Ở đây giá cà phê năm nay tăng gấp đôi, hái xong vì sao dân phải kỳ công nhặt chọn từng trái chín?

Thứ sáu, ngày 10/12/2021 19:03 PM (GMT+7)
Tháng 11 hàng năm, khi những đóa hoa dã quỳ vàng rực trên các triền đồi cũng là lúc nông dân ở các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng bắt tay vào vụ thu hoạch cà phê, loại cây trồng chủ lực trên mảnh đất Nam Tây Nguyên.
Bình luận 0

Những ngày này, khắp các buôn làng ở xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đều trở nên vắng lặng hơn. Thay vào đó là tiếng nói cười, gọi nhau ríu rít trên những vườn Arabica chớm đỏ. Năm nay, niềm vui dường như được nhân đôi khi giá cà phê đầu mùa tăng cao.

 
Ở đây giá cà phê năm nay tăng gấp đôi, hái xong vì sao dân phải kỳ công nhặt chọn từng trái chín? - Ảnh 1.

Người dân huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) tranh thủ hái cà phê chín sớm. Thông thường mỗi vụ sẽ thu hoạch thành 3 đợt

Thoăn thoắt đôi tay lựa hái từng trái cà phê chín mọng, bà Liêng Jrang Ka Liên (Thôn 4, xã Đạ Sar) cho biết: Đây là thời điểm giá cà phê đạt mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Chính vì thế, khác với mọi năm, hầu hết nông dân háo hức có mặt trong vườn từ rất sớm. 

Với diện tích gần 1,3 ha sắp bước vào thời kỳ thu hoạch rộ, gia đình bà cũng huy động nhân công từ nhiều gia đình trong dòng họ.

“Chỉ hơi tiếc một điều là năng suất năm nay không đạt bằng mọi năm do ảnh hưởng từ việc sương muối, bọ xít muỗi gây hại từ trước. Tuy vậy, với giá cả ổn định và tăng dần ngay từ đầu mùa, mọi người ai nấy đều phấn khởi. Đến nay, hợp tác xã báo giá thu vào là 15.500 đồng/kg trái tươi”, bà Ka Liên chia sẻ.
 
Còn tại vùng Cầu Đất (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), một trong 7 vùng cà phê Arabica ngon nhất thế giới, hàng ngàn nông dân nơi đây cũng đang bước vào vụ thu hoạch cà phê. 

Tuy nhiên, khác với cà phê Robusta, giống cà phê Arabica không chín đồng loạt. Để đảm bảo chất lượng cà phê, chỉ những quả chín mới được nông dân thu hái.

Ở đây giá cà phê năm nay tăng gấp đôi, hái xong vì sao dân phải kỳ công nhặt chọn từng trái chín? - Ảnh 2.

Sau khi thu hái, những hạt cà phê Arabica (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) được lựa chọn 100% trái chín để cho ra dòng cà phê đặc sản

Thay vì trải bạt từng gốc, mỗi người thợ hái cà phê sẽ đeo một chiếc rổ trước bụng để hái từng trái chín. Dù ra đồng từ sáng sớm và rất cố gắng, nhưng mỗi người cũng chỉ hái được từ 70 – 80 kg trái/ngày. Năm nay, cà phê có giá gấp đôi, trên dưới 15.000 đồng/kg nên chủ vườn s trả công thợ 3.500 đồng/kg sản phẩm.
 
Anh Nguyễn Song Vũ - Giám đốc mảng cà phê Hợp tác xã Trường Sơn - Cầu Đất cho biết: Tại địa phương, mọi năm, nông dân bán cà phê tươi cho thương lái chỉ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. 

Năm nay, giá cà phê tươi đã tăng gấp đôi. Nguyên nhân là do tình hình cà phê thế giới năm 2021 mất mùa, giá sàn cà phê trên thị trường tăng mạnh. 

Hiện, Hợp tác xã Trường Sơn đang đầu tư sản xuất cà phê thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 30 ha, còn diện tích liên kết với người dân trên 100 ha. Đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã đang không có đủ nguồn hàng để cung ứng cho các đơn hàng, chủ yếu đến từ trong nước. 
 
Tương tự, ông Chu Hoàng Long - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thắng cũng cho biết: Giá cà phê đầu mùa tăng cao có một phần nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 nên nguồn cung cà phê trên thế giới của các công ty bị thiếu hụt trầm trọng. 

Trong nước, nhiều năm liền cà phê giá liên tục xuống thấp khiến người nông dân không còn mặn mà, chuyển đổi một phần diện tích sang trồng các loại cây trồng khác, kéo theo sản lượng cũng sụt giảm, trong khi đó nhu cầu thị trường vẫn rất lớn. 

 
Ở đây giá cà phê năm nay tăng gấp đôi, hái xong vì sao dân phải kỳ công nhặt chọn từng trái chín? - Ảnh 3.

Phơi cà phê trên giàn để đảm bảo vệ sinh và chất lượng

Theo ông Long, với kinh nghiệm hoạt động hơn 15 năm nay, rất ít lần cà phê chạm mốc 15.500 đồng/kg như thời điểm hiện tại ngay từ đầu mùa, hơn gấp đôi so với mọi năm. 

Tuy nhiên, để đạt được mức giá này, Công ty yêu cầu nông dân phải hái chín trên 90%. Hiện, Công ty đang liên kết với người dân để sản xuất cà phê sạch trên diện tích khoảng 1.500 ha trên địa bàn huyện Lạc Dương và khu vực Cầu Đất (Đà Lạt).  

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, hiện nay, diện tích cà phê trên địa bàn khoảng 4.500 ha, chủ yếu là dòng cà phê Arabica. Sản lượng hàng năm khoảng trên 12.000 tấn. Trong khi đó, TP Đà Lạt hiện có 5.188 ha cà phê; trong đó, có 4.388 ha cà phê Arabica, sản lượng hàng năm ước đạt 9.504 tấn. 
 
Nhiều năm qua, sản phẩm cà phê Arabica Lạc Dương, TP Đà Lạt nói chung hay vùng Cầu Đất nói riêng đã khẳng định được chất lượng và giá trị trên thị trường. Hiện nay, các công ty cà phê như Tám Trình, The Married Beans, ACOM, Yu M’Nang hay các hợp tác xã Cà phê Chappi, K’Ho Coffee, Cầu Đất, Trường Sơn… là những đơn vị đi đầu trong việc phối hợp cùng dự án để hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cà phê cho người dân.
 
Thông qua các hoạt động xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị cà phê bằng việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất và kết nối doanh nghiệp liên kết, góp phần thay đổi thói quen sản xuất của người trồng cà phê nói chung và bà con dân tộc thiểu số nói riêng.

Qua đó, nâng cao giá trị hạt cà phê Arabica. Hàng năm, các huyện, thành phố cũng tiến hành rà soát diện tích già cỗi để vận động bà con tái canh hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp.

Với việc giá cà phê cao ngay từ đầu mùa, các địa phương cũng đang khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá thị trường, thu hái xanh ảnh hưởng đến chất lượng trái cũng như hiệu quả những năm tiếp theo. Thay vào đó là giữ vững liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích.


H.Sa-H.Thắm (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem