Sau 20 năm hoạt động, CLB đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, chứng tỏ không cần nhiều đất vẫn tạo ra giá trị lớn.
Thay đổi tư duy làm nông nghiệp tại đô thị
Phát biểu tại hội thảo, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, ở nước ta, do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp - dịch vụ, quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Thực tế này đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, ngành nông nghiệp cũng như các hộ nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp đô thị, góp phần phục vụ tái cơ cấu ngành.
Làm nông nghiệp tại đô thị trở ngại lớn nhất là diện tích sản xuất nhỏ, vì vậy để tạo ra giá trị phải gắn liền với khoa học kỹ thuật và công nghệ cao, tập trung phục vụ ngay cho nhu cầu tiêu dùng của khu vực đô thị như: rau, hoa, cây cảnh, cá cảnh, nuôi trồng các loại đặc sản, cao sản… Ngoài ra, sản phẩm từ nông nghiệp đô thị còn góp phần tạo mỹ quan, cải thiện môi trường sinh thái theo hướng xanh - sạch - đẹp…
Bà Hạ Thúy Hạnh đánh giá, sự ra đời của CLB khuyến nông đô thị đã trở thành "cầu nối" để các thành viên trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân khu vực đô thị theo hướng hiện đại, thích ứng với xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đây là hướng đi phù hợp và tất yếu của nền nông nghiệp đô thị, cần được nhân rộng.
"Đây chính là tiền đề vững chắc để xây dựng một nền nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững và hiệu quả. Hiện một số địa phương đã xây dựng chiến lược quy hoạch tổng thể và có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị.
Kết quả bước đầu đã tạo nguồn thực phẩm tươi sống cho người dân đô thị, tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, cải thiện môi trường, đóng góp vào sự tăng trưởng của nông nghiệp thành phố, điển hình như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ…" - bà Hạnh đánh giá.
Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Chủ nhiệm CLB khuyến nông đô thị cho biết, từ chỗ chỉ có 3 thành viên (CLB khuyến nông đô thị Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế), thông qua tổ chức hội thảo chuyên đề, tham quan học tập đã có rất nhiều kinh nghiệm, mô hình hay được các địa phương học tập và nhân rộng.
Đơn cử như TP.HCM, với lợi thế về đất đai, khí hậu và những chủ trương quyết sách phù hợp đã thu hút nhiều doanh nghiệp cùng hàng vạn hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, sản xuất nông nghiệp hiện đại, áp dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao vào trồng trọt và chăn nuôi như trồng cây trong nhà lưới, tưới tự động phun sương, nhỏ giọt, máy vắt sữa bò… mang lại giá trị kinh tế cao.
TP.HCM đã hình thành những đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp như: Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. Với hiệu quả rõ rệt, đến nay CLB khuyến nông đô thị đã có 28 thành viên tham gia, trong đó có 5 thành viên mới kết nạp ngày 10/12.
"Cầu nối" tiến tới sản xuất hiện đại
Lâm Đồng là địa phương dẫn đầu cả nước về áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Ông Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, để xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị hiệu quả, cần hiểu đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các ngành/lĩnh vực, trong đó nhân dân là chủ thể, doanh nghiệp, HTX là hạt nhân, chính quyền và các nhà khoa học có vai trò định hướng, hỗ trợ.
"Bên cạnh đó, cần xác định rõ đối tượng cây trồng vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương, qua đó tập trung triển khai theo chuỗi từ khâu nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường đến tổ chức sản xuất, tiêu thụ...; tổ chức liên kết sản xuất phải xuất phát từ nhu cầu thực sự và mang lại lợi ích cho các bân tham gia" - ông Tú nói.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai một số mô hình khuyến nông đô thị hiệu quả, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, từ nhiều năm nay đơn vị đã chú trọng đào tạo, chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao cho đội ngũ cán bộ khuyến nông và nhiều bà con nông dân. Rất nhiều lớp tập huấn, lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi được tổ chức.
Từ đó, nhiều mô hình chỉ sử dụng ít đất, nhưng tạo ra tiền tỷ đã hình thành, như nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn, năng suất bình quân đạt 55 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 2,3 tỷ đồng/ha/năm; hay các mô hình trồng rau VietGAP, trồng lan Dendrobium, nuôi cua thương phẩm… cũng đem lại tiền tỷ mỗi năm cho nông dân.
Bà Hạ Thuý Hạnh đánh giá, sự ra đời của CLB khuyến nông đô thị đã trở thành "cầu nối" để các thành viên trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân khu vực đô thị theo hướng hiện đại, thích ứng với xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đây là hướng đi phù hợp và tất yếu của nền nông nghiệp đô thị, cần được nhân rộng.
"Hoạt động khuyến nông đô thị trong giai đoạn mới sẽ phải thay đổi nhằm thích ứng với sự phát triển và định hướng tái cơ cấu của ngành, của địa phương, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao để có khả năng cạnh tranh cao"- bà Vũ Thị Hương.