên dù giá bán có cao đi chăng nữa thì bà con trồng mía vụ này cũng không có lãi nhiều. Nếu với giá mía này mà nhà máy vào ép đúng thời vụ như mọi năm, chắc có lẽ bà con trồng mía sẽ phấn khởi lắm”.

Ngoài việc năng suất mía giảm thì thu hoạch trễ bà con trồng mía ở Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) còn đối mặt với một khó khăn khác đó là chi phí nhân công thu hoạch mía tăng mạnh. Nếu mọi năm chi phí đốn chặt, vận chuyển từ rẫy mía ra bãi chỉ dao động từ 180.000-220.000 đồng/tấn thì năm nay tăng lên ở mức 300.000-350.000 đồng/tấn, có nơi mía khó thu hoạch giá thuê mướn lên đến 400.000 đồng/tấn.

Ông Nguyễn Văn Luôn, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Vụ này gia đình trồng được 1ha mía ROC 16, đợi mãi đến nay mới có người mua. Tuy nhiên, khi kêu nhân công xem mía để cho giá thu hoạch thì mới vỡ lẽ. Họ cho rằng mía bị ngập lâu, đổ ngã nhiều nên chi phí thu hoạch ở mức 400.000 đồng/tấn. Mía chỉ bán được với giá 1,1 triệu đồng/tấn nhưng trừ chi phí thu hoạch, phân bón, giống, nhân công… nên chẳng có lời”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Nhà máy đường Phụng Hiệp thông báo chính thức tiếp nhận mía vào ngày 4-12 nên những ngày qua thương lái đã tiến hành thu mua mía trong dân để chuyển về nhà máy. 

Nhìn chung, năm nay nhà máy công bố giá thu mua cao hơn mọi năm từ 200-300 đồng/kg, nhưng qua ghi nhận bà con cũng không mấy vui vẻ. 

Bởi đi kèm với giá mía tăng thì chi phí sản xuất mía vụ này cũng ở mức cao. Qua hạch toán sơ bộ giá thành sản xuất ở vụ này dao động ở mức 800 đồng/kg, tăng gần 30 đồng/kg so với vụ rồi. Mặt khác, năm nay nhà máy khởi động trễ nên chữ đường mía đến nhà máy cũng có thể giảm hơn mọi năm.

Lỡ vụ hoa màu tết

Mía thu hoạch trễ làm chi phí tăng, năng suất mía giảm đang là thực tế diễn ra ở vùng mía lớn nhất của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, khi thu hoạch trễ bà con nơi đây còn mất một vụ hoa mùa trên đất mía. 

Sản xuất 5 công mía, hàng năm mía rẻ nhờ vào vụ hoa màu trên đất mía mà chị Phạm Thu Hà, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, có thêm chi phí trang trải trong những ngày tết và có tiền để mua mía giống đầu tư cho vụ sau. 

Nhưng năm nay mía thu hoạch trễ nên gia đình không kịp sản xuất thêm vụ hoa màu như hàng năm. 

Chị Hà cho biết: “Mọi năm gia đình thường bán mía vào đầu tháng 10, đến giữa tháng 10 là xuống giống vụ hoa màu để bán trong dịp tết. Giá mía hàng năm dù có thấp cũng còn gỡ gạc lại được vụ hoa màu. Năm nay, giá mía tuy cao nhưng thu hoạch trễ làm hại không sản xuất kịp vụ màu, tính ra thất thu còn nhiều hơn”.

Theo lịch thời vụ sản xuất hàng năm, thời điểm nay huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch được khoảng 70% diện tích mía, bà con trong huyện cũng đã xuống được hơn 1.000ha hoa màu, rẫy dây để phục vụ thị trường tết. 

Nhưng năm nay mía thu hoạch trễ nên đa phần bà con không kịp sản xuất thêm vụ màu trên đất mía. Như khu vực xã Hòa Mỹ được xem là vùng chuyên canh dưa hấu tết của huyện Phụng Hiệp, hàng năm bà con ở địa phương này xuống giống từ 250-300ha dưa hấu tết và đa phần là trồng trên đất mía.

Nhưng năm nay ảnh hưởng bởi dịch bệnh và mía thu hoạch trễ nên vụ dưa năm nay khả năng sẽ giảm phân nửa diện tích. 

Bà Năm cho biết thêm: “Dưa hấu tết được trồng trên đất mía dường như đã trở thành một tập quán sản xuất từ lâu đời của bà con ở Hòa Mỹ. Những năm trúng giá mỗi công dưa hấu tết cũng cho thu nhập hơn 5 triệu đồng, tính ra còn cao hơn trồng mía, nhưng năm nay cũng đành phải bỏ”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Tập quán sản xuất của người dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp hàng năm sau khi thu hoạch mía sẽ xen canh bằng một vụ màu trên đất mía, sau đó mới cho đào hộc để trồng vụ mía tiếp theo. Cách làm này vừa cải tạo đất vừa cải thiện thu nhập cho bà con. 

Đặc biệt, mấy năm gần đây khi giá mía bấp bênh, cây mía cho hiệu quả không cao thì vụ màu cũng giúp cho bà con có thêm chi phí để đầu tư cho vụ mía tiếp theo.

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp làm cho công tác duy tu, sửa chữa các thiết bị của Nhà máy đường Phụng Hiệp cũng gặp nhiều khó khăn, kéo dài, dẫn đến vào vụ ép mía trễ hơn mọi năm. 

Ngày 24-11, ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã ký thông báo tiếp nhận và vào vụ sản xuất mía 2021-2022. Cụ thể, thời gian đăng tài tiếp nhận nguồn mía nguyên liệu tại Nhà máy đường Phụng Hiệp - thuộc Casuco sẽ bắt đầu từ ngày 4-12; còn thời gian xuống mía ép dự kiến vào ngày 9-12.

Ngoài ra, do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, Casuco yêu cầu các chủ ghe, chủ mía khi đưa mía về cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp phải có giấy xác nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ít nhất một mũi và giấy xác nhận test nhanh âm tính với Covid-19 trong thời hạn 72 giờ. 

Mặt khác, chủ ghe và chủ mía không đi lại trên bờ và khu vực tại Nhà máy đường Phụng Hiệp. Đối với phiếu cân, Casuco sẽ giao trực tiếp cho chủ ghe và người đại diện, chủ mía sau khi cân xong. 

Về thủ tục thanh toán tiền mía, Casuco sẽ tiến hành thanh toán một lần sau 3-5 ngày cân mía đối với vùng nguyên liệu do công ty đầu tư; còn vùng mía bên ngoài không do Casuco đầu tư thì thanh toán tiền mía một lần sau 10-15 ngày cân mía.

Giá mía tăng sau nhiều năm ở mức thấp là tín hiệu vui đối với bà con trồng mía. Tuy nhiên, việc thu hoạch trễ cùng với giá thành sản xuất ở mức cao đang là nguyên nhân khiến cho bài toán về lợi nhuận của người dân trồng mía vẫn chưa có lời giải...

T.Trúc-D.Khánh (Báo Hậu Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem