Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19.1 cảnh báo rằng, ông cho rằng Putin có thể cho quân tiến vào Ukraine. Vài giờ trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken nói với Kiev rằng hãy sẵn sàng cho một cuộc xâm lược và chuẩn bị cho những ngày khó khăn phía trước. Những cảnh báo này diễn ra trong bối cảnh nhiều tuần đàm phán căng thẳng với Moscow vẫn chưa mang lại đột phá cho Washington hay Brussels.
Tuy nhiên, khoảng 100.000 quân Nga được tập trung tại biên giới sát Ukraine không phải là lý do duy nhất khiến phương Tây gia tăng sự bi quan khi châu Âu đứng trước bờ vực có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc xung đột quân sự lớn.
Ngay cả khi Mỹ đã đe dọa các biện pháp kinh tế mạnh mẽ chống lại Nga nếu nước này có hành động gây hấn mới đối với Ukraine, các chuyên gia cho rằng ngày càng có nhiều sự công nhận rằng khả năng của Washington trong việc tác động đến các quyết định của Moscow bằng cách sử dụng các biện pháp trừng phạt là hạn chế.
Kể từ năm 2014, Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Nga để trừng phạt nước này vì hành vi sáp nhập Crimea và ủng hộ các nhóm nổi dậy tiến hành cuộc chiến ở miền Đông Ukraine. Theo nghiên cứu của Hội đồng Atlantic, Mỹ đã nhắm mục tiêu vào các nhà tài phiệt và các tổ chức thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, David Cortright, giám đốc Sáng kiến Chính sách Toàn cầu tại Viện Đại học Notre Dame's Kroc cho rằng, cho đến nay, Mỹ vẫn không thể ngăn cản Putin "tiếp tục gây rắc rối ở Ukraine",
Các nhà phân tích cho biết, Washington vẫn có nhiều lựa chọn cho các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung và cứng rắn hơn mà họ có thể áp đặt lên Moscow - tác động đến mọi thứ, từ khoản đầu tư hàng tỷ USD vào đường ống dẫn khí Nord Stream 2 cho đến việc người dân Nga sử dụng thẻ tín dụng.
Khi Ngoại trưởng Mỹ Blinken chuẩn bị gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Geneva vào ngày 21.1 vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng của bất kỳ điều gì trong số đó sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của Putin. Các biện pháp táo bạo nhất cũng có thể phản tác dụng đối với châu Âu, vì lục địa này phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Và ngay cả khi Mỹ tiếp tục và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới này, sẽ phải mất một thời gian trước khi giới tinh hoa của Nga bắt đầu cảm thấy bị ảnh hưởng.
Al Jaeera dẫn lời chuyên gia Yuval Weber, trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Trường Dịch vụ Công của Đại học Texas A&M ở Washington cho rằng: "Về mặt chiến thuật ngắn hạn, những bước đi này sẽ không đủ ảnh hưởng đến Putin. Về lâu dài, các lệnh trừng phạt có thể đè bẹp nền kinh tế Nga. Nếu Putin phát lệnh tấn công Ukraine, ông ấy sẽ bảo vệ tương lai của Nga bằng những hành động của ông ấy trong hiện tại".
Các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể làm tổn thương Nga đến mức nào?
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Aalto của Phần Lan đã nghiên cứu tác động của các lệnh trừng phạt từ năm 2014 đến năm 2017 và phát hiện ra rằng hơn 80% các công ty Nga mà họ khảo sát đã báo cáo tác động bất lợi trong báo cáo hàng năm của họ.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy rằng các công ty châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt gây ra. Jukka Sihvonen, trợ lý giáo sư kế toán tài chính tại Aalto, cho biết, trong khi các công ty Nga tiếp tục gặp khó khăn, các khiếu nại từ các đối tác châu Âu giảm dần theo thời gian, điều này cho thấy rằng họ đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc đối với các đối tác Nga vì thế giảm tổn thương từ các lệnh trừng phạt.
Maria Shagina, chuyên gia thuộc Trung tâm Chính trị và Quyền lực Mỹ tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan nhận định rằng, xét về góc độ nào đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng có ảnh hưởng dù là không quá nhiều đối với tư duy chiến lược của Putin. "Nói cách khác, nếu không có các biện pháp trừng phạt, hoàn toàn có khả năng Putin sẽ không dừng lại việc tiếp quản Crimea và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Mục tiêu cuối cùng của các lệnh trừng phạt dù với mục đích nhằm đảo ngược những gì Nga đã làm ở Ukraine đã không đạt được kết quả như mong đợi, nhưng đã có một số tác động nhất định", bà Maria Shagina đánh giá.
Năm 2021 không phải là năm 2014
Các biện pháp trừng phạt cho đến nay chủ yếu tập trung vào các cá nhân và thực thể được cho là nằm trong quỹ đạo của Putin. Chuyên gia Weber cho rằng, kể từ năm 2014, Điện Kremlin đã phát triển thành hai nền kinh tế song song - một nền kinh tế dành cho những người Nga bình thường, những người đang chịu các lệnh trừng phạt; và thứ hai dành cho giới tinh hoa kinh tế, chính trị và quân sự, những người được bảo vệ vì phải chịu tác động của các lệnh trừng phạt.
Nga đã xây dựng dự trữ quốc tế trị giá 630 tỷ USD. "Chiếc nồi" này giúp Putin đảm bảo rằng những người thuộc tầng lớp thượng lưu gắn bó với ông sẽ không phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào.
Chuyên gia Weber nói: "Về cơ bản, đó là bước hỗ trợ khi cuộc xâm lược xảy ra. Giới tinh hoa có thể coi các lệnh trừng phạt chỉ đơn giản là chi phí kinh doanh… họ có cơ hội chứng minh lòng trung thành của mình với Putin".
Đòn bẩy năng lượng và giới hạn
Mỹ có các lựa chọn khác, bao gồm trừng phạt các dự án cốt lõi của Điện Kremlin và làm sâu sắc thêm nỗi đau cho những người Nga bình thường với hy vọng rằng điều này sẽ gia tăng áp lực của dư luận lên Putin. Washington từ lâu đã muốn khai tử đường ống Nord Stream 2, nhằm mục đích tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Liên minh châu Âu.
Nhưng theo phán đoán của giới chuyên gia, trong khi các lệnh trừng phạt đối với dự án sẽ gây tổn hại cho các nhà đầu tư Nga tham gia, thì người dân châu Âu cũng sẽ phải trả chi phí lớn hơn nhiều. Hiện tại, người tiêu dùng châu Âu đang phải trả nhiều tiền hơn bình thường cho khí đốt do nguồn cung bị chậm trễ.
Châu Âu cũng là con tin của Moscow nếu phương Tây quyết định thực hiện điều mà Shagina mô tả là "lựa chọn hạt nhân" - khiến Nga bị trục xuất khỏi hệ thống thanh toán quốc tế mà thương mại toàn cầu đang áp dụng: hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
Điều đó sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng và nhà xuất khẩu của Nga. Nhưng một lần nữa, điều đó sẽ gây tổn hại cho châu Âu, quốc gia sử dụng hệ thống này phải trả cho Nga hàng tỷ đô la tiền hydrocacbon mỗi năm, chuyên gia Shagina nói.
Các nhà phân tích cho biết, để phương Tây có thể thực sự khiến Nga lo lắng, châu Âu và Mỹ phải cùng lên tiếng về các lệnh trừng phạt. Shagina nói: "Đó là điều quan trọng để gửi đi một thông điệp về sự đoàn kết. Nó cũng rất quan trọng vì thương mại hàng năm của Mỹ với Nga (dưới 30 tỷ đô la) chỉ bằng một phần nhỏ của châu Âu (gần 200 tỷ đô la), mang lại cho Brussels sức ảnh hưởng lớn hơn".
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, sự thống nhất đó không dễ mà có được. Đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý rằng châu Âu cần đối thoại riêng với Nga, không phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow. Ngày 19.1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Biden thừa nhận rằng NATO có thể bị chia rẽ về cách thức tiến hành chống lại Moscow tùy thuộc vào mức độ can thiệp của Nga vào Ukraine.
Theo chuyên gia Cortright, không thấy các nhà lãnh đạo châu Âu đồng ý với các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 hoặc loại bỏ Nga khỏi hệ thống SWIFT trừ khi Moscow "thực sự xâm lược Ukraine hoặc gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn ở biên giới hoặc các khu vực tranh chấp".
Vũ khí cuối cùng là gì?
Đòn bẩy năng lượng của Nga đối với châu Âu cũng có những hạn chế. Cho đến nay, Moscow chỉ ngừng cung cấp khi có thể viện lý do thương mại - chẳng hạn như một quốc gia không thanh toán khí đốt đúng hạn. Nếu đường ống bị chặn vì các lý do chính trị như xung đột, châu Âu sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm các nguồn khác, Weber cho biết.
Một số quốc gia đã chuẩn bị cho khả năng đó. Đầu tháng này, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Aramco của Ả Rập Xê-út đã mua cổ phần trong một nhà máy lọc dầu của Ba Lan, một động thái mà các chuyên gia cho rằng Warsaw muốn giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Nếu những người khác làm theo, Moscow có nguy cơ mất đi nguồn thu quan trọng về lâu dài.
Không phải Nga không hiểu rõ điều này, chuyên gia Weber kết luận.