Dân Việt

Đâu là bí quyết giúp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lập kỷ lục chưa từng có?

Khánh Nguyên (thực hiện) 02/02/2022 07:00 GMT+7
Đầu xuân Nhâm Dần, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), cho biết, trong giai đoạn tới, ngành lâm nghiệp sẽ chú trọng nâng cao chất lượng rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong năm 2022, ngành phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 16,3 tỷ USD.
Chủ động nguồn nguyên liệu, xuất khẩu gỗ lập kỷ lục - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), cho biết, trong giai đoạn tới, ngành lâm nghiệp sẽ chú trọng nâng cao chất lượng rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ảnh: P.V

Nói về những điểm nhấn ấn tượng của ngành lâm nghiệp trong năm 2021, theo ông đó là gì?

-Đầu tiên, phải khẳng định, tỷ lệ che phủ rừng trong năm 2021 đạt 42,02% theo tôi là con số rất có ý nghĩa, không chỉ thể hiện về diện tích, chất lượng rừng mà việc cơ cấu các loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất cũng được quan tâm  bố trí phù hợp hơn, không chạy theo số lượng và tăng về chất lượng rừng.

Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt Chiến lược lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Khác với giai đoạn trước, Chiến lược lâm nghiệp trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào một số vấn đề chính là:

Bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng; quan tâm đến phát triển kinh tế lâm nghiệp. Theo đó, nhiều nội dung của  rừng sẽ được khai thác như dịch vụ môi trường rừng (nước, các-bon, du lịch sinh thái…); Ngoài ra, sẽ chú trọng khai thác lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm khác của rừng với phương châm khai thác hợp lý để phát triển kinh tế, coi kinh tế lâm nghiệp là nội dung quan trọng.

Muốn phát triển kinh tế lâm nghiệp thì phải thúc đẩy chế biến, trong năm nay, ngành lâm nghiệp khai thác được 32 triệu mét khối gỗ, trong đó có 21,5 triệu mét khối là từ rừng trồng tập trung, giúp ngành công nghiệp chế biến phát triển ổn định bền vững, giúp người trồng rừng, làm nghề rừng có cơ hội tăng thu nhập.

Một điểm nhấn quan trọng trong năm 2021 là ngành lâm nghiệp đang đẩy mạnh phát triển theo chuỗi giá trị, từ bảo vệ, phát triển, chế biến đến thương mại.

Năm 2021, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm cũng được Chính phủ ban hành. Đây là lần đầu tiên có đề án phát triển cây rừng, cây lâm nghiệp ở cả khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp với thông điệp: Vì một Việt Nam xanh.

 Sau gần một năm tổ chức, năm 2021 cả nước đã trồng được 99 triệu cây phân tán, một con số kỷ lục từ trước đến nay; 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án triển khai, rà soát quỹ đất để trồng rừng.

Để hiện đại hóa ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản, một khu lâm nghiệp công nghệ cao cũng đã được xây dựng ở Nghệ An với diện tích khoảng 700ha, gồm 3 hợp phần, khu nhân giống, khu chế biến và sàn thương mại. 

Khi đi vào hoạt động, khu lâm nghiệp công nghệ cao được kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vì khu vực Bắc Trung Bộ không chỉ có nguồn nguyên liệu dồi dào và dịch vụ logistic cũng rất thuận tiện.

Chủ động nguồn nguyên liệu, xuất khẩu gỗ lập kỷ lục - Ảnh 2.

Năm 2021 cả nước đã trồng được 99 triệu cây phân tán, một con số kỷ lục từ trước đến nay; 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án triển khai, rà soát quỹ đất để trồng rừng. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, năm 2021 lần đầu tiên dịch vụ môi trường rừng cũng cán đích 3.143 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là con số đề ra cho năm 2025 nhưng đến giờ đã cán đích. Đáng ghi nhận là, nội dung thu cũng mở rộng ra một số lĩnh vực. 

Đây là nguồn thu quan trọng với các chủ rừng, vì với định mức khoán bảo vệ rừng hiện tại của nhà nước là 300.000 đồng/ha, các chủ rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tính toán, định mức bảo vệ rừng hiện tại lên đến khoảng 1,1 triệu đồng/ha, do vậy dịch vụ môi trường rừng sẽ đóng góp một phần kinh phí cho các chủ rừng thực hiện việc bảo vệ, phát triển rừng.

Năm 2021, trong các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, Việt Nam cũng đạt được thỏa thuận về bán tín chỉ các bon, với định mức 5,15 triệu tấn cho Tổ chức tài chính quốc tế, thu về 50 triệu USD. 

Con số có thể chưa lớn nhưng điều quan trọng là tạo được thị trường, chỗ đứng của ngành lâm nghiệp Việt Nam về thị trường các bon.

Năm 2021, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quý II/2021, 19 tỉnh, thành phố phía Nam buộc phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, đây cũng là năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt kỷ lục. Theo ông, đâu là động lực để đạt được kết quả này?

-Như các bạn đã biết, năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản tiếp tục lập kỷ lục với 15,96 tỷ USD, tăng 21% so với 2020 và tăng 117% so với kế hoạch. 

Đặc biệt, năm 2021, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đã đạt 1,2 tỷ USD, tăng 40%. Đây là tín hiệu vui cho thấy chúng ta đang khai thác tốt tiềm năng của rừng.

Năm 2021 cũng ghi nhận sự kỷ lục về con số xuất siêu. Theo đó, nhập khẩu nguyên liệu gỗ năm 2021 đạt 2,93 tỷ USD, như vậy, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản xuất siêu trên 13 tỷ USD.

Năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 48,6 tỷ USD, trong đó  lâm nghiệp chiếm 1/3, xuất siêu toàn ngành nông nghiệp là 4 tỷ USD. 

Chủ động nguồn nguyên liệu, xuất khẩu gỗ lập kỷ lục - Ảnh 3.

Năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 16,3 tỷ USD. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến gỗ của Công ty Hoàng Thông (Bình Dương). Ảnh: Cao Cẩm.

Như vậy, ngành lâm nghiệp có đóng góp đáng kể vào giá trị xuất siêu và khẳng định tính bền vững của nguồn nguyên liệu trong nước được tạo dựng bởi sự liên kết của doanh nghiệp và người trồng rừng cả nước.

Thực ra nhìn lại con số xuất khẩu lâm sản trong bối cảnh năm 2021 đầy khó khăn do tác động của dịch Covid-19 mới thấy sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Bộ NNPTNT, sự nỗ lực vượt khó của ngành lâm nghiệp.

Tôi nhớ, thời điểm các tỉnh phía Nam phải giãn cách xã hội, xuất khẩu gỗ gặp khó khăn, hàng tuần chúng tôi đều họp giao ban với các hiệp hội và doanh nghiệp, lắng nghe khó khăn của họ và kịp thời kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ.

Bên cạnh đó, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ còn gặp áp lực lớn trong cạnh tranh thương mại khi Mỹ có 2 cuộc điều tra, trong đó có điều tra theo mục 301 của Cơ quan Thương mại Mỹ.

Điều đáng mừng là, qua 7 đợt đàm phán, chúng ta đã thống nhất được với bạn ký được một thỏa thuận dừng việc điều tra. Phía bạn cũng khuyến nghị Việt Nam sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật (cái này đã trong lộ trình của Tổng cục Lâm nghiệp) và yêu cầu tất cả các sản phẩm xuất sang Mỹ không sử dụng sản phẩm đã tịch thu. 

Do vậy, trong lúc chờ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi đã có các văn bản khuyến cáo doanh nghiệp đừng tham gia đấu giá gỗ đã tịch thu (dù số lượng này không nhiều), không sử dụng loại gỗ đó đưa vào chuỗi cung để chế biến xuất khẩu sang Mỹ.

Nhờ thành công của việc ký thỏa thuận cấp Chính phủ, năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang Mỹ đạt tới 9,4 tỷ USD.

Trên cơ sở những kết quả của năm 2021, mục tiêu năm 2022 ngành lâm nghiệp phấn đấu thực hiện là gì, thưa ông?

Năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng rừng tập trung đạt 240.000 ha; trồng 122 triệu cây phân tán để đảm bảo tiến độ thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh. 

Khai thác gỗ đạt 31,5 triệu mét khối, đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 16,3 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu này, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phấn đấu thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch Bộ giao; đồng thời triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu.

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sử dụng môi trường rừng bền vững; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Xin trân trọng cảm ơn ông!