Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua lượng khổng lồ, Việt Nam có tới 6 loại nông sản xuất khẩu trên 3 tỷ USD

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 01/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn thu về 48,6 tỷ USD, trong đó 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Bình luận 0

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua lượng lớn, 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD

Trong bối cảnh khó khăn chung, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%.

Đặc biệt, lần đầu tiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản chinh phục kỷ lục mới khi năm 2021 đạt con số 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020; trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Xuất khẩu nông sản chính đạt 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%. 

Tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (thêm 1 mặt hàng là thức ăn gia súc và nguyên liệu), trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Đó là, gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 14,81 tỷ USD; tôm trên 3,85 tỷ USD; rau quả trên 3,52 tỷ USD; hạt điều 3,66 tỷ USD; gạo trên 3,27 tỷ USD; cao su trên 3,31 tỷ USD.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Nói về những thành tích của ngành nông nghiệp năm 2021, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu ở thời điểm tháng 8, tháng 9, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi ngành hàng bị đứt gãy, việc sản xuất, vận chuyển, chế biến khó khăn khiến hệ thống phân phối bị ngưng trệ, thị trường bị đứt gãy..., không hình dung nổi ngành nông nghiệp sẽ vượt qua, hoàn thành chỉ tiêu, lập kỷ lục mới về xuất khẩu nông lâm thủy sản.

gop/ Nông nghiệp hướng tới những kỳ tích mới - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lập kỷ lục về giá trị trong năm 2021. Ảnh: Dây chuyền chế biến gỗ của Công ty Hoàng Thông. Ảnh: T.L

"Chúng ta phải giải quyết được bài toán nghịch lý là tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp không đồng nhất với thu nhập của người nông dân. Lẽ ra hai đường này phải đi song song nhau nhưng một đường đi nhanh, một đường đi chậm. Đây là điều mà tôi rất ưu tư".

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

"Kết quả này nói lên sự năng động, thích ứng, nhanh nhạy không chỉ trong bộ máy quản lý ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương mà còn thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng nhằm kết nối, giữ vững thị trường. 

Hàng chục triệu hộ nông dân trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng vẫn tạo ra được lượng nông sản lớn, giúp ngành nông nghiệp lấy được đà phục hồi nhanh, đảm bảo cung ứng đủ lương thực thực phẩm cho người dân trong thời điểm giãn cách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để có được kết quả này, các tổ công tác đặc biệt của Bộ NNPTNT đã có nhiều sáng kiến, giải pháp phù hợp, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, giúp các doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ chế biến. 

Trong điều kiện mỗi địa phương có những quy định khác nhau trong phòng chống dịch thì vai trò kết nối, điều phối của các tổ công tác là rất quan trọng.

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, kết quả kỷ lục này là nhờ cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm nông lâm thủy sản có lợi thế và giá trị cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trong đó, ngành trồng trọt tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và do thời tiết không thuận lợi, sang trồng rau, quả, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn, mặc dù diện tích gieo trồng giảm khoảng 39.700ha nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha so với năm 2020.

gop/ Nông nghiệp hướng tới những kỳ tích mới - Ảnh 3.

Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng. 

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ, giá thịt lợn hơi giảm trong thời gian tương đối dài, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng, nhiều cơ sở chăn nuôi dừng tái đàn, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp đánh giá thực trạng chăn nuôi, hệ thống phân phối, tiêu thụ thịt lợn để có giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường. 

Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển: Đàn lợn ước đạt khoảng 28,0 triệu con, tăng 7,1%; đàn gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%. Tổng sản lượng thủy sản 8,73 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn, tăng 0,9%; nuôi trồng 4,8 triệu tấn, tăng gần 1,1%.

Linh hoạt trong biến động

gop/ Nông nghiệp hướng tới những kỳ tích mới - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan (giữa) tham gia mở vườn vải xuất khẩu tại huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: K.N

gop/ Nông nghiệp hướng tới những kỳ tích mới - Ảnh 4.

Linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai kịp thời các giải pháp, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có một năm thắng lợi dù những khó khăn ngành gặp phải vô cùng nhiều và chưa từng có tiền lệ.

Đây là động lực để ngành tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới, chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trong năm 2022 và những năm tới.

Nói về năm 2021, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng: "Nếu nói một từ duy nhất về ngành nông nghiệp năm 2021 thì đó là từ "biến". 

Nhưng qua sự biến động, chúng ta cũng nhìn rõ ưu, khuyết điểm và cũng là động lực để chuyển đổi mạnh mẽ hơn tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp".

Sự chuyển dịch mạnh mẽ này thể hiện ở chỗ với phương châm thích ứng linh hoạt, Bộ NNPTNT tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; vượt qua thách thức, khó khăn, khai thông thị trường xuất nhập khẩu. 

Cùng với đó, môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ; nỗ lực vươn lên và đạt kết quả khả quan, hầu hết các chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch.

"Lần đầu tiên, Bộ NNPTNT thành lập, tổ chức hoạt động hiệu quả 2 tổ công tác đặc biệt chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 khu vực phía Nam và phía Bắc. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, phân phối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch Covid-19, giảm thiểu đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản; tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2022, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản. 

Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. 

Đẩy mạnh truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn, nhất là theo phương thức online; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các địa phương theo chuỗi; đẩy mạnh kết nỗi các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó, tích cực tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt là CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực.

 Đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem