Dân Việt

Loài cá đặc sản bị cạn kiệt, tỉnh này chi 1,6 tỷ cho sinh sản nhân tạo, thả 50.000 con ra sông Trà Khúc

Lê Phước Vĩnh Trọng 31/01/2022 13:22 GMT+7
Cá bống tự nhiên trên sông Trà được coi là "đệ nhất ẩm thực" tỉnh Quảng Ngãi, nhưng do khai thác quá mức dẫn tới dần cạn kiệt. Vì vậy, các nhà khoa học đã ươm giống để tái tạo đặc sản nổi tiếng này.

Qua 3 tháng triển khai, mô hình nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát sông Trà bằng nguồn giống sinh sản nhân tạo tại khu vực cửa sông Trà Khúc - nơi giao thoa giữa nước ngọt và nước mặn, xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) của hộ ông Nguyễn Hữu Còn đem lại hiệu quả khả quan.

Lo ngại loài cá đặc sản "đệ nhất ẩm thực" bị cạn kiệt, tỉnh này chi 1,6 tỷ đồng cho sinh sản nhân tạo - Ảnh 1.

Thu hoạch cá bống cát đặc sản.

Ông Nguyễn Hữu Còn cho hay, qua nghiên cứu thực tế, cửa sông Trà Khúc có độ mặn dao động từ 3- 5%, đây là môi trường rất thích hợp để thả nuôi cá bống cát. Chính vì vậy, khoảng tháng 10/2021 ông đã thả nuôi 12.000 con với kích cỡ 4- 6 cm/con. 

Cá bống đặc sản thích nghi nhanh, sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống khá cao, đạt tới 78,8%. Thời điểm thu hoạch đạt hơn 100 kg, cá có khối lượng cơ thể lên tới 11 gram/con.

Mô hình này thuộc đề tài “Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát sông Trà tỉnh Quảng Ngãi”, được UBND tỉnh phê duyệt năm 2019 với tổng kinh phí lên tới 1,6 tỷ đồng. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh là đơn vị chủ trì, giao cho Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung thực hiện. Các hộ tham gia mô hình phải đối ứng số tiền 200 triệu đồng.

Theo ông Lê Văn Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung, Trung tâm rất vui khi lần nuôi thử nghiệm đầu tiên đã đem lại thành công ngoài mong đợi. 

Đây là tiền đề để Trung tâm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá “ đặc sản” của Quảng Ngãi, hướng tới nhân rộng trong tương lai.

Cũng theo ông Lê Văn Diệu, để sản xuất giống cá bống cát nhân tạo đạt yêu cầu đòi hỏi phải xây dựng được đàn cá bố, mẹ ổn định, có chất lượng. 

Vì vậy, trung tâm chủ yếu thu, tuyển chọn cá bố, mẹ từ các mẻ khai thác của ngư dân; đảm bảo khối lượng cơ thể từ 10- 13 gram/con, chiều dài từ 10 - 20 cm/con. Cá phải hội đủ các yếu tố như khỏe, các bộ phận cơ thể còn nguyên vẹn, màu sắc tươi sáng tự nhiên.

Lo ngại loài cá đặc sản "đệ nhất ẩm thực" bị cạn kiệt, tỉnh này chi 1,6 tỷ đồng cho sinh sản nhân tạo - Ảnh 3.

Thời điểm thu hoạch, cá bống cát đặc sản có trọng lượng cơ thể lên tới 11 gram/con.

Con giống cá bống cát sông Trà sẽ được thả vào sông Trà Khúc để tái tạo nguồn lợi thủy sản trong bối cảnh sản lượng cá bống nguồn gốc chính từ khai thác tự nhiên và sản lượng đang sụt giảm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhằm duy trì sinh kế cho người dân địa phương. Tổng số lượng cá giống dự kiến thả tái tạo khoảng 50.000 con.

Cá bống cát (Glossogobius sparsipapillus) lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam trên các thủy vực vùng Cần Thơ bởi Akihito và Meguro năm 1976, phân bố tự nhiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và khu vực miền Trung bao gồm tỉnh Quảng Ngãi.

Trong công trình nghiên cứu “Điều tra đánh giá nguồn lợi cá bống sông Trà Khúc” của Võ Văn Nha năm 2012 đã mô tả đầy đủ về hình thái, cấu tạo, đặc điểm phân bố và sinh thái, đặc điểm dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản của loài cá bống cát.

Đáng lưu ý, nghiên cứu đã xác định được 12 loài cá bống phân bố trên sông Trà Khúc; trong đó, có 6 loài được người dân ưa thích, giá bán cao hơn hẳn các loài còn lại. Đây là một trong 6 loài cá bống đặc sản có giá trị cao và có kích thước cơ thể lớn nhất, trung bình khoảng 53 g/con.

Được mệnh danh là "đệ nhất ẩm thực của Quảng Ngãi", song cá bống trên sông Trà suy giảm nghiêm trọng, do môi trường nước thay đổi, bị khai thác quá mức.