Thông thường, thời điểm cận Tết Nguyên Đán sẽ là khoảng thời gian các cửa hàng tranh thủ “hốt bạc” do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Thế nhưng, trước tình hình dịch Covid-19 nóng lên, các cửa hàng ăn uống, kinh doanh tại các quận có mặt bằng đắc địa của Hà Nội chỉ được bán mang về. Không chịu được cảnh thua lỗ kéo dài, nhiều chủ cửa hàng đã trả lại mặt bằng về quê nghỉ Tết sớm.
Theo khảo sát của phóng viên, trên các tuyến phố như: Phan Bội Châu, Nguyễn Du, Tôn Đức Thắng, Đinh Lễ, Tràng Tiền, Khâm Thiên,... rất nhiều cửa hàng đã treo biển cho thuê mặt bằng hoặc đóng cửa. Một số cửa hàng vẫn cố gắng cầm cự nhưng cũng sắp “trụ không nổi”.
Chị Nguyễn Hồng Luyến (30 tuổi), chủ một cửa hàng bán nước mía trên đường Phan Bội Châu (Hoàn Kiếm) cho biết : “Từ khi quận trở thành vùng cam, chính quyền chỉ cho bán hàng mang về, khiến cho lượng khách giảm đến 80% so với những ngày được phục vụ tại chỗ. Trung bình trước đây chị bán được hơn 200 đơn, nhưng giờ giảm chưa đến 50 đơn/ngày. May mắn là không phải trả tiền thuê mặt bằng chứ nếu không chắc tôi không trụ được".
Thời điểm trước đây, khi vẫn được bán hàng tại chỗ, thu nhập trung bình của quán rơi vào khoảng 3 triệu đồng/ngày, thời điểm hiện tại, thu nhập của quán chưa đến 700 nghìn đồng/ngày bao gồm cả vốn lẫn lãi. Nếu cứ với lượng bán như hiện tại, chắc chắn không đủ tiền trang trải cuộc sống. Tết Nguyên Đán cận kề, chị Luyến chỉ biết thở dài mong “cố gắng cầm cự được ngày nào hay ngày ấy”.
Đi dọc tuyến phố Khâm Thiên tại quận Đống Đa, những tấm biển đỏ cho thuê mặt bằng hoặc cho thuê cả nhà được dán chi chít. Nhiều người đã chọn cách trả lại mặt bằng, về quê nghỉ Tết sớm. Lần theo số điện thoại liên hệ được dán trên tấm băng rôn treo trước cửa hàng, chúng tôi được biết giá cho thuê mặt bằng hiện tại của nhà ông Đinh Văn Hạnh (59 tuổi) là khoảng 30 triệu đồng/tháng nếu thuê cả nhà, còn nếu chỉ thuê 1 tầng thì giá cả sẽ dao động khoảng 15 triệu đồng.
Ông Hạnh cho biết: “Giá này là đã giảm khá nhiều, nếu là trước đây khi chưa dịch, mặt bằng này phải được cho thuê với giá 50 triệu đồng đổ lên”. Ông cũng cho biết thêm, mặt bằng này trước đây được một người thuê để mở quán bún bò nhưng năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp làm quán hàng phải đóng cửa liên tục. Sau đó, Đống Đa lại trở thành vùng cam khiến chính quyền siết chặt quy định phòng chống dịch bệnh. Dù được lựa chọn bán mang về nhưng người chủ cửa hàng vẫn lựa chọn giải pháp tạm ngừng kinh doanh, về quê nghỉ Tết sớm.
Ngày 13/1, Bộ Y Tế công bố số ca nhiễm Covid-19 mới trên địa bàn TP. Hà Nội. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với 2.969 trường hợp Covid-19 trong đó có 713 ca cộng đồng. Hiện toàn thành phố đang ở cấp độ dịch 2, trong đó 9 quận có dịch ở cấp độ 3 "vùng cam" gồm : Cầu Giấy, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân và 2 huyện: Thanh Trì, Gia Lâm.
Các quận đổi màu, chủ kinh doanh nhấp nhổm
Trong vòng 1 tháng qua, nhiều quận huyện tại Hà Nội liên tục đổi màu khi số ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu gia tăng “chóng mặt”. Thực tế là đã có nhiều quận, huyện đang từ “vùng vàng”, nhanh chóng chuyển sang “vùng cam” rồi lại “hóa đỏ” và ngược lại.
Mới đây thôi do số ca nhiễm tăng nhanh, Cầu Giấy nâng cấp độ dịch lên vùng cam, các cửa hàng kinh doanh dừng bán tại chỗ; trong khi Đống Đa và Tây Hồ tình hình dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt, từ vùng cam xuống vùng vàng, các cửa hàng lại được trở lại đón khách.
Điều này làm các chủ kinh doanh “nhấp nhổm”, sống trong thế bị động, hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình cấp độ dịch của quận và quyết định của chính quyền. Anh Nguyễn Văn Thiện (27 tuổi), chủ kinh doanh quán ăn trên đường Cầu Giấy cho biết anh cảm thấy khá “nản” khi việc kinh doanh liên tục bị ngắt quãng. Trong vòng vài tháng qua, cửa hàng anh nhiều lần xảy ra tình trạng “đóng, mở” liên tục tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh khiến vợ chồng anh cũng đứng ngồi không yên.
Cửa hàng anh Thiện thuê mặt bằng với giá khoảng 20 triệu/tháng. Thời gian trước giãn cách xã hội toàn thành phố, anh cũng phải đóng cửa quán gần 3 tháng trời, chủ nhà thương tình giảm cho 20% tiền thuê nhà.
Đến nay, khi chỉ bắt đầu kinh doanh ổn định trở lại thì Cầu Giấy lại đột ngột đổi màu, chỉ được bán mang về, điều này khiến anh không kịp thích ứng: “Nếu tình hình dịch bệnh không hạ nhiệt thì chỉ còn cách đóng cửa hàng chứ tôi sợ không cầm sự nổi nữa. Tết nhất đến nơi rồi mà buôn bán trì trệ thế này thì lấy gì sắm Tết”. Do tiền lãi kiếm được không đủ tiền trả cho nhân viên nên anh Thiện đã cho giảm gần một nửa số lượng nhân viên so với ban đầu, anh cũng dự định cầm cự nốt vài hôm nữa rồi đóng cửa quán để về quê ăn Tết sớm.
“Như ngồi trên đống lửa” là tâm trạng của các chủ cửa hàng kinh doanh hiện tại. Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của người kinh doanh khiến họ rơi vào tình trạng không thể cầm cự ngay khi Tết đã cận kề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.