Các bước tiếp cận ngoại giao diễn ra khi Nga cáo buộc Mỹ làm tăng "căng thẳng" bằng cách triển khai 1.000 binh sĩ đến Romania và 2.000 quân đến Ba Lan để củng cố sườn phía đông của NATO.
Khi Moscow từ chối rút hơn 100.000 quân khỏi biên giới Ukraine, nhiều nước đang gấp rút tham gia vào các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ - bên cạnh những lời đe dọa trừng phạt đối với vòng tròn nội bộ của Tổng thống Putin - để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Ukraine.
Ông Erdogan, người đang theo đuổi đường lối ngoại giao của riêng mình, đã tái khẳng định tại cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Zelenskyy về lời đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình với nhà lãnh đạo Nga Putin.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách tận dụng mối quan hệ đặc biệt của ông với Tổng thống Putin để thiết lập các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Zelenskyy đã cảm ơn ông Erdogan vì những nỗ lực trên và khẳng định ông “sẵn sàng làm mọi thứ có thể ở mọi nền tảng và mọi hình thức” để mang lại hòa bình cho Ukraine.
Ông Erdogan đã trở thành "người hòa giải giữa Ukraine và Nga vì ông tin rằng mình có thể nói chuyện thoải mái và thẳng thắn" với cả Tổng thống Zelenskyy và Tổng thống Putin.
Erdogan nói rằng, ông ấy không muốn thấy 2 nước (Nga, Ukraine) xung đột, nhưng với tư cách là một thành viên NATO, nếu Nga xâm lược Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ sườn phía đông của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
“Nhưng tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có quan hệ chiến lược và hợp tác chiến lược khi nói đến Libya, Syria và Nagorno-Karabakh … vì vậy, Erdogan cần phải hết sức thận trọng khi giải quyết vấn đề này, Sinem Koseoglu - nhà báo của Al Jazeera từ Istanbul bình luận.
Tuy nhiên, cũng theo nhà báo Koseoglu, nỗ lực làm người hòa giải của ông Erdogan vẫn bị cản trở bởi sự tức giận của Điện Kremlin về việc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp máy bay không người lái chiến đấu cho Kiev - và hai bên đã ký một thỏa thuận mới nhằm mở rộng sản xuất máy bay không người lái ở Ukraine.