Trên khu bãi bồi ngoài sông Hồng thuộc xã Phú Phúc (Lý Nhân, Hà Nam), hơn 1 mẫu trồng cúc chi của HTX Chế biến nông sản Sông Hồng đã đến kỳ cho thu hoạch.
Đây là lứa cúc chi đầu tiên, nhưng cho thấy khả năng thích nghi và phù hợp với đồng đất, cây sai hoa. HTX đang tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hái, sơ chế, bảo quản.
Ông Trần Văn Cảnh, Giám đốc HTX cho biết: Giống cúc thảo dược được HTX đưa vào phát triển sản xuất thay thế những cây trồng cũ kém hiệu quả. Với khả năng cho hiệu quả kinh tế, chắc chắn diện tích trồng cúc chi sẽ được HTX mở rộng trong những vụ tiếp theo.
Qua tìm hiểu được biết, trước nhu cầu chuyển đổi cây trồng và nâng cao hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng, HTX Chế biến nông sản Sông Hồng lựa chọn đưa giống cúc thảo dược vào sản xuất. Loại cây này dễ trồng và chăm sóc, cây khỏe, gần như không có sâu bệnh.
Vụ cúc chi đầu tiên này được HTX trồng từ tháng 6/2021, cho thu hoạch vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1 năm sau. Hiện cúc chi cho thu hoạch dự kiến cho năng suất 55 -60 kg hoa khô/sào/vụ, tương đương khoảng 350 kg tươi, gần tương đương với những vùng trồng truyền thống tại Hưng Yên hay một số nơi khác.
Với giá bán hiện nay ở mức 500 nghìn đồng/kg hoa khô sẽ cho giá trị sản xuất lên đến gần 30 triệu đồng/sào/vụ, trong khi đầu tư sản xuất cúc chi không quá cao.
Cụ thể, tiền giống cúc vụ đầu chi phí hết 5 triệu đồng/sào, những vụ sau người dân dùng cành của cây trồng vụ trước để ươm, giảm trên 50% chi phí. Đối với phân bón cho cả vụ chưa đến 1 triệu đồng/sào.
Chi phí lớn nhất là công thu hoạch, do bông cúc chi nhỏ, nhiều lại phải hái thủ công và tập trung do cùng lứa. Vì thế, để thu hoạch một sào cúc chi phải cần khoảng 10 công lao động. Trừ cả các chi phí khác, lợi nhuận từ cúc chi đem lại đạt 60% giá trị, tương đương 20 triệu đồng/sào.
Vấn đề chính, do làm thảo dược nên cúc chi được trồng đạt chất lượng an toàn. Đồng thời, HTX phải đầu tư hệ thống sấy tiên tiến để không phụ thuộc vào thời tiết, bảo đảm giữ được màu, chất lượng và hương vị của sản phẩm.
Cũng theo ông Trần Văn Cảnh, trên đồng đất bãi của địa phương hiện nay chưa có loại cây trồng nào có giá trị và lợi nhuận cao như cúc chi. Lợi nhuận 1 sào cúc chi đem lại tương đương với cả ha ngô trồng trước đây.
HTX Chế biến nông sản Sông Hồng thầu lâu dài hơn 3 ha đất bãi bồi của xã. Tuy chất đất phù sa rất tốt cho các loại cây trồng, nhưng để ra được khu bãi bồi này phải sử dụng thuyền, nhiều người dân địa phương không mặn mà sản xuất.
Cũng chính vì khó khăn đó, cả thời gian dài HTX cũng chỉ trồng cây ngô lai lấy hạt và trồng ngô sinh khối bán làm thức ăn gia súc, hiệu quả kinh tế thấp. Giá trị bình quân/sào sản xuất ngô chỉ đạt hơn 2 triệu đồng/năm. Không những vậy, cây ngô nặng mất nhiều công vận chuyển từ ngoài bãi bồi vào bờ dẫn đến lợi nhuận thu được rất thấp, chỉ đạt dưới 1 triệu đồng/sào/năm.
Việc đưa cúc chi vào sản xuất còn có thêm ưu điểm gọn, nhẹ, dễ vận chuyển. Sau vụ đầu tiên này, HTX Chế biến nông sản Sông Hồng sẽ ươm giống cúc chi từ thân cây đã có để mở rộng diện tích sản xuất trong năm 2022. Dự định HTX sẽ trồng toàn bộ hơn 3 ha đất bãi bồi bằng các loại cây thảo dược, trong đó cúc chi là cây trồng chủ yếu.
Thị trường của loại cúc thảo dược này hiện đang rất thuận lợi bởi nguồn sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu thu mua, chế biến làm trà, vị thuốc bắc. Vì vậy, cùng với việc mở rộng diện tích sản xuất hiện có, HTX hướng đến liên kết với các hộ dân trong vùng sản xuất và thu mua sản phẩm cúc chi. Các hộ sẽ trồng với diện tích vừa phải phù hợp với điều kiện lao động sẵn có.
Trồng cúc thảo dược đang là hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông sản hàng hóa của HTX Chế biến nông sản Sông Hồng nói riêng và xã Phú Phúc nói chung. Đây là cách làm giúp phát huy được lợi thế, tiềm năng của vùng đất bãi ven sông Hồng màu mỡ, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác và thu nhập cho người dân địa phương.