Ngồi cẩn thận đếm từng đồng tiền lẻ, những tờ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng,... đều được bà Dương Thị Mai (90 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) xếp gọn rồi cho vào túi. Đó là tất cả thu nhập từ gánh rau nhỏ của bà trong sáng nay.
Tờ mờ sáng, bà Mai đã phải dậy để chuẩn bị rau đi bán. Một mình bà gánh rau từ nhà ra chợ hoa Quảng An để bán từ 7 giờ sáng. Phóng viên ngồi cạnh gánh rau hỏi chuyện, bà cười niềm nở, ánh mắt hiền hậu giữa những vệt chân chim dài không đếm xuể. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, đáng lẽ chỉ có an nhàn nghỉ ngơi, hưởng tuổi già thì bà Mai vẫn phải lam lũ mưu sinh nơi cổng chợ.
“Nghỉ sao được cháu ơi, bà còn sức khỏe nên bà vẫn làm được. Bao giờ bà già yếu, không đi được mới phải phiền con cháu chăm sóc. Đi bán hàng cũng khỏe người, ở nhà buồn chân buồn tay lắm cháu ạ!”. Nói rồi bà thu dọn đồ, hôm nay hàng rau nhỏ của bà hết sớm. Bóng dáng bà Mai lẫn vào đám đông, dần khuất dạng giữa chợ lớn.
Những ngày giáp Tết, Hà Nội mưa lạnh suốt. Chợ hôm nào cũng đông nghịt người. Giữa những sạp hoa rực sắc màu, không khó để bắt gặp những giấc ngủ vội giữa bao bộn bề, gương mặt đã nhợt đi vì mệt mỏi.
Khuất sau những cành đào, chị Đào Thị Thúy (51 tuổi, Cổ Nhuế, Hà Nội) đang ăn vội gói xôi. 9 giờ 30 sáng, đây là bữa ăn đầu tiên sau một đêm trắng ròng rã bán hoa ở chợ. Chị kể, tranh thủ những ngày giáp Tết, ngoài bán hoa buổi đêm ở chợ, ban ngày chị bán thêm hoa đào để “bòn thêm chút đỉnh”.
Gần như “ăn ngủ” với chợ hoa, 2-3 ngày chị mới về qua nhà một lần. Bán hàng cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày chị chỉ tranh thủ ngủ được 2-3 tiếng đồng hồ. Nơi ngủ là những miếng bìa cát tông xếp tạm bợ ngay cạnh sạp hàng.
Những hôm Hà Nội rét trên dưới 10 độ C, chị kể “hai tay co rút hết vào quần áo, ngủ cũng không ngủ được vì lạnh quá. Đêm xuống phải đốt lửa để sưởi tạm, vì thế hay bị cảm lạnh lắm, nhiều lúc cứ lo bị nhiễm Covid, sốt hết cả ruột!”.
Vất vả mưu sinh là vậy, nhưng thu nhập kiếm được cũng chẳng có bao nhiêu. Năm nay dịch dã, khách hàng chi tiêu cũng “đặt lên hạ xuống”, không mua nhiều như những năm trước. “Có hôm chả bán được cành đào nào, thế là ngày hôm đấy trắng tay”, chị Thúy thở dài.
Khác với đi làm công nhân, lương ổn định, nghề bán buôn “lời ăn lỗ chịu, bán được ngày nào biết ngày ấy”. Ngồi thẫn thờ nhìn hàng người qua lại, thỉnh thoảng có khách ghé qua chị lại nhiệt tình đon đả chào mời mua hàng. Hôm nay lại là một ngày mưu sinh dài đằng đẵng.
Những bó hoa ly lớn được bọc nilon gọn gàng nằm yên trong những chậu hoa, bác Vũ Ngọc Sơn (57 tuổi, Hà Nam) chẳng buồn xếp thêm hàng ra. Hít một hơi thật mạnh, làn khói trắng từ từ tỏa ra. “Trời mưa lạnh đi chụp ảnh làm gì cháu ơi, dịch dã thế này tranh thủ về quê đi cháu ơi!”.
Thấy phóng viên đang chụp ảnh, bác Sơn hít vội điếu thuốc rồi nói vọng ra. Đã gần trưa nhưng bác Sơn vẫn chưa bán thêm được bó hoa nào. Sạp hoa ly là gánh mưu sinh duy nhất của bác Sơn và vợ. Buổi tối bác phụ vợ chở hoa vào chợ, vợ bác sẽ bán xuyên đêm. Sáng ngày, bác Sơn đến thay ca cho vợ bác về nhà nghỉ ngơi.
Đã 20 năm mưu sinh ở chợ hoa Quảng An, cảnh buôn bán lúc tấp nập lúc lại heo hút bác đã quá quen thuộc. “Năm nay bán hàng cũng túc tắc thôi cháu ạ, đủ ăn là được rồi. Bác chỉ mong nhanh nhanh còn về quê, cả năm nay chưa được gặp thằng cháu nội rồi, nhớ nó lắm!. Đã gần 1 năm nay, bác chưa về quê, dù Hà Nam cách Hà Nội cũng không quá xa. Vì dịch bệnh liên miên suốt, suốt ngày mưu sinh ở chợ đông người, bác sợ mang dịch về cho các cháu thì khổ chúng nó lắm!”. Nói rồi bác Sơn lại hút tiếp điếu thuốc, làn khói trắng phủ quanh gương mặt người đàn ông đã gần 60. Khói trắng hay những lo toan bộn bề làm bác trông già hơn so với tuổi 57, gương mặt tiều tụy chất chồng những lắng lo.
Cách đó không xa, cô Nguyễn Thị Xinh (56 tuổi, Thanh Hóa) đang đứng nhặt lá hoa. Buổi tối, cô Xinh làm tạp vụ ở nhà hàng, khoảng 10 giờ đêm sau khi xong việc, cô ra chợ hoa để “có ai gọi gì thì làm thêm”. Mỗi tối nhờ công việc bốc vác hàng, cô Xinh kiếm thêm được 200.000 đồng - 300.000 đồng. Sáng ngày, cô cố gắng nán lại ở chợ để tìm thêm việc, mong cái tết đủ đầy hơn.
Mưu sinh ở Hà Nội đã nhiều năm nay, đây là năm đầu tiên cô Xinh kết thúc công việc sớm để trở về quê. “Năm nay khoảng 23 âm lịch là cô về quê để còn cách ly mới được ăn Tết. Nhiều lúc không biết mình đã ăn hay chưa, ngủ cũng không dám ngủ, không tranh thủ kiếm thêm thì Tết nhịn đói cháu ạ. Nhưng vất vả cả năm rồi, bây giờ cố thêm tí nữa là được, Tết là phải về với gia đình, con cháu ở nhà ai cũng mong”, cô Xinh trải lòng.
Với mọi người, Tết có thể đã đến rất gần, nhưng với những người lao động tự do như cô Xinh, bác Sơn, chị Thúy, bà Mai,... Tết làm những gánh nặng mưu sinh thêm nhọc nhằn. Hà Nội phồn hoa, Hà Nội náo nhiệt, chợ người tấp nập kẻ mua người bán. Giữa những tiếng rao chào mua hàng là bao lo toan mưu sinh, lo bữa cơm ngày mai, lo cành đào ngày Tết,... Và niềm mong mỏi đoàn tụ với gia đình sau một năm bôn ba vất vả.