Chưa từng có: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản gom lượng lớn, Việt Nam thu 48,6 tỷ USD nhờ bán nông sản

K.Nguyên Thứ hai, ngày 27/12/2021 13:13 PM (GMT+7)
Sức mua tăng mạnh từ những thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 lập kỷ lục chưa từng có.
Bình luận 0

.Mỹ, Trung Quốc, Nhật tăng mua, xuất khẩu nông, lâm thủy sản lập kỷ lục

Sức mua tăng mạnh từ những thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 lập kỷ lục chưa từng có.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, xuất khẩu nông, lâm thủy sản năm 2021 đạt con số kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020; trong đó nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%. 

Đáng chú ý, tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD (thêm 1 mặt hàng là thức ăn gia súc và nguyên liệu).

Có tới 06 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 14,81 tỷ USD; tôm trên 3,85 tỷ USD; rau quả trên 3,52 tỷ USD; hạt điều 3,66 tỷ USD; gạo trên 3,27 tỷ USD; cao su trên 3,31 tỷ USD). 

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.

Chưa từng có: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản gom lượng lớn, Việt Nam thu 48,6 tỷ USD nhờ bán nông sản - Ảnh 1.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật tăng mua, xuất khẩu nông, lâm thủy sản lập kỷ lục, trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 15 tỷ USD. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến gỗ của Công ty Lâm Việt. Ảnh: Cao Cẩm.

Theo Bộ NNPTNT, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu như việc giảm đơn hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu; tình trạng thiếu hụt lao động; ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại (logistics); các thị trường quốc tế xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng; rhiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp, thiếu hụt lao động, gây tổn thương đến thương mại nông lâm thủy sản quốc tế nhưng toàn ngành đã thực hiện quyết liệt chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện "mục tiêu kép".

Bộ đã xây dựng, triển khai các giải pháp thực hiện các phương án xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo thúc đẩy mở cửa thị trường với các nước như: Peru, Úc...; chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng tích cực phối hợp với các bộ ngành thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. 

Phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU và Trung Quốc…) để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau dịch bệnh Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt…

Đặc biệt, với việc thành lập, tổ chức hoạt động hiệu quả 02 tổ công tác đặc biệt chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 khu vực phía Nam và phía Bắc, Bộ NNPTNT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, phân phối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giảm thiểu đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản; đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Duy trì xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, mở thêm thị trường mới

Trên cơ sở những kết quả ấn tượng của năm 2021, năm 2022, Bộ NNPTNT tiếp tục mục tiêu đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực (gạo, trái cây, thủy sản, gỗ...) và tại các thị trường trọng điểm.

Các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản. 

Tiếp tục tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực. 

Đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao. 

Duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU; chú ý thị trường Nga; mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, Trung Đông, Argentina. 

Lựa chọn đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, Châu Phi, ASEAN... 

Kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại cửa khẩu. 

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách thị trường xuất khẩu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem