Mỹ có nhu cầu ngày càng lớn, Việt Nam muốn thu 16 tỷ USD từ một sản phẩm thế mạnh

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 02/01/2022 06:30 AM (GMT+7)
Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục lập kỷ lục nhờ sức mua tăng vọt từ thị trường Mỹ, Trung Quốc.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ lập kỷ lục chưa từng có

Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục lập kỷ lục mới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có những tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành lâm nghiệp năm 2022 mới đây, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. 

Trong đó, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020 (riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD). 

Mỹ có nhu cầu ngày càng lớn, Việt Nam muốn thu 16 tỷ USD từ một sản phẩm thế mạnh - Ảnh 1.

Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục lập kỷ lục nhờ sức mua tăng vọt từ thị trường Mỹ, Trung Quốc. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại một doanh nghiệp của Bình Dương. Ảnh: P.V

Đáng chú ý, xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.115 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01% tương ứng 3.300ha so với năm 2020.

Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, Tổng cục Lâm nghiệp đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản để nắm bắt tình hình, tham mưu Bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; theo dõi và phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam, trong năm 2021, Mỹ chi tới 9,1 tỷ USD mua đồ gỗ của Việt Nam, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 59,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, Mỹ là thị trường có nhu cầu cao và sức tiêu thụ lớn đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam, nhưng thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ liên tục thay đổi, các yêu cầu và quy định ngày càng nghiêm ngặt. 

Do đó để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ sang thị trường này, các doanh nghiệp ngành gỗ cần tiếp tục nâng cao chất lượng, phù hợp với xu hướng, nhu cầu tiêu dùng mới, chú trọng tính hợp pháp và sự an toàn, thân thiện với môi trường.

Thêm bộ giống lâm nghiệp để cải thiện chất lượng rừng - Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) tham gia Tết trồng cây. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Sơn Động

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan vừa ký ban hành Chỉ thị số 9095/CT-BNN-TCLN ngày 30/12/2021 về tổ chức phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân dịp Xuân Nhâm Dần, tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2022, trong đó Bộ NNPTNT đề nghị kiểm tra, rà soát diện tích rừng bị phá, lấn chiếm sử dụng sai mục đích.

Mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 16 tỷ USD trong năm 2022

Có thể thấy, ngành lâm nghiệp tiếp tục là điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp. 

Hướng tới giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong năm 2022 đạt 16 tỷ USD với nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh dịch Covid 19 sẽ tiếp tục tác động đến hoạt động, sản xuất của ngành, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục có thêm nhiều nỗ lực, sáng kiến mới, nhất là tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại.

Ông Võ Đại Hải - Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: "Thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển về du lịch sinh thái đã làm thí điểm rồi cần có đánh giá và tổng kết để đưa ra chiến lược phát triển gia tăng giá trị từ rừng. Đối với rừng tự nhiên trong chiến lược phát triển phát triển sắp tới về phía quản lý ngành cần có giải pháp từng bước để khôi phục và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên".

Đánh giá cao những kết quả của ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ, giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản; 4,7% giá trị xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý cần thêm các bộ giống cây lâm nghiệp chủ lực bên cạnh cây keo hiện nay để nâng cao chất lượng rừng và gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

"Chi trả môi trường rừng đạt 3.100 tỷ đồng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng từ rừng, chúng ta đang kỳ vọng việc bán tín chỉ các-bon từ rừng, đây là hướng phát triển lâu dài và bền vững, vừa đảm bảo công bằng và là động lực thúc đẩy hình thành vùng nguyên liệu và phát triển rừng. Ngành cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng thường là bị động vì vậy không chủ quan phải chủ động nắm tình hình, kịp thời phối hợp với các địa phương, đơn vị để quản lý, bảo vệ rừng" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem