Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên): "Chúng tôi đã khẩn trương vớt lợn sau loạt bài của Báo điện tử Dân Việt"

Minh Ngọc-Vũ Chương Thứ năm, ngày 09/12/2021 13:36 PM (GMT+7)
Chiều ngày 8/12, trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và xã Minh Phượng khẩn trương vớt lợn đem đi tiêu hủy sau loạt bài phản ánh của Báo điện tử Dân Việt.
Bình luận 0

Chiều 8/12, trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) cho biết: "Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh trong loạt bài của Báo điện tử Dân Việt, chúng tôi đã cho kiểm tra. Và đúng là có tình trạng hàng chục bao tải lợn bị người dân vứt trộm ra sông Hiệp Hòa đoạn chay qua xã Minh Phượng. Sau đó tôi chỉ đạo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, phụ trách khối nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xã Minh Phượng khẩn trương vớt lợn đem đi tiêu hủy".

Cùng ngày, ông Trần Văn Hạnh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiên Lữ cho Dân Việt biết, sau loạt bài phản ánh của Báo điện tử Dân Việt, Phòng NNPTNT đã cử cán bộ thú y xuống xã Minh Phương để cùng với địa phương kịp thời vớt lợn đem đi tiêu hủy theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên): "Chúng tôi đã khẩn trương vớt lợn sau loạt bài của Báo điện tử Dân Việt" - Ảnh 1.

Hình ảnh lợn bị vứt trộm trên sông Hiệp Hòa, đoạn chảy qua xã Minh Phương, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) ngày 6/12. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Hạnh cho hay, điều khó khăn hiện nay, đó là khi có dịch bệnh xảy ra thì các hộ chăn nuôi không khai báo với chính quyền địa phương dẫn đến khi có lợn chết không tiêu hủy theo đúng quy định mà vứt ra sông, mương nước.

"Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh vẫn lác đác xảy ra trên địa bàn huyện, trong khi đó lực lượng thú y cơ sở lại rất mỏng, khiến việc kiểm soát, nắm tình hình gặp nhiều khó khăn. Từ cuối tháng 10 đến nay xã Minh Phượng đã 9 lần phải tổ chức vớt lợn sau khi người dân vứt trộm ra sông", ông Hạnh nói.

Ông Hạnh cho biết thêm: "Qua loạt bài của Báo điện tử Dân Việt phản ánh, chúng tôi đã cử cán bộ thú y của huyện đi cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các xã để nắm tình hình dịch bệnh cũng như kiểm soát chặt việc người dân vứt trộm lợn ra sông, mương nước".

Theo ông Hạnh, tình trạng người dân vứt trộm lợn ra sông, mương nước gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc. "Sau loạt bài phản ánh của Báo điện tử Dân Việt, chúng tôi sẽ cùng với các xã tổ chức kiểm soát chặt chẽ hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, cũng như xử lý nghiêm tình trạng người dân vứt trộm lợn ra sông, mương nước".

Trước đó, Báo điện tử Dân Việt đã có loạt bài: "Xác lợn chết vứt trôi sông, dập dềnh mương nước-cảnh tượng kinh hoàng ở tỉnh Hưng Yên", phản ánh về tình trạng người dân vứt lợn xuống sông và mương nước trên địa bàn xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ.

Theo chia sẻ của một số hộ dân ở xã Minh Phượng (huyện Tiên Lữ), tình trạng vứt trộm lợn xuống sông Hiệp Hòa diễn ra hơn 1 tháng trở lại đây đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày khi mùi hôi thối nồng nặc đưa vào trong nhà. Bên cạnh đó, tiềm ấn rất cao nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc đối với những hộ chăn nuôi trên địa bàn xã.

Tại Khoản 7 Điều 13 Luật Thú y 2015 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, hành vi vứt xác động vật gây ô nhiễm môi trường là một trong những hành vi bị cấm.

Về xử phạt vi phạm hành chính, tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật, với hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 - 6.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, đồng thời sẽ phải tiến hành biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng.

Trường hợp đã bị xử phạt hành chính hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 -200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm, mức phạt tù tối đa đến 5 năm theo quy định tại Điều 241 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật).





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem