Hà Nội: Lao động tự do vẫn ra đường mưu sinh trong ngày đầu giãn cách xã hội

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 24/07/2021 13:10 PM (GMT+7)
Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng dịch Covid-19 bắt đầu từ hôm nay, 24/7, nhưng trên các tuyến đường vẫn khá đông lao động tự do có mặt từ sáng sớm.
Bình luận 0

"Đi làm mùa Covid-19 như đi câu cá, may trúng, không may thì trượt"

Ông Nguyễn Hải Đàm (75 tuổi) nhà ở Nguyễn Xiển (Hà Nội) - người có thâm niên 20 năm làm nghề lái xe ba gác cho biết, sáng nay ngủ dậy đã nghe hàng xóm, báo đài thông báo Hà Nội giãn cách phòng dịch Covid-19, nhưng đâu dám nghỉ làm. Lao động làm nghề chạy xe ba gác, làm được ngày nào ăn ngày đó, không làm không ăn nên ông không muốn nghỉ việc.

Trước đây, mỗi tháng ông cũng kiếm được 10-12 triệu đồng, nhưng kể từ khi có dịch thu nhập bấp bênh, tháng chỉ được 4-5 triệu đồng.

"Mình không phải cán bộ, không có lương, nên không làm thì chết đói, vì thế nghe giãn cách chống dịch Covid-19 cũng muốn ở nhà lắm mà không được", ông Đàm nói.

Bất chấp lệnh giãn cách phòng dịch Covid-19 của TP Hà Nội, ông Nguyễn Hải Đàm (75 tuổi) nhà ở Nguyễn Xiển (Hà Nội) vẫn chạy xe ba gác. Ảnh: N.T

Ông Nguyễn Hải Đàm (75 tuổi, Hà Nội) vẫn đang chờ khách từ sáng giờ. Ảnh: N.T

Từ 5h sáng ông đã dậy, chạy xe ra ngã tư Hoàng Đạo Thúy, Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để đứng chờ khách. Nhưng chờ mãi, tới 10h sáng vẫn chưa có khách nào đặt cuốc xe chở đồ. "Cũng đành vì làm nghề này vào lúc dịch Covid-19 phức tạp giống như đi câu ấy mà, may thì câu trúng, không may thì đành trượt. Biết vậy nhưng cũng phải chăm chỉ, kiên nhẫn đứng đây chờ may ra mới có khách", ông Đàm ngậm ngùi kể.

Hai vợ chồng ông bà đã già, lại là lao động tự do không có thu nhập cố định, tiết kiệm cũng không có nên giờ nếu nghỉ việc cuộc sống sẽ rất khó khăn. Ông Đàm cũng cho biết, năm ngoái (năm 2020) khi lao động tự do được nhận hỗ trợ do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì ông không được nhận. Năm nay cũng chưa thấy thông tin gì, ông cũng không biết mình có trong diện lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ hay không. Bởi vậy, không đi làm, vợ chồng ông bà ở nhà chỉ biết trông chờ vào mấy đồng tiền hỗ trợ trông cháu của các con để sống qua ngày.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn, anh Tạ Văn Quang (50 tuổi) nhà Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ ngày có dịch Covid-19, anh bị thất nghiệp. trước anh làm công nhân xây dựng, nhưng già sức khỏe yếu, lại dịch bệnh, công việc ít, lương thấp nên 2 năm nay anh nghỉ việc đi làm xe ôm, nhận chở hàng.

"Ngày bình thường thì tôi vừa chở hàng vừa chạy xe ôm, nhưng kể từ khi có dịch thì chỉ chở hàng. Giờ giãn cách, cấm chở khách nhưng nghĩ chắc chở hàng vẫn được nên tôi vẫn cố đi làm kiếm thêm vài chục về hỗ trợ thêm tiền đi chợ cho vợ", anh Quang chia sẻ.

Nghĩ vậy, nhưng thực tế khó khăn hơn nhiều, bởi cũng giống như ông Đàm, anh đã đứng đây tới 6 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa hề có khách nào thuê chở hàng. Giọng nói buồn, gương mặt khắc khổ, anh Quang nói: "Đúng ra nay có khách thuê chở 2 kiện vải, nhưng người ta vừa gọi lại hủy vì Hà Nội giãn cách phòng dịch Covid-19, cấm xe vào thành phố nên xe tải chở hàng không vào được. Vậy mà sáng giờ tôi nhẩm tính kiểu gì có 1-2 cuốc xe khách quen đặt, chắc cũng kiếm được 50 chục, 100 nghìn, giờ thì chẳng được xu nào".

Ngày chỉ cần kiếm được 20-30 nghìn là vui rồi

Thương cảm hơn là hình ảnh của chị Nguyễn Thị Hồng, ở trọ trong làng Mễ Trì (Mỹ Đình, Hà Nội). Mới đầu năm chị vừa trải qua cơn tai biến, bệnh tình mới đỡ nhưng vẫn cố gượng dậy đi làm.

Bất chấp cái nắng, oi ả chị vẫn đứng vệ đường, tay cầm túi bánh mì mời khách.

Chị bảo, 1 túi bánh mì có 3 chiếc, bán hết thì lãi được 10 nghìn đồng, bán cả ngày chỉ lãi được 30-40 nghìn, nhưng có còn hơn không, bán được là vui rồi. Nay Hà Nội giãn cách phòng chống dịch Covid-19, sợ ế nên chị lấy có 5 túi mà tới giờ mới bán được 1 túi.

"Mình biết nay Hà Nội giãn cách, nhưng không làm thì không biết lấy gì mà ăn. Con gái đi làm cho quán cà phê cũng mất việc mấy lâu nay, giờ nó nhận ship hàng, còn tôi thì đi bán bánh mì. Hai mẹ con cố lắm cũng mới đủ tiền thuê nhà và tiền ăn hàng tháng", chị Hồng kể.

Dù rất lo sợ bị nhiễm Covid-19 nhưng chị Nguyễn Thị Hồng vẫn cố bám trụ bán những túi bánh mì kiếm thêm 2-30 chục nghìn. Ảnh: N.T

Dù rất lo sợ dịch Covid-19 nhưng chị Nguyễn Thị Hồng vẫn cố bám trụ bán những túi bánh mì kiếm thêm 20-30 nghìn. Ảnh: N.T

Điều chị mong nhất lúc này là Hà Nội hết giãn cách để cuộc sống trở lại bình thường, công việc cho thu nhập tốt để chị có thêm tiền điều trị bệnh.

Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Lan và Nguyễn Thị Oanh, công nhân Công ty Môi trường URenco cũng đang cặm cụi làm cỏ, dọn dẹp trên vỉa hè.

Chị Oanh cho biết: "Nghe tin các ca dịch Covid-19ở Hà Nội tăng nhanh, mình cũng lo lắm, nhưng công việc thì vẫn phải đi làm thôi. Công ty có phát đồ bảo hộ, dặn dò cẩn trọng, không tiếp xúc nơi đông người, giữa khoảng cách... nhưng vẫn thấy lo".

Tới đây thực hiện giãn cách, các chị làm giảm thời gian chắc tiền lương cũng giảm. Nhà đông người (2 vợ chồng 3 đứa con) mà thu nhập của cả hai vợ chồng tháng được chừng 10-11 triệu đồng, cuộc sống thật sự đã tới mức gần chạm đáy.

"Nghỉ ở nhà giãn cách cũng được, nhưng nghĩ tới cảnh không có tiền, con cái không có cái ăn là tôi rất lo. Vì thế cho nên, chừng nào công ty còn cho đi làm tôi vẫn sẽ đi làm", chị Oanh tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem